Trước đó, vào năm 2011, những người thợ mỏ ở Fort McMurray, Alberta (Canada) phát hiện thấy hóa thạch khủng long bọc giáp Borealopelta markmitchelli lần đầu tiên.
Con khủng long ăn cỏ dài 5,5 mét, nặng hơn 1.300 kg này được cho là đã chìm xuống đáy một đại dương cổ đại sau khi chết, cách đây khoảng 110 triệu năm.
Các nhà khoa học nhận định rằng có thể là do chết dưới đáy đại dương nên hóa thạch của nó mới nguyên vẹn và hoàn hảo đến từng chi tiết như vậy.
Điều này khiến các nhà khoa học rất bất ngờ. Thông thường, các nhà khoa học chỉ tìm thấy xương và răng của khủng long được bảo tồn, nhưng quái vật "xe tăng 4 chân" này lại giữ nguyên vẹn được bộ da bọc giáp hoàn chỉnh từ đầu tới đuôi sau 110 triệu năm.
Hóa thạch của con Borealopelta hoàn hảo ở cả 3 chiều. Ảnh: Royal Tyrrell Museum
Đáng chú ý là hóa thạch 3D nguyên vẹn đến mức trông hệt như con khủng long bị hóa đá ngay lập tức. Do đó, các nhà nghiên cứu đặt biệt danh cho nó là "rồng ngủ" hay "xe tăng 4 chân".
Hóa thạch hoàn hảo của khủng long bọc giáp. Ảnh: Nationalgeographic
Mới đây, một nghiên cứu mới cho thấy rằng những chiếc gai nhọn khổng lồ, dọc theo cổ và vai của khủng long bọc giáp có thể được loài vật này sử dụng để thu hút bạn tình và chống lại những kẻ thù.
Theo đó, hiệu quả càng được gia tăng nhờ lớp mô mềm bọc ngoài những chiếc gai cứng như xương. Điều này có thể quan sát thấy trong hóa thạch được bảo quản nguyên vẹn đến kinh ngạc, dù trải qua thời gian 110 triệu năm.
Các nhà khoa học phục dựng lại hình ảnh của khủng long bọc giáp qua mẫu hóa thạch. ảnh: Nationalgeographic
Kể từ khi được công bố vào tháng 5/2017, các nhà khoa học rất nỗ lực nghiên cứu mẫu vật của con khủng long ăn cỏ này để tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống của nó.
Cụ thể, nhóm các nhà nghiên cứu không quá bất ngờ khi phát hiện ra những phần nhô ra trên bộ giáp của con khủng long đóng vai trò quan trọng trong việc tán tỉnh bạn tình và thể hiện sức mạnh trong chiến đấu.
Điều này cũng tương tự như ở loài voi khi chúng thường sử dụng cặp ngà như vũ khí tự vệ và cũng để kiếm tìm "người thương".
Tiến sĩ Caleb Brown, một nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Royal Tyrrell (Canada), cho biết:
"Đối với hầu hết những cấu trúc phức tạp ở sinh vật sống như lông đuôi ở chim, màu sắc ở thằn lằn, sừng ở động vật có vú, thì động lực tiến hóa chung là chọn lọc giới tính. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là loại trừ chức năng phòng vệ hoặc nhận dạng loài".
Do đó, nghiên cứu mới về Borealopelta là một trong những số ít công trình tập trung vào phần mô mềm của khủng long bọc giáp bởi vì hiếm khi chúng còn nguyên vẹn sau hàng triệu năm.
Các nhà khoa học đã tiến hành đo những chiếc gai trên cơ thể của hóa thạch khủng long bọc giáp. Ảnh: Royal Tyrell Museum
Tiến sĩ Brown và các cộng sự của mình đã nghiên cứu sự thay đổi của những tấm giáp trên cơ thể của con khủng long "xe tăng 4 chân".
Kết quả là sau khi đo lường 172 tấm giáp "đồ sộ" của hóa thạch, ông nhận thấy những chiếc gai nhọn ở phần trước cơ thể của con Borealopelta này nhô cao và dài hơn hẳn so với phần còn lại.
"Nàng Monalisa" của thế giới khủng long
Trên thực tế, khi tìm hiểu đời sống và khả năng giao phối của động vật, các nhà nghiên cứu thường có xu hướng xem xét những cấu trúc phát triển nhanh chóng tới kích thước cực đại khi con vật trưởng thành, chẳng hạn như sừng ở loài bò.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu Borealopelta, họ vẫn cần đến mẫu vật từ xương khủng long. Điều thú vị là bộ xương của con khủng long này vẫn còn nằm nguyện vẹn dưới lớp giáp và bộ da hóa thạch hoàn hảo.
Bạn không cần phải sử dụng quá nhiều trí tưởng tượng để tái tạo con khủng long này, bởi vì trông nó sống động như đang ngủ và sống trong Kỷ Phấn Trắng.
Tuy to lớn, nhưng khủng long bọc giáp vẫn trở thành mục tiêu săn đuổi của khủng long ăn thịt. Ảnh: Royal Tyrell Museum
Tính đến hiện tại, hóa thạch Borealopelta ở Canada được công nhận là mẫu vật duy nhất của loài khủng long này được tìm thấy. Ngoài ra, với vẻ đẹp hoàn hảo, nguyên vẹn nhất, nó còn được các nhà khoa học ví như "nàng Monalisa" của thế giới khủng long.
Khủng long Borealopelta markmitchelli thuộc họ nodosaur, là loài khủng long ăn cỏ sống ở kỷ Phấn Trắng. Dù có kích cỡ khổng lồ như một chiếc xe tăng, nhưng nodosaur lại là mục tiêu săn đuổi của nhiều loài động vật ăn thịt.
Xem video về hóa thạch nguyên vẹn của khủng long bọc giáp 110 triệu năm tuổi:
Hóa thạch khủng long bọc giáp còn nguyên vẹn sau 110 triệu năm. Nguồn: Nationalgeographic
Nguồn: Nationalgeographic, Dailymail