Trong khuôn khổ vòng loại thứ hai World Cup 2022 diễn ra đêm qua, tuyển Việt Nam sau chiến thắng 3-1 trước Indonesia đã vươn lên nhóm đội nhì bảng có thành tích tốt nhất để đi tiếp vào vòng loại thứ ba và đoạt vé dự vòng chung kết Asian Cup 2023.
Bên cạnh chiến thuật tài tình của HLV Park Hang Seo, cũng như tài năng và sự cố gắng không biết mệt mỏi trên sân của các cầu thủ Đội tuyển, chiến thắng của ĐTVN đã có sự giúp sức đáng kể nhờ vào việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Cụ thể, ở trận đấu lần này, các tuyển thủ đã thi đấu với hai lớp áo trên người, với lớp áo bên trong cùng được gắn các con chip định vị GPS.
Được biết, những chiếc áo đấu đặc biệt này đã được VFF đầu tư và trang bị cho các cầu thủ từ giải King's Cup 2019 vào tháng 6 năm nay. Ở khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Myanmar cũng đã tiếp cận công nghệ này và áp dụng trong tập luyện.
Đội tuyển Việt Nam sử dụng áo GPS của hãng Catapult
Áo đấu gắn chip định vị GPS có gì đặc biệt?
Áo đấu có gắn thiết bị điện tử theo dõi từ lâu không còn xa lạ với các cầu thủ quốc tế. Nó được sử dụng cả khi tập luyện cũng như khi thi đấu. Những chiếc áo đấu này được các chuyên gia thể thao gọi là các thiết bị Electronic Performance and Tracking System (EPTS – tạm dịch: Hệ thống theo dõi và hiệu suất điện tử), vố được gắn nhiều cảm biến khác nhau để theo dõi và ghi lại dữ liệu.
Theo SimpliFaster, có 4 loại cảm biến thu thập dữ liệu được sử dụng trong áo đấu GPS, bao gồm gia tốc kế, con quay hồi chuyển, từ kế và mô-đun GPS. Mỗi cảm biến có một chức năng riêng biệt, nhưng có thể hỗ trợ lẫn nhau khi hoạt động.
Phía sau áo đấu có gắn một thiết bị theo dõi, vốn được tích hợp các cảm biến hiện đại
Thông qua các cảm biến trên, hệ thống sau đó sẽ phân tích và cho ra bảng thống kê dữ liệu về hiệu suất của mỗi cầu thủ. Ban huấn luyện đội bóng sẽ nắm bắt và đưa ra chiến lược cụ thể dựa trên con số cụ thể như tốc độ chạy, quãng đường đã chạy, vị trí của cầu thủ trên sân, gia tốc, sức khỏe hay nhịp tim của cầu thủ. Ngoài ra, bản đồ nhiệt của từng cầu thủ cũng được ghi lại. Với áo GPS của đội tuyển Việt Nam, chiếc áo này có thể truyền 1.000 thông tin/giây trong thời gian thực.
"Mổ bụng' thiết bị định vị GPS trên chiếc áo công nghệ cao này
Những dữ liệu được thu thập thông qua các thiết bị EPTS sẽ hỗ trợ ban huấn luyện trong việc điều chỉnh chiến thuật khi thi đấu Chẳng hạn, dữ liệu này sẽ giúp ban huấn luyện theo dõi được vị trí cầu thủ trên sân theo thời gian thực, qua đó phân tích những đóng góp và tầm hoạt động của mỗi cầu thủ để đưa ra các quyết định chiến thuật hợp lý.
Bên cạnh đó, những dữ liệu thu về sẽ được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như phòng ngừa chấn thương. Bằng cách theo dõi tốc độ chạy nước rút và quãng đường đã chạy của cầu thủ, ban huấn luyện đội bóng có thể xác định liệu cầu thủ này có đủ thể lực để thi đấu trận đấu tiếp theo hay không.
Hầu hết các cầu thủ đều mặc áo có gắn thiết bị theo dõi GPS khi thi đấu
Nghiên cứu của iSportAnalysis vào năm 2017 đã chỉ ra, khi các vận động viên tập luyện/thi đấu với cường độ cao hơn so với trung bình của mùa giải, những vẫn động viên này có xu hướng gặp phải nhiều chấn thương hơn. Việc tăng cường cường độ tập luyện/thi đấu trong có thể dẫn đến việc tăng tỷ lệ chấn thương của các cầu thủ do không được nghỉ ngơi, hồi phục đầy đủ.
Tuy nhiên, các huấn luyện viên giờ đây đã có thể dự đoán và chủ động ngăn ngừa nguy cơ chấn thương của cầu thủ. Bằng cách theo dõi số liệu GPS thu được, vốn cho biết rất rõ ràng tình trạng sức khỏe và phong độ của mỗi cầu thủ, HLV có thể đưa ra quyết định lựa chọn cái tên phù hợp cho đội hình ra sân.
Dữ liệu thu được sẽ được gửi về ứng dụng trên điện thoại và máy tính theo thời gian thực
Hữu ích là thế, tuy nhiên, đã từng có thời điểm, chỉ có một số ít câu lạc bộ có tiềm lực tài chính hùng mạnh mới ‘dám’ sử dụng áo đấu GPS, bởi chi phí bỏ ra là quá tầm với nhiều đội bóng ‘con nhà nghèo’. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, chi phí sử dụng áo GPS giờ đây đã rẻ hơn rất nhiều, cho ph nhiều CLB chuyên nghiệp và đội tuyển quốc gia các nước sử dụng loại áo đặc biệt này trong luyện tập và thi đấu.
Hiện tại, có rất nhiều nhà cung cấp các thiết bị theo dõi GPS dành riêng cho vận động viên thể thao. Hầu hết các nhà cung cấp này đều đang là đối tác của các CLB hàng đầu trên thế giới. Chẳng hạn, nhà cung cấp GPSports hiện đang độc quyền cung cấp công nghệ cho Real Madrid, Chelsea và đội tuyển Tây Ban Nha. Đội tuyển Việt Nam hiện đang sử dụng áo GPS của hãng Catapult. Hãng thể thao này đang là đối tác của Bayern Munich FC và Paris Saint Germain.