Ngày 10/6, vàng giao ngay giao dịch ở mức 2.295,29 USD /ounce. Giá vàng tương lai Mỹ chốt giá 2.312,20 USD.
Chốt phiên giao dịch tuần trước, vàng giảm mạnh đến 3,5%, lần đầu xuống dưới mức 2.300 USD/ounce. Reuters nhận định đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2020.
Bạc giao ngay tăng 0,9% lên 29,43 USD/ounce, bạch kim tăng 0,8% ở mức 971,10 USD và paladin tăng 1,1% lên 922,38 USD.
Giá vàng thế giới lao dốc mạnh nhất từ tháng 11/2020.
Vàng thế giới trải qua đợt bán tháo mạnh do dữ liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần này.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dừng mua vàng sau 18 tháng ảnh hưởng mạnh đến giá vàng thế giới.
Kelvin Wong - nhà phân tích thị trường cấp cao của OANDA khu vực châu Á Thái Bình Dương - cho biết: "Xu hướng tăng trung hạn hình thành kể từ tuần trước giờ đây có nguy cơ bị tổn hại từ góc độ chính sách của các quốc gia lớn".
Theo Kelvin Wong, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không cắt giảm lãi suất trong năm nay, thị trường chứng kiến đợt bán tháo vàng "khủng khiếp".
Báo cáo việc làm của Mỹ khiến giới đầu tư thay đổi kỳ vọng của họ về thời điểm và phần trăm Fed cắt giảm lãi suất. Cơ hội Fed cắt lãi vào tháng 9 chỉ còn khoảng 50%, trong khi trước đó giới chuyên gia nhận định lên đến 70%.
Fed dự kiến không thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong cuộc họp chính sách. Giới đầu tư đang chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell và những thay đổi lớn trong dự báo kinh tế từ nhà hoạch định chính sách.
Giới đầu tư cũng chờ đợi dữ liệu lạm phát Mỹ công bố ngày 12/6.
Đầu tuần, giá dầu tăng do nhu cầu nhiên liệu dịp hè tăng. Tuy nhiên, thị trường nhiên liệu cũng ảnh hưởng mạnh khi đồng USD tăng giá, kỳ vọng cắt giảm lãi suất giảm.
Giá dầu thô Brent tương lai tăng 28 cent, tương đương 0,4%, lên 79,90 USD/thùng. Giá dầu thô WTI kỳ hạn của Mỹ tăng 0,3%, tương đương 26 cent, ở mức 75,79 USD/thùng.
Theo Theo Reuters