Liên quan tới giá xăng dầu, dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore hiện không có nhiều thay đổi so với kỳ tính giá ngày 13/7.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối ở TP.HCM dự đoán, nếu không tính quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 có thể chỉ tăng 20 đồng/lít, trong khi giá xăng RON 95 giảm 10 đồng/lít.
Tuy nhiên, vị này nghiêng về phương án cơ quan quản lý sẽ tác động đến quỹ bình ổn xăng dầu. Theo đó, việc giá xăng tăng hay giảm, và tăng giảm như thế nào phụ thuộc vào mức chi sử dụng quỹ bình ổn của cơ quan quản lý.
Giá xăng có thể tăng nhẹ tại kỳ điều chỉnh ngày 28/7
Ở kỳ điều chỉnh trước (ngày 13/7), giá bán các mặt hàng xăng dầu giữ nguyên với giá xăng E5RON92 không cao hơn 14.258 đồng/lít; xăng RON95-III không cao hơn 14.973 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 12.114 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 10.038 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 10.903 đồng/kg.
Bộ Công Thương mới đây trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.
Trước đó, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng kiến nghị xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở làm căn cứ để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà chỉ là tiêu chí để doanh nghiệp tham khảo trước khi quyết định giá bán lẻ.
Thêm nữa, Hiệp hội cũng kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu để ngành xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, tăng tính minh bạch trong điều hành giá, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các doanh nghiệp đầu mối.
Tuy nhiên, tại Dự thảo này, Bộ Công Thương không đồng tình và lý giải, do xăng dầu là mặt hàng thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời cũng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Do vậy, về nguyên tắc, giá bán xăng dầu trong nước phải thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết, quản lý của nhà nước.
Về đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu, Bộ Công Thương lập luận: Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là công cụ để Nhà nước điều tiết giá bán xăng dầu trong nước. Vì vậy, nếu bỏ Quỹ thì Nhà nước sẽ không còn công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.