Những hình xăm bí ẩn
Bạch Hải Đường được phong tặng là một tướng cướp của mọi tướng cướp, được mệnh danh là “vua” hình xăm một thời. “Ông” tướng cướp này được người đời thêu dệt là một kẻ có khí chất quân tử, chỉ cướp của người giàu chia cho người nghèo và tuyệt đối không bao giờ giết người.
Cuộc đời, tình trường, nhân khí của tướng cướp Bạch Hải Đường gắn liền với những hình xăm bí ẩn. Trong đó 2 hình xăm được coi là “quan trọng nhất” đó là hình xăm tượng Phật và hình xăm cô gái dưới bụng tướng cướp này.
Theo tài liệu ghi lại, Bạch Hải Đường (1950 – 1983), tên thật là Nguyễn Ngọc Truyện, quê gốc tại tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang), dân gian thường gọi với cái tên thân mật: “Truyện xăm mình”.
Bạch Hải Đường trong trại giam - Ảnh: Lao động
Tin tức báo chí thời ấy ghi lại, tướng cướp họ Bạch sinh ra và lớn lên ở một xóm nghèo nơi gần chợ Long Xuyên, lúc mới sinh ra, Bạch Hải Đường có nước da trắng trẻo, mặt đẹp như con gái. Thế nên cái tên Ngọc Truyện cũng xuất phát từ lý do này.
Lúc đi học, Truyện chỉ mải chơi, bố mẹ có nói thì gân cổ cãi lại rằng không cần học cũng có thể kiếm ra tiền bạc.
15 tuổi cũng là lúc Truyện bỏ ngang chuyện học hành, rủ rê bạn bè tụ tập theo kiểu “giang hồ nhí”. Để chứng minh cho tinh thần “tự lập”, Truyện vác bao tải đi nhặt rác, lượm ve chai, tụ tập bạn bè hư hỏng cùng trang lứa, ngủ bờ ngủ bụi. Cuộc sống bôn tẩu giang hồ của Truyện cũng bắt đầu từ đó…
Cuộc sống giang hồ, những pha cướp giật chớp nhoáng, những lần đào tẩu kinh hoàng tại các trại giam khiến tên tuổi Truyện nổi như cồn. Biệt danh tướng cướp họ Bạch cũng nổi danh từ đây.
Tin tức báo chí ghi lại, ở trên ngực của Bạch Hải Đường có xăm hình Phật Thích Ca, điều này chứng tỏ gã rất mộ đạo Phật.
Phía trên hình xăm Phật Thích Ca là dòng chữ: “Phụ mẫu tri ân”. Ý của Bạch Hải Đường là làm con phải có hiếu với cha mẹ.
Để tỏ ra là đứa con có hiếu với mẹ, Bạch Hải Đường đã đóng lên bắp chân của hắn dòng chữ: “Xa quê hương nhớ mẹ hiền”. Bên cạnh đó, để thể hiện khát vọng một đàn anh có “số má” giang hồ, khiến đàn em nể trọng, hắn xăm sau lưng hình con đại bàng xòe cánh đạp trên quả địa cầu bay trên mặt biển xanh có dòng chữ: “Vượt trùng dương ra hải đảo”. Trong quá trình phạm pháp, có lúc phải chạy trốn, Bạch Hải Đường mới cảm thấy thấm thía ai là bạn bè chí cốt, ai là kẻ vong ân nên xăm câu: “Còn bạc còn tiền còn đệ tử, hết cơm hết gạo hết ông tôi”. Có lẽ để nhấn mạnh cho ý nghĩa này mà trong giới giang hồ là rõ nhất nên hai bên hông của Bạch Hải Đường “chơi” đôi “câu đối” theo kiểu Tần Thúc Bảo trách La Thành trong việc giết Đơn Hùng Tín. Một bên là: “Tiền đồng tịch anh hùng công lạc”; một bên là: “ Hậu lâm nguy bất kiến đệ huynh”.
Rồi để thể hiện tậm trạng cô đơn, muốn kết giao bằng hữu trên giang hồ, Bạch Hải Đường “đóng” vào người câu: “Kiếp giang hồ tìm bạn bốn phương” bên cánh tay trái. Và trong những lúc nằm trong trại giam, nếm đủ mùi gian khổ, chiêm nghiệm đủ mùi thế thái nhân tình, Bạch Hải Đường đóng ngay một câu trên cánh tay phải như than thở, oán trách: “Tạo hóa ơi bao giờ con hết khổ”?.
Và có lẽ lụy tình quá nhiều và bị phụ nữ phản bội cũng lắm nên oán hận đàn bà hắn dành một chỗ rất đặc biệt là ở bụng dưới “ịn” ngay một hình cô gái bên cạnh có câu: “Thương người chung thủy, hận kẻ bạc tình”.
Cuộc đào tẩu kinh hoàng tại các trại giam
Đầu thập niên 1970, cái tên Bạch Hải Đường trở nên nổi bật nhất trong giới tội phạm miền Nam, lấn át hết những tên du đãng có “số má” ở Sài Gòn. Đặc biệt, có nhiều giai thoại về chuyện cảnh sát Sài Gòn bắt giam Bạch Hải Đường như là “bắt cóc bỏ đĩa”, vì y có biệt tài vượt ngục rất thần kỳ.
Khi câu chuyện về Bạch Hải Đường đang hồi gay cấn thì miền Nam được giải phóng, lúc đó Bạch Hải Đường vừa bị bắt vào trại giam. Một ngày sau, lợi dụng tình hình “tranh tối tranh sáng”, Bạch Hải Đường trốn trại, để lại dòng chữ trên tường: “Bạch Hải Đường sinh ra không phải để ở tù”.
Nhưng chỉ ít lâu sau, Bạch Hải Đường lại bị bắt vì tội trộm cướp. Tháng 8/1975, Bạch Hải Đường lại trốn trại, để lại một lá thư: “...Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi mới trốn và tôi hứa là về sẽ tăng gia sản xuất để sống. Tôi không phạm tội nữa”. Nhưng Bạch Hải Đường không giữ đúng lời hứa, cướp 100 cây vàng ở vùng biên giới Châu Đốc và bị bắt sau khi 3 viên đạn bắn vào bắp chân. Tháng 5/1980, Bạch Hải Đường tự tháo còng, đục thủng tường trại giam và để lại dòng chữ: “Nơi đây không phải chốn dừng bước giang hồ của Bạch Hải Đường”.
Một lần nữa, tên giang hồ khét tiếng lại đào thoát khỏi vòng vây pháp luật và một cuộc truy bắt nữa bắt đầu. Rồi Bạch Hải Đường cũng bị bắt sau khi trúng đạn. Do nhiều lần bị thương, không chịu chữa trị, xem thường tính mạng, nên bệnh tật của Bạch Hải Đường ngày càng nặng. Dù đã được cán bộ quản giáo tận tình chữa trị, lo thuốc men, nhưng Bạch Hải Đường không thoát khỏi số phận ở tuổi 33. Bạch Hải Đường bình thản nhắm mắt sau khi kể lại toàn bộ tội lỗi của mình trong 13 năm làm “tướng cướp” và chân thành cảm ơn các cán bộ quản giáo.