Hiện tại, giá vàng miếng các thương hiệu đang niêm yết cụ thể như sau.
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang niêm yết mức 70,15 triệu đồng/lượng mua vào và 70,97 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng trong nước tăng cao nhất là 250.000 đồng/lượng (Ảnh minh hoạ).
Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng, nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 150.000 đồng ở chiều mua và 250.000 đồng ở chiều bán.
Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đã được điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở cả hai chiều lên lần lượt 70,1 triệu đồng/lượng mua vào và 71 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra mức tương tự như ở khu vực Hà Nội.
Phú Quý SJC giữ nguyên mức giá vàng miếng ở chiều mua của rạng sáng qua là 70,1 triệu đồng/lượng nhưng điều chỉnh tăng 150.000 đồng ở chiều bán lên 71 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng miếng PNJ đang mua vào mức 70,1 triệu đồng/lượng và bán ra mức 71 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng ở chiều bán. Trong khi đó, Bảo Tín Minh Châu điều chỉnh tăng 180.000 đồng ở chiều mua và 170.000 đồng ở chiều bán lên lần lượt 70,2 triệu đồng/lượng và 70,97 triệu đồng/lượng.
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 6h00 hôm nay (theo giờ Việt Nam) giao ngay ở mức 2.006,020 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 58,712 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế là 11,438 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới ở mức 2.006,020 USD/ounce (Ảnh minh hoạ).
Trong bối cảnh xung đột tại khu vực Trung Đông ngày càng căng thẳng leo thang, điều này tác động trực tiếp tới giá vàng, khiến giá của kim loại quý này vượt mốc 2.000 USD/ounce để lập đỉnh 6 tháng.
Theo thống kê, kim loại quý hiếm này đã ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Đặc biệt giao dịch vàng còn tăng đột biến kể từ khi người phát ngôn của Israel tuyên bố các lực lượng không quân và bộ binh của họ chuẩn bị tăng cường tấn công tiếp vào Gaza. Kể từ khi xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ vào ngày 7/10, giá vàng đã tăng 8% (xấp xỉ 150USD).
Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa tại TD Securities nhận định nếu xung đột này vẫn tiếp tục leo thang thì nhu cầu giới đầu tư tìm đến vàng để trú ẩn an toàn sẽ tăng cao. Trong bối cảnh như vậy, ông Daniel cũng khuyên các nhà đầu tư vàng còn cần theo dõi những biến động của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, thay vì chỉ tập trung vào xung đột cuộc chiến.
Thị trường tiếp tục dồn sự tập trung và chú ý đến cuộc họp sắp tới của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ diễn ra vào 02 ngày 31/10 và 01/11 sắp tới.
Thị trường dự báo khả năng Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ giữ nguyên mức lãi suất.
Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết lập trường diều hâu của FED khiến các nhà đầu tư tránh mua các sản phẩm giao dịch trao đổi được hỗ trợ bằng vàng.
Một trong những động lực lớn nhất cho vàng vẫn là sự bất ổn địa chính trị khi cuộc chiến đang diễn ra của Israel với Hamas tiếp tục gây căng thẳng ở Trung Đông.
Sự bất ổn về địa chính trị và lo ngại về nợ công sẽ hỗ trợ nhu cầu trú ẩn an toàn trong thời gian tới. Mức đóng cửa trên 2.000 USD/ounce có thể báo hiệu sự tiến tới mốc giá mới.