10h20 sáng nay, giá vàng nhẫn được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 63,8 - 64,9 triệu đồng/lượng, tăng 700.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay. Mức 64,9 triệu đồng là mức cao nhất từ trước đến nay của vàng nhẫn.
Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn được SJC niêm yết ở mức 62,85 - 64,05 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.
Trong khi giá vàng nhẫn tăng vọt và lập kỷ lục về giá thì giá vàng miếng lại có xu hướng giảm.
Cụ thể, giá vàng miếng được SJC niêm yết ở mức 73,5 - 76 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 200.000 - 700.000 đồng/lượng (mua - bán) so với đầu giờ sáng nay.
Giá vàng miếng cũng được Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 73,45 - 75,95 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 200.000 - 300.000 đồng/lượng (mua - bán) so với đầu giờ sáng nay.
Giá vàng nhẫn lập kỷ lục. (Ảnh: Minh Đức).
Trên thị trường thế giới, giá vàng chững lại ở mức 2.028 USD/ounce do phần lớn nhà đầu tư đang có tâm lý chuyển sang USD khi dữ liệu kinh tế Mỹ có nhiều tiến triển tích cực. Ngoài ra, đồng USD mạnh hơn do những động thái gần đây của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nhiều khả năng Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất vào tháng 3.
Các nhà phân tích cho rằng, rào cản khiến vàng khó tăng giá trong thời gian tới là lãi suất cao, đẩy chi phí đầu tư vàng tăng lên.
Theo công cụ theo dõi chính sách của Fed, các nhà giao dịch nhận định khả năng 51,9% Fed sẽ cắt giảm 25 điểm phần trăm vào tháng 3, giảm mạnh so với mức dự báo trước đó là 70,2%.
Các nhà phân tích cảnh báo, trong thời gian tới, nhà đầu tư không nên dồn hết vốn vào vàng. Dữ liệu bán lẻ tăng mạnh trong thời gian vừa qua cho thấy sự phục hồi liên tục của nền kinh tế Mỹ.
Tuần này, thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ đồng USD dự báo sẽ nhiều biến động khi 3 ngân hàng trung ương lớn đưa ra quyết định chính sách tiền tệ.
Trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản dự báo sẽ duy trì lập trường ôn hòa, Ngân hàng Trung ương Canada dự báo sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đi đến quyết định sau khi lạm phát bất ngờ tăng trong tháng 12. Các chuyên gia cho rằng, biến động của đồng USD và vàng sẽ chịu tác động lớn nhất quyết định của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Tuần vừa qua, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), các thành viên của ECB đã phản đối việc cắt giảm lãi suất sớm. Chính sách "diều hâu" của ECB có thể gây áp lực lên đồng USD và hỗ trợ giá vàng trong thời gian tới.
Hiện các nhà đầu tư cũng đang nóng lòng chờ đợi dữ liệu lạm phát sẽ được công bố vào thứ Sáu. Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu báo cáo cho thấy chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (thước đo lạm phát ưa thích của Fed) không giảm như dự kiến thì điều đó có thể sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch nới lỏng chính sách tiền tệ của cơ quan này.