Hình ảnh Trần Thành ăn mừng với tiếng gào thét như sắp khóc, và đôi tay luôn ôm lấy mặt theo kiểu không thể tin nổi chính là hiện thân của đất nước Việt Nam ngày 24/10/2016. Hôm đó, một khoảnh khắc lịch sử đã mở ra, Việt Nam lần đầu tiên đến với World Cup.
Kể cả trong giấc mơ hoang đường nhất, bóng đá Việt Nam cũng không mơ đến cái ngày có mặt tại World Cup trong giai đoạn bĩ cực này.
Chúng ta có một giải đấu V-League ngập bạo lực, đi cùng những lùm xùm nghiệp dư của các đội tham dự. Chúng ta có một đội tuyển quốc gia luôn làm đau trái tim của người hâm mộ. Chúng ta mải miết đi tìm chiếc huy chương vàng Sea Games suốt 3 thập kỷ, và thành tích lớn nhất cho đến bây giờ là chức vô địch "vùng trũng" Đông Nam Á đã diễn ra cách đầy gần 10 năm.
Phía thượng tầng, chúng ta có một liên đoàn xây bóng đá từ nóc. Thế mà, trong tận cùng của những tăm tối, các cậu bé U19 và HLV Hoàng Anh Tuấn lại mở ra ánh sáng hy vọng khi đưa Việt Nam đến với World Cup – giải bóng đá vô địch thế giới mà hàng trăm quốc gia tranh đấu để góp mặt.
Khi bạn đang sống trong những tháng ngày bế tắc, thì câu chuyện U19 Việt Nam đến World Cup chính là niềm cảm hứng đáng sống cho bạn. Bởi dù cho cuộc sống đẩy bạn vào tận cùng sự thất vọng, bạn hãy biết rằng đôi khi phép màu có thể đến vào lúc không ngờ nhất. Khi bi quan phủ lên nền bóng đá Việt Nam tưởng như không lối thoát, một sớm mai thức giấc ánh sáng hy vọng bỗng chiếu thẳng xuống từng đôi mắt.
Đừng quên rằng, U19 Việt Nam của Trần Thành, Trọng Đại, Tiến Dũng, Đức Chinh... cũng không phải là thế hệ được cưng chiều của truyền thông như thế hệ trước đó của Công Phượng, Tuấn Anh, càng không phải là tập thể được người hâm mộ dõi theo từng bước chân.
Đó chỉ là tập thể của những chàng trai vô danh và một người thầy Hoàng Anh Tuấn luôn mang bộ mặt khắc khổ. Nhưng đã lặng lẽ đá, miệt mài lao động, rồi cứ thế mà lầm lũi tiến đến vinh quang. Thành tích "vô tiền khoáng hậu" của U19 Việt Nam như nhắc nhở rằng, đôi khi điều đẹp nhất lại đến từ những điều trầm lặng nhất chứ không phải sự hào nhoáng nhất.
Việt Nam đi đến World Cup là sự kiện trọng đại có tính bước ngoặt chứ không đơn thuần là một thành tích lớn. Bởi vì lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá sân cỏ, đất nước ta đã góp mặt ở sân chơi World Cup bằng tấm vé trực tiếp.
Điều đáng kỳ vọng là U20 World Cup có thể mở ra cho bóng đá Việt Nam một chương mới nếu chúng ta biết nắm bắt lấy cơ hội. Trong quá khứ có rất nhiều nền bóng đá đã "thay da đổi thịt" từ U20 World Cup. Có thể kể ra đây như giải đấu U20 World Cup 1989, khi ấy còn gọi là "Giải vô địch bóng đá trẻ thế giới", vô địch là đội tuyển Bồ Đào Nha, trong đội hình của họ năm ấy có những cái tên như Joao Pinto, Paulo Sousa và Fernando Couto.
Hai năm sau, Bồ Đào Nha bảo vệ thành công chức vô địch, họ trình diện thêm cho thế giới Luis Figo và Rui Costa. Kể từ lúc ấy, những Pinto, Couto, Figo… được người dân Bồ Đào Nha vinh danh bằng cái tên là "Thế hệ vàng". Mặc dù không thể giành một chức vô địch Euro hay World Cup cho quê nhà. Nhưng thế hệ đó đã mở ra một trang sử mới cho bóng đá Bồ Đào Nha.
World Cup 2006, đội tuyển Ghana lần đầu tiên góp mặt và gây tiếng vang lớn. Thế hệ của những Michael Essien, Sulley Muntari… vốn được hình thành từ chức Á Quân của U20 World Cup năm 2001. Chi Lê giành hai chức vô địch Copa America 2015 và 2016, xương sống đội hình được tạo nên từ những cầu thủ trẻ giành hạng ba U20 World Cup 2007.
Bóng đá Nhật Bản bắt đầu thay da đổi thịt từ World Cup 2002 trên sân nhà, lứa cầu thủ tài năng được chọn ngày hôm ấy vốn được lấy từ chính các cầu thủ giành chức Á quân ở U20 World Cup 1999 trên đất Nigeria.
Việt Nam có thể từ vinh quang của U19 hôm nay mà bước ra vén đám mây mù, đưa nền bóng đá thoát khỏi sự trầm kha này không? Câu trả lời phụ thuộc vào người làm bóng đá Việt Nam, với một đường hướng phát triển đúng đắn cho lứa cầu thủ vàng ấy ở giai đoạn tiếp theo.
U19 Việt Nam đưa đến cho người hâm mộ cảm hứng về một giấc mơ được hình thành từ việc cần mẫn luyện tập. Nhưng cũng có thể gửi gắm một triết lý lớn lao hơn ở thì tương lai: sau cảm hứng, hãy là tư duy lí trí để thành công từ nền móng mang tên của phép màu.