Cụ thể tại Công ty SJC, giá vàng nhẫn được niêm yết ở mức 77,0-78,5 triệu đồng/lượng, tăng 600 nghìn đồng/lượng so với hôm qua. Tập đoàn DOJI áp dụng mức 77,0-78,4 triệu đồng/lượng, tăng 700 nghìn đồng/lượng so với hôm qua. Bảo Tín Minh Châu và PNJ lần lượt niêm yết 77,08-78,38 triệu đồng/lượng và 77,0-78,4 triệu đồng/lượng.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng 15,5 triệu đồng/lượng, tương đương tăng gần 25%.
Giá vàng SJC hôm nay không thay đổi so với hôm qua, vẫn ở mức 78 triệu đồng/lượng chiều mua và 80 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay vừa thiết lập mức đỉnh mới trong lịch sử. Kim loại quý màu vàng đã tăng gần 50 USD/ounce và vượt mốc 2.500 USD/ounce, phá vỡ kỷ lục trước đó 2.484 USD/ounce trong tháng 7. Trước đó, giá vàng tương lai cũng đã vượt mốc 2.500 USD/ounce hồi đầu tháng 8.
Việc chỉ số đô la Mỹ (DXY) suy yếu và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm đã giúp vàng hưởng lợi. Trong khi giá vàng giao ngay lần đầu vượt mốc 2.500 USD, giá vàng giao tháng 12 cũng đã tăng lên 2.515 USD/ounce. Đồng USD chịu áp lực giảm giá trong bối cảnh kỳ vọng ngày càng tăng về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Trong khi đó, căng thẳng địa chính trị leo thang cũng ngày càng thúc đẩy nhu cầu sở hữu vàng.
Theo Reuters, các chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ được công bố trong tuần này cho thấy lạm phát đang tạm lắng, có thể giúp FED cắt giảm lãi suất khoảng 25 điểm cơ bản vào tháng tới. Chủ tịch FED bang Chicago, ông Austan Goolsbee cho biết nền kinh tế Mỹ không có dấu hiệu quá nóng, vì vậy các quan chức ngân hàng trung ương nên cảnh giác với việc duy trì chính sách thắt chặt lâu hơn mức cần thiết.