Cuối ngày 21-3, giá vàng SJC được mua vào - bán ra ở mức 78,8 - 80,8 triệu đồng/lượng, giảm tới 1,2 triệu đồng/lượng so với mức đỉnh trong ngày.
"Nóng - lạnh" liên tục
Từ đầu năm 2022 đến nay, giá vàng thế giới từ 1.830 USD/ounce đã leo lên 2.200 USD/ounce, tăng khoảng 170 USD/ounce, tương đương tăng 5,1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng SJC nhảy vọt từ 60 triệu đồng/lượng vào đầu năm 2022 lên 82 triệu đồng/lượng lúc 9 giờ ngày 21-3, tức tăng khoảng 22 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới quy đổi lên tới trên 15 triệu đồng/lượng.
Theo các chuyên gia, bối cảnh lãi suất tiền gửi sụt giảm, các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản tiềm ẩn rủi ro và kỳ vọng giá vàng thế giới tăng tiếp đã thúc đẩy người dân gia tăng nắm giữ vàng.
Diễn biến trên thị trường vàng khiến nhà đầu tư và người dân nắm giữ vàng "đau tim". Đầu tháng 3-2024, có thời điểm người dân đổ xô mua vàng khi giá vàng biến động loạn xạ và lập đỉnh lịch sử với mốc 82,2 triệu đồng/lượng. Tuy vậy, cũng có lúc giá vàng rớt hàng triệu đồng/lượng, chẳng hạn khi Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có biện pháp can thiệt để bình ổn thị trường vàng cuối năm 2023.
Về nguồn cung vàng, tình trạng khan hiếm tiếp tục bởi NHNN không sản xuất vàng miếng SJC kể từ khi Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng có hiệu lực. Người dân đang nắm giữ vàng miếng không bán ra càng khiến giá vàng tăng liên tiếp. Các tiệm vàng cho biết không có nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn, vàng trang sức; có lúc phải mua nguyên liệu trôi nổi, kích thích tình trạng nhập lậu vàng, tác động tiêu cực đến tỉ giá VNĐ/USD trên thị trường tự do.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho hay theo Hội đồng Vàng thế giới, nhu cầu vàng của Việt Nam lên tới 40- 60 tấn/năm. Nếu NHNN nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu này sẽ làm cho dự trữ ngoại tệ hao hụt rất lớn, ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.
"Nghị định 24/2012 quy định NHNN là đơn vị độc quyền xuất nhập khẩu, sản xuất vàng miếng SJC. Thế nhưng, hàng chục năm qua, cơ quan này không nhập khẩu lẫn sản xuất vàng miếng do không có chức năng kinh doanh và không thể dùng trữ ngoại tệ quốc gia mua vàng nguyên liệu" - ông Hùng phân tích.
Theo một số doanh nghiệp (DN), điểm nghẽn trên có thể là nguyên nhân khiến thị trường vàng trong nước gần đây khá hỗn loạn, tác động không tốt đến thị trường tài chính. Trước bối cảnh này, Thủ tướng đã liên tục triệu tập nhiều cuộc họp, ban hành hàng loạt văn bản yêu cầu NHNN rà soát, đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012.
Giá vàng trong nước biến động liên tục trong 7 tháng qua và lập đỉnh lịch sử vào ngày 9-3. Đồ họa: ANH THANH
Nên xem xét cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng
Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch VGTA, cho hay từ nhiều năm qua, VGTA cùng một số chuyên gia đã kiến nghị bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số DN đủ điều kiện. Mục đích là nhằm tăng cung cho thị trường vàng, nhất là cung vàng miếng SJC vốn từ hơn chục năm nay không có nguồn nhập khẩu. Đồng thời, góp phần xóa bỏ tình trạng vàng SJC "một mình một chợ", không liên thông với thế giới.
Ông Khánh góp ý việc cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu có thể thực hiện theo hạn ngạch (quota). Khi thị trường ổn định sẽ bỏ quota hoặc điều chỉnh dần theo tình hình thực tế.
Lãnh đạo VGTA chỉ rõ nếu DN được phép sản xuất vàng miếng thì đồng nghĩa sẽ được cấp hạn mức nhập khẩu vàng nguyên liệu. Có thể lựa chọn DN làm đầu mối nhập khẩu vàng thông qua việc NHNN khảo sát, kiểm tra quy mô, năng lực tài chính, kế hoạch sản xuất... của DN. Khi đó, NHNN đóng vai trò cấp hạn mức, giám sát DN nhập khẩu vàng; DN nhỏ lẻ có thể đăng ký mua nguyên liệu sản xuất vàng từ DN nhập khẩu. Lúc này, thị trường vàng vật chất tại Việt Nam cũng sẽ liên thông với thế giới, khoảng cách giá trong nước và thế giới được thu hẹp.
Theo lãnh đạo VGTA, khi nhu cầu nắm giữ vàng miếng tiếp tục tăng, giá sẽ rất khó lùi về ngang bằng giá thế giới. Trong khi đó, thị trường quốc tế không mặn mà với vàng miếng, chỉ thu mua vàng nữ trang. "Nếu quy định việc nhập khẩu vàng chỉ để sản xuất vàng nhẫn thì DN nhập khẩu sẽ có động lực phát triển đa dạng sản phẩm, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Trong điều kiện thị trường thuận lợi, DN có thể xuất khẩu nữ trang vàng" - lãnh đạo VGTA chỉ rõ.
GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhìn nhận nếu trao quyền sản xuất vàng miếng cho DN thì thị trường sẽ xuất hiện nhiều thương hiệu, tạo sự cạnh tranh, hạn chế vị thế độc quyền của vàng miếng SJC và người dân có cơ hội lựa chọn.
Chuyên gia vàng Trần Duy Phương phân tích: Việc bỏ độc quyền vàng miếng SJC phải đi kèm với cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu thì mới giúp tăng cung thị trường, từ đó thu hẹp cách biệt giá vàng trong nước với thế giới. "Gần đây, giá vàng SJC liên tục biến động mạnh với mức tăng giảm cả triệu đồng mỗi ngày đã kích thích nhu cầu "lướt sóng" vàng kiếm lời. Nếu giá vàng SJC ổn định, thu hẹp khoảng cách với giá thế giới thì sẽ góp phần hạn chế tình trạng này" - ông Phương nêu quan điểm.
Có lo người dân tích trữ vàng?
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, trên thị trường thế giới, vàng có nhiều vai trò. Các ngân hàng trung ương, quỹ đầu tư bán vàng ra trong nhiều năm liên tiếp chứ không chỉ mua vào. Ở Việt Nam, dù nhiều người có tâm lý mua vàng để tích trữ nhưng vẫn có thời điểm bán ra. Hơn nữa, vàng là loại tài sản có tính thanh khoản rất cao, mua - bán ngay lập tức nên không cần quá lo lắng việc người dân mua tích trữ.
"Hiện tại, nhu cầu mua vàng tăng do các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, đặc biệt là lãi suất tiền gửi thấp. Nhưng, đến một thời điểm khi các kênh đầu tư này hấp dẫn hơn, người dân sẽ bán vàng ra" - ông Khánh nhìn nhận.
Các nước ồ ạt mua gom vàng
Giá vàng thế giới liên tục phá đỉnh khi được giao dịch quanh ngưỡng 2.207 USD/ounce ngày 21-3 và có khả năng tăng cao hơn nữa khi các ngân hàng trung ương liên tiếp mua vào với số lượng kỷ lục.
Tập đoàn dịch vụ tài chính toàn cầu Macquarie (Úc) dự báo giá vàng sẽ đạt mức cao mới trong nửa cuối năm nay. Trong khi thừa nhận việc thu mua vàng vật chất đã khiến giá tăng, Macquarie cũng nhận định mức tăng 100 USD/ounce gần đây là do hợp đồng mua vàng tương lai cao đáng kể.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới, cho biết các ngân hàng trung ương đã mua vàng ở mức cao nhất trong lịch sử suốt 2 năm qua sẽ tiếp tục là bên mua mạnh trong năm 2024. Giới quan sát thị trường nhận định với đài CNBC rằng giá vàng được củng cố nhờ lực mua mạnh của các ngân hàng trung ương, bất chấp lãi suất cao và giá đồng USD tăng mạnh. Nhu cầu vàng vật chất tăng cao do được xem là kênh trú ẩn tài sản an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị.
Trong số các ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là bên mua vàng lớn nhất trong năm 2023. Ngoài việc mua nhiều vàng nhất, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới còn ghi nhận lượng giao dịch vàng bán lẻ cao nhất. Trong khi đó, Ba Lan là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới khi thu mua 130 tấn vàng hồi năm ngoái.
Theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng thế giới, Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ trở thành nước mua trang sức vàng lớn nhất thế giới vào năm 2023. Người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 603 tấn trang sức vàng vào năm ngoái, tăng 10% so với năm 2022. Theo sau Trung Quốc, Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ vàng trang sức lớn thứ hai thế giới, đặc biệt là trong mùa cưới.