Năm qua, thị trường vàng trong nước và thế giới khá sôi động khi giá biến động với biên độ lớn do tác động của yếu tố lãi suất, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu tăng cao.
Thị trường vàng trong nước kết thúc năm 2023 ở mức cao, với giá vàng thương hiệu SJC đã tăng 7 triệu đồng trong năm. Bước vào năm 2023, vàng các thương hiệu giao dịch gần mức 67 triệu đồng/lượng và duy trì quanh mức này cho đến quý III.
Thị trường “nóng” nhất là vào những tuần cuối của năm 2023 khi giá vàng trong nước bất ngờ tăng mạnh lên mức cao kỷ lục mọi thời đại 80 triệu đồng/lượng rồi đảo chiều “lao dốc” về quanh ngưỡng 74 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng các thương hiệu rạng sáng ngày đầu năm 2024 được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng trong nước hiện giao dịch ở mức 74 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh hoạ).
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng niêm yết ở mức 71 triệu đồng/lượng mua vào và 74,02 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đang mua vào mức 68 triệu đồng/lượng và bán ra mức 74 triệu đồng/lượng. Tại TP.HCM, vàng thương hiệu này đang mua vào và bán ra cao hơn 1 triệu đồng so với khu vực Hà Nội.
Vàng miếng Phú Quý SJC đang thu mua với giá 70 triệu đồng/lượng và bán ra mức 74 triệu đồng/lượng. Giá vàng miếng thương hiệu PNJ niêm yết ở mức 70 triệu đồng/lượng mua vào và 73,9 triệu đồng/lượng bán ra.
Vàng thương hiệu Bảo Tín Minh Châu đang mua vào mức 71,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 73,8 triệu đồng/lượng.
Theo Kitco, giá vàng thế giới ghi nhận lúc 5h00 hôm nay theo giờ Việt Nam giao ngay ở mức 2.062,970 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 59,611 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí).
Như vậy, giá vàng miếng của SJC và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.062,2 USD/ounce (tương đương gần 60,7 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khoảng trên 13 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 2.062,2 USD/ounce (tương đương gần 60,7 triệu đồng/lượng. (Ảnh minh hoạ).
Kim loại quý tiếp tục tăng giá mạnh do có sự hỗ trợ từ đồng USD suy yếu kéo dài và Hoa Kỳ giảm lãi suất, tình hình địa chính trị vẫn vô cùng căng thẳng và các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục mua vàng.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, căng thẳng địa chính trị và xu hướng mua vào của các ngân hàng trung ương là hai trong số nhiều động lực chính, khiến nhu cầu vàng tiếp tục tăng trong năm 2024.
Trong báo cáo triển vọng năm 2024, hội đồng dự báo nếu lãi suất giảm 75-100 điểm cơ bản (0,75-1%), giá vàng sẽ tăng 4%.
Theo đánh giá của chuyên gia Naveen Mathur của Anand Rathi, vàng vượt trội so với hầu hết các mặt hàng khác trên thị trường quốc tế trong năm 2023 và triển vọng về kim loại quý này trong năm tới có vẻ vững chắc.
Naveen Mathur dự báo vàng sẽ chinh phục mức cao mới mọi thời đại vào năm 2024 và kim loại quý này có thể chạm mốc 2.250 USD/ounce trong nửa đầu năm.
Nhìn lại biến động của vàng trong những năm qua, Tập đoàn CPM dự báo, kim loại quý này sẽ tiếp tục chinh phục các mức cao kỷ lục mới trong năm 2024 và 2025 với kỳ vọng vàng sẽ đạt mức trung bình trên 2.000 USD/ounce vào năm 2024 và có thể trên 2.100 USD/ounce vào năm 2025.
Các chuyên gia của WGC đã đưa ra 3 kịch bản, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ tác động trực tiếp đến giá vàng trong năm 2024.
Trong kịch bản đầu tiên, nếu nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm, tránh được suy thoái, sụt giảm GDP và lạm phát đều ở mức nhẹ nhàng, không có khủng hoảng quá lớn thì vàng sẽ được hỗ trợ duy trì ở mức hiện tại. FED có thể cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm 2024.
Theo các chuyên gia, mặc dù phần lớn thị trường ủng hộ FED thực hiện một cuộc hạ cánh mềm, tuy nhiên, đây không phải một việc dễ dàng.
Trong lịch sử, FED chỉ hạ cánh mềm hai lần sau chín chu kỳ thắt chặt trong năm thập kỷ qua. Bảy quốc gia còn lại kết thúc trong thời kỳ suy thoái. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi lãi suất duy trì ở mức cao trong một thời gian dài, áp lực sẽ tăng lên trên thị trường tài chính và nền kinh tế nói chung.
Kịch bản thứ 2, kinh tế Mỹ hạ cánh cứng và rơi vào suy thoái. Đây sẽ là môi trường tốt cho vàng. Nhu cầu trú ẩn an toàn vào vàng sẽ nở rộ. FED buộc phải mạnh tay giảm lãi suất để hỗ trợ kinh tế.
Trong kịch bản thứ 3, giả định kinh tế Mỹ tăng trưởng vững chắc, không có bất kỳ dấu hiệu suy thoái nào, vàng sẽ chịu áp lực giảm.
Nhiều người lầm tưởng sức mua của người dân là yếu tố tác động lớn đến giá vàng. Thế nhưng, thực tế ngân hàng trung ương các nước mới được coi là nhà đầu tư vàng lớn nhất.
Căn cứ vào báo cáo xu hướng nhu cầu vàng của Hội đồng Vàng Thế giới quý III/2023 đã công bố cho thấy, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì tốc độ mua vàng ở mức kỷ lục, đưa nhu cầu vàng toàn cầu trong quý III (không bao gồm thị trường OTC) chạm mức 1.147 tấn, vượt 8% so với trung bình trong 5 năm.