Cô gái Lý Minh (24 tuổi, Trung Quốc) mới đây đã chia sẻ câu chuyện khi về thăm giáo viên chủ nhiệm đã về hưu của mình nhân dịp Tết Nguyên đán. Cô giáo này họ Trần, từng dạy nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học danh giá của Trung Quốc, được nhận vào làm cho các công ty nổi tiếng, ra nước ngoài du học hoặc trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Cô Trần rất tự hào khi nhắc đến học trò của mình và nhớ đến cả những phụ huynh của các học sinh xuất sắc này. Khi đó Lý Minh đã tò mò hỏi: “Theo kinh nghiệm và quan sát của cô thì gia đình như thế nào có thể nuôi dạy những người con ưu tú?”. Cô giáo Trần ngẫm nghĩ một chút và cho rằng bên cạnh năng khiếu cho trẻ, 90% những học sinh thành công mà cô biết đều được bố mẹ dạy theo những cách sau.
Theo giáo viên chủ nhiệm này, trong quá trình giáo dục con cái nhiều bậc phụ huynh quen với tự mình quyết định, giao việc cho con hơn là đối thoại bình đẳng và hỏi ý kiến trẻ.
Trên thực tế, khi trẻ em được tôn trọng và lắng nghe thì chúng sẽ dễ mở lòng, sẵn sàng chia sẻ cảm xúc của mình với cha mẹ hơn. Kiểu giao tiếp này giúp mối quan hệ gia đình gần gũi, tạo lập môi trường mang đến cảm giác an toàn cho trẻ. Đồng thời sự thấu hiểu từ cha mẹ còn nuôi dưỡng sự tự tin, khả năng tư duy độc lập của trẻ.
Cô Trần kể về một học sinh nam tên Trịnh Khôi tuy hơi nghịch ngợm nhưng điểm số lại rất tốt, cách cư xử cũng trưởng thành hơn tuổi thật. Mẹ của Trịnh Khôi không bao giờ ép cậu ngồi vào bàn học, thay vào đó cô gợi ý thời gian biểu phù hợp để giúp con tập trung học và sau đó có thể chơi điện tử theo sở thích.
Mỗi lần có lớp học thêm mới, mẹ sẽ không tự mình quyết định mà hỏi cảm nhận và cùng thảo luận với Trịnh Khôi trước. Mẹ cho Trịnh Khôi cảm giác được lắng nghe và thể hiện cảm xúc của chính mình, nhờ vậy cậu cũng biết đặt mình vào vị trí của người khác nên rất được bạn bè yêu mến. Với tư chất như vậy, ai cũng tin Trịnh Khôi sẽ có triển vọng tiến xa trong tương lai.
Cô giáo Trần cho rằng giáo dục thành công không có nghĩa là gây áp lực và kiểm soát một cách mù quáng. Nhiều bậc cha mẹ thường quen giúp đỡ con trong mọi khía cạnh và nghĩ như vậy sẽ giúp cuộc sống con cái dễ dàng hơn.
Thế nhưng quá trình trưởng thành nào của một người cũng cần sự tự lập, tự chủ. Vậy nên hãy để trẻ tự “vùng vẫy” nhiều hơn, tự học và hiểu hơn về chính mình, từ đó có trách nhiệm với cuộc sống.
Như người đồng sáng lập Google Sergey Brin nhận định, phần lớn thành công của ông là nhờ cách giáo dục của gia đình. Cha mẹ nuôi dưỡng trí tò mò, tư duy độc lập và tinh thần đổi mới của ông. Họ khuyến khích Brin khám phá sở thích của mình và chỉ hỗ trợ vào những thời điểm quan trọng.
“Nếu bạn muốn con mình trở thành người có triển vọng, đừng làm mọi thứ thay con. Đó là điều một giáo sư nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục nói với tôi”, Sergey Brin phát biểu tại lễ tốt nghiệp ĐH Stanford.
Giáo viên chủ nhiệm họ Trần nói rằng cha mẹ khôn ngoan dù cho con tự lập vẫn sẽ biết trở thành chỗ dựa khi con cần. Nếu một đứa trẻ non nớt bị tổn thương bởi thế giới bên ngoài mà khi về nhà không được an ủi, gỡ rối kịp thời thì rất có thể đó sẽ trở thành vết sẹo tâm lý, càng lớn càng khó can thiệp hơn.
Cuộc sống ngày nay ngày càng cạnh tranh, áp lực cũng vì thế mà dồn vào những đứa trẻ nhiều hơn. Cô Trần khuyên phụ huynh nên quan tâm đến cảm xúc và tinh thần của trẻ thay vì chỉ tập trung nhìn vào kết quả học tập. “Những đứa trẻ có sức khỏe tinh thần tốt sẽ lạc quan, chăm chỉ và có nhiều động lực đạt được những mục tiêu lớn lao hơn”, giáo viên này nói.
Gia đình là nơi đầu tiên để trẻ hòa nhập xã hội. Trong những năm đầu đời của hầu hết trẻ em, người mà chúng tiếp xúc nhiều nhất và gần gũi nhất chính là cha mẹ, vậy nên lời nói và việc làm của cha mẹ sẽ có tác động sâu sắc đến con cái.
Cô Trần cho rằng khi cha mẹ để ý đến việc làm gương tốt cho con, đứa trẻ đó sẽ dễ dàng bắt chước theo và trở thành người tốt trong cách cư xử cũng như việc không ngừng hoàn thiện bản thân.
Một học sinh của cô Trần đang làm nghiên cứu sinh của ĐH Bắc Kinh - ĐH top đầu Trung Quốc kể với cô rằng từ nhỏ khi cô bé làm bài tập, bố sẽ ngồi đọc sách. Trong thời gian cô ôn thi căng thẳng, bố cũng không dùng điện thoại giải trí mà cùng cô giải quyết những đề bài khó. Hàng ngày bố đều dành thời gian cùng cô tập thể dục, nhắc nhở về việc chăm chỉ hoạt động thể chất bên cạnh việc trau dồi kiến thức.
Giáo viên chủ nhiệm họ Trần kết luận, giáo dục là công việc vất vả nhưng nếu đi đúng hướng, bố mẹ sẽ gieo mầm thành công cho tương lai đầy triển vọng của con.
Theo Toutiao