Giảm môn thi để giảm áp lực

Thu Hương, Theo Đại đoàn kết 10:51 22/11/2023
Chia sẻ

Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT ít môn nhằm giảm áp lực cho xã hội.

Giảm môn thi để giảm áp lực - Ảnh 1.

Học sinh lớp 11 năm nay sẽ là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT đổi mới Ảnh: Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội).

Phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ do Chính phủ phê duyệt, dự kiến công bố trong năm nay vẫn đang nhận được sự quan tâm lớn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội) nhìn nhận kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần thay đổi theo hướng tập trung đánh giá quá trình dạy và học của thầy và trò sau 12 năm học, cấp bằng công nhận tốt nghiệp cho học sinh theo chuẩn chương trình. Dù nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả để tuyển sinh song xét về mục đích và bản chất, đây không còn là kỳ thi "2 trong 1"vốn gây ra nhiều khó khăn cho cả người ra đề và thí sinh, luôn có nhiều sự cố do đề thi không đảm bảo tính phân loại thí sinh.

"Tôi ủng hộ phương án không cần thiết phải thi nhiều môn và cách thi cũng đơn giản hóa, tiến tới thi trắc nghiệm trên máy tính, giảm áp lực cho người tổ chức thi và thí sinh, giảm tốn kém không cần thiết cho xã hội" - ông Khang nêu quan điểm và cho biết ông chọn phương án 3+2, tức toán, ngữ văn, ngoại ngữ là 3 môn thi bắt buộc còn lại thi thêm 2 môn tự chọn trong chương trình học.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng bản chất của giáo dục phổ thông là trang bị kiến thức, kỹ năng nền tảng. Kỳ thi một mặt xét tốt nghiệp THPT, mặt khác đánh giá chất lượng dạy và học, cung cấp dữ liệu cho giáo dục đại học, nghề nghiệp. Theo bà Lan, phương án 2+2 giúp giảm áp lực, tốn kém cho xã hội, đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng ở tất cả môn học.

GS Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên môn Toán của chương trình GDPT 2018 ủng hộ phương án thi ít môn. Theo ông Thái, hầu hết kỳ thi hoặc xét tốt nghiệp THPT trên thế giới đều theo hướng gọn nhẹ.

Trước đó, khảo sát do Bộ GDĐT thực hiện với gần 130.700 cán bộ, giáo viên về phương án thi 3 môn bắt buộc và 4 môn bắt buộc, gần 74% chọn phương án 3 môn. Bộ khảo sát thêm 18.000 cán bộ, giáo viên ở TPHCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả 3 phương án (4, 3 và 2 môn bắt buộc), 60% chọn phương án 2 môn.

Dựa trên kết quả này cùng các ý kiến góp ý và những nguyên tắc cốt lõi trong xây dựng phương án thi, Bộ GDĐT kiến nghị kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn (phương án 2+2).

Tuy nhiên, với một số học sinh, việc thi tốt nghiệp bao nhiêu môn không quan trọng bằng việc xét tuyển vào đại học sẽ áp dụng phương án nào, các tổ hợp xét tuyển từ năm 2025 có thay đổi hay không. Bởi nếu chỉ để tốt nghiệp THPT, với phần lớn học sinh không quá khó khăn. Vấn đề là kết quả môn thi đó được sử dụng để xét tuyển vào vào một ngành của cùng một trường, tạo nên sự cạnh tranh giữa các thí sinh có cùng nguyện vọng.

Nguyễn Thùy Dương (học sinh lớp 11 chuyên Hóa, trường THPT chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam) cho biết, em không quá áp lực đối với việc kỳ thi tốt nghiệp THPT có bao nhiêu môn thi.

Điều Dương quan tâm là ngôi trường em dự định xét tuyển vào đại học bao giờ công bố phương án xét tuyển để ngay từ bây giờ em có sự chuẩn bị, tập trung hơn.

Theo Nguyễn Thùy Dương, nhìn từ những mùa tuyển sinh đại học gần đây, một số trường em quan tâm đang giảm tỷ lệ xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó là các phương án xét tuyển kết hợp, xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế.

"Bên cạnh việc học trên lớp, em dành nhiều thời gian trau dồi thêm ngoại ngữ, tham gia các hoạt động ngoại khóa để có thêm ưu thế trong xét tuyển sau này" - Thùy Dương nói.

“Tôi ủng hộ phương án không cần thiết phải thi nhiều môn và cách thi cũng đơn giản hóa, tiến tới thi trắc nghiệm trên máy tính, giảm áp lực cho người tổ chức thi và thí sinh, giảm tốn kém không cần thiết cho xã hội”.

Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie Nguyễn Xuân Khang.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày