Ngày 27-11, giá vàng trong nước lập mức đỉnh mới đối với cả vàng SJC lẫn vàng trang sức các loại, trong khi giá vàng thế giới cũng nhảy vọt lên hơn 2.010 USD/ounce. Cụ thể, giá vàng SJC cuối ngày chốt ở mức 72,5 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn, vàng trang sức 24K 61,7 triệu đồng/lượng, tăng tới 300.000 - 400.000 đồng/lượng so với cuối tuần.
Những yếu tố thúc đẩy giá vàng
Giá vàng thế giới tăng mạnh trong vài tuần qua, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu ngừng chu kỳ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 và những tháng tới và có thể bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất từ giữa năm 2024. Việc FED dừng tăng lãi suất cho thấy chính sách tiền tệ của nước này đã bắt đầu chuyển sang nới lỏng hơn, chỉ số đồng USD (DXY) lao dốc mạnh giúp giá vàng hưởng lợi.
Về địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine kéo dài thời gian qua vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại và gần đây là xung đột giữa Israel với Hamas - dù đã có lệnh ngừng chiến nhưng chưa rõ ràng. Khi tình hình địa chính trị căng thẳng sẽ ảnh hưởng kinh tế thế giới, giá dầu và trong bối cảnh này một số ngân hàng, các quỹ đầu tư chuyển sang xu hướng thận trọng hơn sẽ đổ vốn vào vàng. Vàng thường là nơi trú ẩn an toàn khi địa chính trị ở một số quốc gia bấp bênh.
Giá vàng nhẫn, trang sức 24K các loại đang thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay (Ảnh: TẤN THẠNH)
Nhu cầu về vàng trang sức dịp cuối năm cũng tăng cao ở một số nước như Mỹ, khu vực châu Âu hay châu Á gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam cũng đang vào mùa cưới.
Quan trọng không kém là nhu cầu mua vào vàng của ngân hàng trung ương các nước. Tính đến quý III/2023, ngân hàng trung ương các nước đã mua vào khoảng 800 tấn và có thể vượt 1.000 tấn trong năm nay. Trong đó, riêng Trung Quốc đã đều đặn mua vào vàng hằng tháng, ước tính quốc gia này đã mua vào khoảng 170 tấn vàng trong 3 quý đầu năm.
Nguồn cung vàng ổn định hoặc không tăng trong khi nhu cầu tăng thúc đẩy giá vàng lên vùng kỷ lục. Nhiều dự báo cho thấy giá kim loại quý này có thể tiếp tục đà tăng trong 1-2 tháng tới và hướng đến vùng 2.050 USD/ounce hoặc phá vùng đỉnh lịch sử ở 2.080 USD/ounce.
Sớm tăng nguồn cung cho thị trường
Ở trong nước, giá vàng SJC vượt 72 triệu đồng/lượng và đang ở vùng cao nhất trong nhiều tháng nhưng vẫn còn cách khá xa so với mốc lịch sử 74,4 triệu đồng/lượng thiết lập vào tháng 3-2022. Trong khi đó, giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại đang ở vùng cao nhất từ trước đến nay. Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường vàng gần đây là dù giá vàng trong nước ở vùng lịch sử nhưng không có tình trạng xếp hàng mua vàng như trước, nhu cầu mua vàng cũng không đột biến khi kinh tế khó khăn.
Nếu nhìn về mặt kỹ thuật, giá vàng ở vùng đỉnh này rất ít người dám mua vào vì sợ rủi ro đảo chiều bất cứ khi nào. Đổi lại, những người có vàng thì thường nắm giữ chứ ít bán ra hoặc mua thêm. Một số quan điểm cho rằng dòng tiền chuyển từ chứng khoán, bất động sản hoặc cả tiền gửi tiết kiệm chảy sang mua vàng nhưng số này không nhiều vì giá đang quá cao. Đặc biệt là giá vàng SJC đang cao hơn thế giới trên 12 triệu đồng/lượng, duy trì suốt mấy tháng qua, trong bối cảnh giá vàng trong nước và thế giới không liên thông. Thực tế, đã từ lâu nhà sản xuất không có nguồn nguyên liệu nhập khẩu để gia công vàng SJC nên nguồn cung vàng SJC trên thị trường rất ít, chỉ cần nhu cầu nhích nhẹ sẽ đẩy giá tăng cao.
Riêng với vàng nhẫn, vàng trang sức 24K thì có lý do đáng chú ý hơn. Năm 2023, cơ quan chức năng đẩy mạnh ngăn chặn buôn lậu vàng nên các doanh nghiệp không dám mua vàng trôi nổi trên thị trường như trước vì sợ mua phải vàng lậu. Vàng nguyên liệu không được cấp phép nhập khẩu để gia công vàng trang sức, vàng nhẫn… cũng góp phần đẩy giá vàng tăng khi nhu cầu nhích lên.
Để giải bài toán cho vàng nhẫn, vàng trang sức thiếu nguyên liệu, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và một số công ty vàng lớn như SJC, PNJ, DOJI… đã nhiều lần kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng nguyên liệu khoảng 1,5 tấn (tương đương lượng ngoại tệ cần khoảng 750 triệu USD). Lượng vàng nguyên liệu này đủ để tăng nguồn cung cho vàng trang sức, vàng nhẫn, đáp ứng nhu cầu trong nước và thu hẹp khoảng cách với giá thế giới nhưng chưa được chấp thuận.
Riêng với vàng SJC, các doanh nghiệp kiến nghị sớm sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng theo hướng cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng SJC, tăng cung cho thị trường. Chỉ cần khoảng 100 kg vàng (tương đương khoảng 2.600 lượng SJC) được bán ra là giá vàng SJC sẽ giảm ngay…
Người dân bị thiệt
Giá vàng hiện không nằm trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nên việc tăng, giảm của giá vàng trong nước không ảnh hưởng đến lạm phát. Nhưng việc để giá vàng tăng quá cao so với thế giới - nhất là vàng nhẫn, vàng trang sức - sẽ kích thích buôn lậu vàng qua biên giới. Quan trọng hơn là khi giá vàng trong nước quá cao so với giá thế giới, người dân sẽ bị thiệt vì đây là một tài sản cất giữ có giá trị, một trong những kênh đầu tư, kênh trú ẩn an toàn nên nhu cầu nắm giữ vàng với giá liên thông thế giới là điều chính đáng.