Ice Bucket Challenge, Manaquin Challenge, hay Be like Bill... là những trào lưu do cư dân mạng nghĩ ra và đã tạo được sức lan tỏa đến tầm vóc toàn thế giới. Và gần đây nhất là Finger lift Challenge.
Trào lưu này bắt nguồn từ kênh Youtube của Logan Paul - anh chàng Vlogger khá nổi tiếng đến từ Hollywood. Để tóm tắt, bạn hãy tìm cho mình một người bạn nặng ký nhất theo đúng nghĩa đen, sau đó cùng với 4 - 5 người khác, tìm cách nâng nhân vật này lên bằng 2 ngón tay trỏ và giữa.
Lưu ý: Bạn có thể nâng bằng cả hai tay, nhưng chỉ được phép dùng 2 ngón thôi.
Nghe thì dễ thế thôi, nhưng kỳ thực hầu hết trường hợp đều "fail" ngay trong những lần thử đầu tiên. Nhưng tiếp theo, lần lượt từng người đặt tay lên khoảng không trên đầu "nạn nhân", rồi cũng lần lượt rút tay ra rồi thử nâng lại. Và thật kỳ diệu, nhân vật nặng ký bỗng chốc nhẹ bỗng, nhấc bay tí thì ngã luôn.
Để hiểu rõ hơn về trào lưu này, hãy xem qua video dưới đây.
Và vấn đề của chúng ta đây: ma thuật gì đã xảy ra? Bằng cách nào mà chỉ sau vài động tác kỳ quái, người mà trước đó cả nhóm dùng hết sức bình sinh cũng không nhấc được bỗng nhẹ tựa lông hồng?
Đi tìm lời giải
Thực chất, thử thách này có nguồn gốc từ một trò chơi dành cho trẻ em phương Tây trong những bữa tiệc, mang tên "Light as a feather, stiff as a board" (Tạm dịch: Nhẹ như lông hồng, đơ như tấm ván).
Trò chơi như sau: một người sẽ nằm xuống, giả làm người chết. 5 người khác quỳ, đặt 2 ngón trỏ và giữa mỗi tay xuống dưới và bắt đầu thử nâng người này lên. Và tất nhiên, lần thử đầu tiên cũng vô hiệu.
Lúc này, người quản trò bắt đầu kể một câu chuyện với nhiều tình tiết... kinh dị, lôi cuốn. Thật kỳ lạ, khi kết thúc câu chuyện, tất cả lại nâng được "người chết" lên.
Bạn nhận thấy trò chơi và thử thách "Finger lift Challenge" của chúng ta có điểm gì chung không? Đó là lúc đầu thử thì không được, nhưng sau khi nghe kể chuyện hoặc thực hiện một số động tác... kỳ cục, thì lại nâng dễ dàng.
Lời giải cho câu chuyện này thực ra rất đơn giản. Lúc bắt đầu khi thực hiện thử thách, dù muốn hay không, bạn vẫn sẽ bị xao nhãng. Não bộ vẫn ra lệnh, cơ thể bạn vẫn làm theo, nhưng không thực sự tập trung để làm điều đó. Hơn nữa, bạn còn chẳng tin vào bản thân mình khi chỉ dùng có 2 ngón tay nữa cơ.
Mấu chốt nằm ở chuỗi động tác tiếp theo. Đó là những động tác không khó, nhưng đòi hỏi sự tập trung để làm đúng thứ tự - lần lượt đặt tay, lần lượt rút tay. Sức tập trung sẽ còn đẩy cao hơn nữa khi bạn không được phép chạm tay vào nhau, cũng như chạm tay vào đầu của "nạn nhân".
Khi thử lại lần thứ 2, sức tập trung của bạn cao hơn hẳn. Bạn và đồng đội sẽ nghe hiệu lệnh một cách chính xác hơn, rồi xuất lực cùng một lúc. Kết quả thì đây.
Nếu muốn thuyết phục hơn, ta hãy xét đến số liệu. Trong clip, anh chàng nạn nhân "số hưởng" cân nặng khoảng 80kg. Chia ra, mỗi người chỉ phải chịu khoảng 20kg - con số không quá nặng khi bạn dùng 2 tay. Hơn nữa, tuy chỉ dùng 2 ngón tay, đó lại là 2 ngón mạnh nhất, nên hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì về việc phát lực.
Bạn nghĩ sao về lời giải thích này? Hãy để lại bình luận nếu tìm ra lời giải hay và hợp lý hơn nhé.