Ở các huyện miền núi cao, biên giới của tỉnh Thanh Hóa hiện nay đang có hàng trăm, hàng nghìn giáo viên "cắm bản". Ở những điểm trường xa xôi, hẻo lánh ấy, hàng ngày các thầy, cô giáo vẫn phải có mặt để truyền thụ kiến thức cho học trò.
Thế nhưng, đối với họ, mỗi lần đến điểm trường là những lần phải đối mặt với nhiều mối hiểm nguy đang rình rập bởi đò giang cách trở, vượt đồi, bằng suối...
Giáo viên vượt sông Mã đến điểm trường bản Vui, xã Phú Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa). Ảnh: Xuân Viên
Những giáo viên "cắm bản" ở điểm trường bản Vui - Trường Tiểu học Thanh Xuân, xã Phú Xuân, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa), mỗi ngày các thầy, cô giáo phải xuống đò vượt dòng sông Mã, để đến điểm trường.
Thầy Đặng Xuân Viên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, cho biết: Điểm trường bản Vui, có 3 thầy giáo là người địa phương nhưng nhà ở bên tả ngạn sông Mã. Hàng ngày các thầy giáo đều phải xuống đò qua sông Mã. Nếu ngày mưa, thì các thầy ở lại trường.
Người dân giúp giáo viên đưa xe máy qua suối để vào điểm trường bản Cha Khót, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) vào thời điểm mưa lũ năm 2019. Ảnh: Thế Lượng
"Ở điểm trường bản Vui có 40 học sinh. Hằng ngày, 3 thầy giáo phải xuống đò vượt sông Mã để đến trường. Nhiều hôm nước dâng cao, đò tròng trành rất nguy hiểm. Dù biết là nguy hiểm luôn rình rập tính mạng giáo viên mỗi lần qua sông, nhưng không còn cách nào khác, vì các thầy giáo không thể bỏ mặc học sinh được", thầy Viên nói.
Thầy giáo Lang Văn Long và người dân khiêng xe máy để đến điểm trường ở thời điểm bị mưa lũ năm 2018. Ảnh: NVCC
Là người "cắm bản" nhiều năm ở điểm trường bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), thầy Lang Văn Long, giáo viên Trường Tiểu học Tam Chung (Mường Lát), cho biết, cung đường từ thị trấn Mường Lát vào điểm trường này hơn 21 km. Ngày trước, khi chưa có đường bê tông, các giáo viên Tiểu học và Mầm non phải đánh cược tính mạng của mình với cung đường này mỗi khi đến điểm trường.
Trên đường đến điểm trường, xe bị hỏng nên thầy Lang Văn Long tự tay mình sửa chữa. Ảnh: NVCC
"Tôi dạy ở điểm trường bản Ón từ năm 2012 đến 2018, khi được biên chế, thì mới rút ra điểm trường chính. Những năm trước, khi chưa có đường bê tông, mỗi lần chúng tôi vào điểm trường phải mất 3-4 giờ đồng hồ bò trườn trên cung đường rừng trơn trượt, dốc cao dựng đứng.
Hiện nay, Nhà nước đã đầu tư dự án đường giao thông từ trung tâm xã Tam Chung vào bản Ón. Tuy nhiên, thời điểm này đang còn khoảng 6-7km đường đất, và vẫn còn rất trơn trượt, dốc cao và khó khăn cho việc di chuyển bằng xe máy.
Các cô giáo Trường Mầm non Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) trên đường vào điểm trường bản Ón. Ảnh: Thu Huyền
Đối với giáo viên nam thì còn đỡ, nhưng những cô giáo mầm non mỗi lần vào điểm trường, quả là khó khăn, vất vả. Nhiều cô giáo đi xe máy yếu tay, bị ngã nháo nhào. Khi vào đến trường, người như mới lội ở dưới bùn lên. Thương lắm!", thầy Long kể.
Cô Hàn Thị Giang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Chung cho biết, điểm trường bản Ón có 59 trẻ, nên nhà trường phải bố trí 3 cô giáo chính và 2 cô hợp đồng để phụ thêm việc nấu ăn bán trú cho các bé.
Đường quá trơn trượt, một nữ giáo viên đang không cầm nổi tay lái. Ảnh: Thu Huyền
"Mặc dù không phải qua sông qua đò như những nơi khác, nhưng trước kia mỗi lần giáo viên vào điểm trường bản Ón, là một lần đối mặt với hiểm nguy. Còn bây giờ, mặc dù đã có dự án đường giao thông cứng hóa, nhưng vẫn còn nhiều đoạn chưa hoàn thiện, nên mỗi khi trời mưa, thì các cô giáo không thể về trong ngày được.
Vào những ngày trời nắng ráo, các giáo viên từ ngoài trung tâm thị trấn đi xe máy vào điểm trường, với khoảng cách hơn 20km. Đến cuối ngày, các cô lại tự chạy xe máy trở về với gia đình, vì đa số các cô đang còn nuôi con nhỏ", cô Giang chia sẻ.
Hai nữ GV mầm non vào điểm trường bản Ón bị đổ xe. Ảnh: Thu Huyền
Có thể nói, giáo viên "cắm bản" ở các huyện vùng cao, biên giới như: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát... của tỉnh Thanh Hóa vẫn đang hằng ngày phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập.
Có những điểm trường dù đã đi xe máy đến nơi, nhưng cung đường rừng, đèo dốc, khúc khuỷu, trơn trượt, lầy lội mỗi khi trời mưa... là những mỗi nguy hiểm đến tính mạng của các thầy, cô giáo.
Dù vậy, lòng yêu nghề, tình thương dành cho học trò đã tiếp sức cho các thầy cô. Có những tình huống biết là vô cùng khó khăn, nhưng nếu các thầy, cô giáo "chùn bước" thì những đứa trẻ ở vùng sâu, xa, hẻo lánh, khó khăn... sẽ thất học.