Giáng sinh thời Trung cổ đầy kỳ quái, kéo dài tận 12 ngày

Hoa Vũ/VTC, Theo vtcnews.vn 11:31 18/12/2024
Chia sẻ

Giáng sinh thời Trung cổ kéo dài 12 ngày với những bữa tiệc và lễ hội tưng bừng, cùng những hoạt động vui chơi kỳ quái.

Rất lâu trước khi có ông già Noel, những bài hát mừng Giáng Sinh hay cây thông được trang trí bằng ánh đèn lấp lành, người dân châu Âu thời Trung cổ đón mùa Giáng sinh 12 ngày liên tiếp với những bữa tiệc và lễ hội tưng bừng.

Những bữa tiệc 12 ngày đêm

Theo nhà sử học Anne Lawrence-Mathers tại Đại học Reading, Vương quốc Anh, thời Trung cổ, Giáng sinh chính thức bắt đầu từ khoảnh khắc trước bình minh ngày 25/12 với một lễ thánh đặc biệt, đánh dấu sự kết thúc của 4 tuần Mùa Vọng và khởi đầu cho mùa tiệc tùng kéo dài đến ngày 5/1 năm sau.

Giáng sinh thời Trung cổ đầy kỳ quái, kéo dài tận 12 ngày- Ảnh 1.

Người dân châu Âu thời Trung cổ ăn mừng Giáng sinh bằng 12 ngày với những bữa tiệc tưng bừng. (Ảnh: History)

Mức độ xa hoa của lễ Giáng sinh phụ thuộc vào địa vị xã hội của mỗi người, nhưng hầu hết mọi người sẽ mổ ít nhất một con lợn vào tháng 11, ướp muối và hun khói để chuẩn bị cho món thịt xông khói và giăm bông vào dịp Giáng sinh.

Tại vùng nông thôn, các địa chủ giàu có được kỳ vọng sẽ cho những người nông dân làm thuê nghỉ ít nhất 12 ngày và tổ chức cho họ một bữa tiệc mừng.

Có rất ít thông tin về thực đơn các bữa tiệc, nhưng trong tác phẩm văn học "The Goodman of Paris" được viết vào năm 1393, tác giả mô tả các món ăn cần có.

Theo đó, bữa tiệc bắt đầu với một món bánh nướng, xúc xích và pudding đen; sau đó là bốn món cá, thịt gia cầm và thịt nướng; và một món cuối cùng gồm bánh trứng sữa, bánh tart, các loại hạt và đồ ngọt.

Giới hoàng gia thời Trung cổ nâng nghệ thuật thưởng thức tiệc Giáng sinh lên một tầm cao mới. Trong bữa tối Giáng sinh được tổ chức tại Tu viện Reading năm 1226, Vua Henry III chuẩn bị 40 con cá hồi, lượng lớn thịt nai và lợn rừng, cũng nhiều cá mút nhất có thể.

Vua Henry V, người trị vì vào đầu những năm 1400, đưa thêm nhiều món ngon kỳ lạ hơn vào thực đơn Giáng sinh của mình như tôm càng, lươn và cá heo.

Nhà sử học Lawrence-Mathers cho biết: “Một điều rất rõ ràng là việc uống rượu cũng quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng hơn cả ăn uống”.

Bia và rượu táo là thức uống ưa thích của tầng lớp nông dân, trong khi các địa chủ và hoàng gia lại uống cạn hàng thùng rượu vang. Chỉ trong một năm, vua Henry III đã đặt mua 60 thùng rượu vang cho Tu viện Reading, mỗi thùng tương đương với 1.272 chai.

Hoạt động tiêu khiển

Có lẽ là do uống quá nhiều rượu, những trò chơi hóa trang và đổi vai vế dần hình thành và trở nên phổ biến trong lễ Giáng sinh thời trung cổ.

Ví dụ, mumming là trò tiêu khiển Giáng sinh phổ biến ở các ngôi làng Anh thời trung cổ. Những người tham gia gọi là mummer, sẽ đeo mặt nạ hóa trang thành động vật hoặc cải trang thành phụ nữ, sau đó đi từng nhà hát những bài hát dân gian hoặc pha trò cười. Một số mummer làm điều đó để giải trí, trong khi những người khác mong đợi nhận được vài đồng xu hoặc những món quà nhỏ.

Những chiếc mặt nạ động vật có thể liên quan đến một truyền thống Giáng sinh kỳ lạ khác của giới hoàng gia, trong đó những người tham dự sẽ đội đầu động vật nguyên vẹn được nấu chín và hát những bài hát đặc biệt. Phổ biến nhất là đầu lợn rừng và trong các thời kỳ sau được thay thế bằng mặt nạ lợn bằng gỗ.

Giáng sinh thời Trung cổ đầy kỳ quái, kéo dài tận 12 ngày- Ảnh 2.

Bức họa Lễ của những kẻ ngốc (La Fête des Fous) của Victor Hugo. (Ảnh: History)

Giữa bữa tiệc kéo dài 12 ngày là Lễ hội của những kẻ ngốc, diễn ra vào ngày 1/1. Vào dịp này, các linh mục, phó tế và những chức sắc khác trong nhà thờ được phép thoải mái làm những điều ngớ ngẩn trong thời gian ngắn. Hoạt động hoán đổi vai trò rất phổ biến, khi những phó tế cấp thấp được giao nhiệm vụ giảng đạo và đôi khi mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát.

Một tài liệu của Pháp thế kỷ 15 lên án hoạt động này: “Người ta có thể thấy các linh mục và giáo sĩ đeo mặt nạ với những khuôn mặt kỳ quái trong các giờ hành lễ... Họ nhảy múa trong ca đoàn, mặc trang phục phụ nữ, ma cô hoặc người hát rong. Họ hát những bài hát dung tục. Họ ăn tiết canh ngay cả khi chủ tế đang cử hành thánh lễ. Họ chơi xúc xắc... Họ chạy nhảy và lao qua nhà thờ mà không hề đỏ mặt vì hành động xấu hổ của mình”.

Chúa tể của sự hỗn loạn

Được tổ chức vào đêm 5/1, Đêm thứ Mười hai là ngày lễ đặc biệt trong thời Trung Cổ, đánh dấu cao điểm của 12 ngày ăn mừng, tiệc tùng.

Điểm nhấn của Đêm thứ Mười hai là bánh đậu, một loại bánh trái cây béo ngậy, bên trong có một hạt đậu khô nhỏ.

Giáng sinh thời Trung cổ đầy kỳ quái, kéo dài tận 12 ngày- Ảnh 3.

Người ăn được miếng bánh có giấu đậu được tôn làm "vua" trong Đêm thứ Mười hai, vào dịp Giáng sinh thời Trung cổ. (Ảnh: History)

Nhà sử học Lawrence-Mathers cho biết: "Bất kỳ ai ăn được miếng bánh có giấu đậu bên trong đều là 'vua' trong đêm đó và có quyền đưa ra những hình phạt vui nhộn mà mọi người phải tuân theo".

Một thuật ngữ khác dành cho "vị vua" này là "Chúa tể của sự hỗn loạn" (Lord of Misrule), người có thể bỏ qua trật tự xã hội và đưa ra những nhiệm vụ ngớ ngẩn tới các bậc bề trên như cha mẹ, thầy giáo, hay các địa chủ.

Dự đoán tương lai

12 ngày lễ Giáng sinh cũng mang ý nghĩa đặc biệt đối với lĩnh vực tiên đoán thời Trung cổ, theo nhà sử học Lawrence-Mathers.

Các linh mục cẩn thận nghiên cứu các văn bản gọi là “prognostics” (dự báo), trong đó giải thích cách thực hành dựa trên Kinh Thánh để diễn giải các dấu hiệu từ thiên nhiên - bao gồm bão, gió mạnh và cầu vồng - nhằm dự báo thời tiết trong năm tới cũng như tiên đoán các sự kiện quan trọng.

“Theo quan niệm, Chúa đã gửi những dấu hiệu cho những ai đọc hiểu được chúng và 12 ngày lẽ Giáng sinh là khoảng thời gian đặc biệt” , Lawrence-Mathers nói.

Ví dụ, nếu vào ngày Giáng sinh trời nắng ráo và quang đãng, đó là dấu hiệu mùa xuân sẽ ấm áp và dễ chịu, mang lại vụ mùa bội thu. Trong khi đó, gió mạnh vào ngày Giáng Sinh lại báo hiệu một năm không yên ổn cho giới giàu có và quyền lực.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày