Gen Z không muốn sống riêng vì giá thuê nhà tăng nhanh hơn lương

Nguyễn Quỳnh Trang, Theo Phụ nữ Việt Nam 08:26 22/09/2022

“Sống chung cùng bố mẹ là điều tuyệt vời, nếu có thể mình mãi không muốn ở riêng”- đây là tâm trạng của nhiều bạn trẻ gen Z.

Khi lớn lên, chắc hẳn ai cũng sẽ khao khát được sống ở không gian riêng của chính mình. Tuy vậy, qua ngưỡng 18 tuổi, vẫn nhiều bạn trẻ lựa chọn sống chung cùng ba mẹ mà không dọn ra ngoài ở.

Vấn đề sống riêng không chỉ đơn giản nằm ở việc bạn có muốn hay không, mà là bạn có khả năng hay không? Phần lớn Gen Z mới ra trường, công việc chưa ổn định kéo theo tài chính không cho phép họ có cuộc sống “thoải mái như ở nhà” nếu ra ở riêng. Ngoài ra, vẫn còn 1 số lý do khác khiến họ lựa chọn sống cùng ba mẹ là giải pháp lâu dài.

Cùng gặp gỡ 2 Gen Z, hiện tại vẫn đang sống cùng ba mẹ chia sẻ về vấn đề này:

1. Khánh Linh (22 tuổi, nhân viên văn phòng), hiện tại đang sống cùng ba mẹ ở Hà Nội.

2. Vũ Nhật Long (22 tuổi, hướng dẫn viên du lịch), hiện tại đang sống cùng ba mẹ ở TP.HCM.

Tài chính không đủ để chi trả cho việc sống riêng

Khánh Linh (22 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà và công việc của mình đều ở Hà Nội, vì thế mình không có ý định ra ngoài ở riêng. Vừa mới ra trường, công việc chưa ổn định, thu nhập chưa quá tốt để sắm cho mình ‘1 căn hộ trong mơ’, vì thế, bản thân mình chưa sẵn sàng tách khỏi ba mẹ.

Gen Z không muốn sống riêng vì giá thuê nhà tăng nhanh hơn lương - Ảnh 1.

Khánh Linh (22 tuổi, Hà Nội)

Mình cũng chưa biết cách chi tiêu một cách hợp lý. Tất nhiên, mình biết cần phải sống tiết kiệm, mở sổ tiết kiệm từ khi còn sống chung. Nhưng vì ở cùng ba mẹ, chi phí sinh hoạt hàng ngày như tiền nhà, điện, nước, tiền ăn hàng ngày đều được ba mẹ lo. Thế nên, mình cũng vẫn được tiêu xài dư giả một chút so với mức lương hiện tại. Hơn nữa, lạm phát ngày càng tăng cao, vật giá leo thang khiến mình cũng e dè khoản ở riêng.

Việc tự lập tài chính đã khó, tự vận hành trơn tru cuộc sống còn khó hơn. Từ việc giặt giũ, nấu cơm mình có thể làm được, nhưng nếu sống 1 mình thì điều này không chắc lắm. Với công việc ngày 8 tiếng, nhận dạy học thêm vào cuối tuần, tăng ca,... cộng thêm việc đảm đương việc nhà nữa thì quá khó cho thời gian của mình. Suy nghĩ tự sống, tự lập cách xa khỏi ba mẹ vẫn là câu hỏi mình chưa muốn giải đáp. Đây cũng là 1 phần khiến mình rất ngưỡng mộ các bạn ngoài tỉnh đến Hà Nội học tập và làm việc”.

Cùng những quan điểm về tài chính với Khánh Linh, cậu bạn Nhật Long (TP.HCM) cũng góp thêm ý kiến: “Đa phần bạn bè mình đều 21, 22 tuổi, là sinh viên mới ra trường, là tuổi còn chông chênh nhiều. Ở cái tuổi sóng gió còn chưa quen, lương lậu thì bấp bênh, chưa có khả năng lo liệu về tiền bạc nhiều, nên mình vẫn lựa chọn ở cùng ba mẹ.

Bạn bè mình ở trọ, hay gặp một số vấn đề như: chủ trọ khó tính, môi trường không đảm bảo, bạn ở trọ chung không ưng ý, rồi chuyện chi tiêu, ăn uống,... nói chung là rất nhiều vấn đề. Và mình tin, nếu được thì ai cũng sẽ mong muốn được ở bên ba mẹ nhiều nhất, vì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ tách riêng khỏi nhà ba mẹ thôi.

Gen Z không muốn sống riêng vì giá thuê nhà tăng nhanh hơn lương - Ảnh 2.

Nhật Long (22 tuổi, TPHCM)

Làm một bài tính nhỏ. Mình cũng đã từng nghĩ đến chuyện ra riêng, nhưng tham khảo qua bạn bè thì thấy thời điểm này cũng chưa thích hợp. Nếu ở riêng, mình có thể tính 1 cách tương đối:

Ở TP.HCM, nếu bạn ở các khu như Quận 3, Quận 10, giá trọ 1 tháng rơi vào khoảng 2-2,5 triệu đồng. Còn nếu muốn rẻ hơn có thể ở Tân Bình, Phú Nhuận khoảng 1 -1,5 triệu/tháng. Thêm tiền điện nước thì tính trung bình 2 triệu.

Tiền ăn ngày 3 bữa tự nấu, khoảng 70-80k/ngày thì 1 tháng phải mất hơn 2 triệu.

Chi phí cho ở riêng không tính thêm phần chi tiêu như mua sắm, ăn uống, thì tối thiểu cần chi cho việc sống riêng là 4 triệu đồng/tháng, đây là đã khá tiết kiệm rồi.

Mà mức lương khởi điểm khi ra trường của tụi bạn mình tham khảo, sẽ khoảng 8-10 triệu đồng. Vậy tính ra, mất đến 1/2 số lương chi cho khoản ở riêng này.

Tính thêm các chi phí phát sinh không dự đoán được, rồi mua sắm đồ đạc, thiết bị phục vụ cho công việc,... thì làm gì còn dư để đưa vào quỹ tiết kiệm. Vậy nên, đối với mình, việc ra riêng sẽ được thực hiện nếu tài chính của mình dư giả hơn”.

Sống cùng ba mẹ luôn đi kèm hai chữ “ổn định”

Không riêng gì vấn đề tài chính, việc sống cùng ba mẹ khiến cho chất lượng cuộc sống luôn được đảm bảo.

Khánh Linh (Hà Nội) chia sẻ: “Sống với bố mẹ đối với mình vẫn là thoải mái và ổn định nhất mặc dù ‘lúc nào cũng bị bố mẹ gọi về trước 10 giờ tối’. Việc này thi thoảng cũng khiến mình bỏ lỡ nhiều cuộc vui cùng bạn bè, đồng nghiệp, nhưng mình thấy ổn với điều đó. Ba mẹ không cho đi chơi về muộn - đây cũng là lý do chính đáng để từ chối những lời mời không hứng thú.

Gen Z không muốn sống riêng vì giá thuê nhà tăng nhanh hơn lương - Ảnh 3.

Sống chung với ba mẹ thì chất lượng cuộc sống được đảm bảo

Người ta vẫn hay bảo, không nơi đâu bằng nhà mình, ở chung thì cuộc sống lúc nào cũng đạt ở chất lượng tốt nhất. Đối với mình là vậy. Ra ở riêng, đôi lúc sẽ ‘kẹt tiền’ vì lỡ tiêu xài quá tay chẳng hạn, khi đó, chắc chắn các chi phí sinh hoạt khác sẽ bị cắt giảm. Nhưng ở chung thì không như thế. Dù bạn không còn xu dính túi, thì cuộc sống vẫn đầy đủ như thế, chẳng thiếu thốn gì”.

Không chỉ riêng Khánh Linh có quan điểm như thế, rất nhiều bạn trẻ ở chung cùng ba mẹ cũng khẳng định điều này. Nhật Long (TPHCM) chia sẻ thêm:

“Ba mẹ luôn thoải mái với việc ở chung, không hề nhắc tới chuyện lớn rồi phải ra riêng. Ba mẹ luôn ủng hộ những quyết định của mình. Hiện tại mình vẫn vui vẻ với việc sống chung này. Mẹ mình vẫn hay nói: Ở chung với ba mẹ không thích hay sao mà cứ đòi dọn ra ngoài làm gì?

Gen Z không muốn sống riêng vì giá thuê nhà tăng nhanh hơn lương - Ảnh 4.

Ở chung với ba mẹ vẫn tốt, dọn ra ngoài làm gì?

Tính toán chuyện tài chính, thì cho dù là 1 vài năm nữa, thậm chí mình được tăng lương cũng chưa gom đủ tiền để mua nhà riêng. Tất nhiên, sống riêng ở 1 căn nhà đứng tên mình, vẫn là chuyện mình hằng mơ ước, và tin chắc điều này cũng sẽ khiến ba mẹ tự hào. Nhưng đó là câu chuyện của tương lai”.

Tạm kết

Khánh Linh và Nhật Long cho biết, ở tại căn nhà của mình cũng đã có đủ sự riêng tư cần thiết, không bị kiểm soát như mọi người vẫn thường nghĩ. Cả hai bạn đều có những bí quyết riêng, giúp việc ở chung khi trưởng thành trở nên dễ dàng hơn: “Thời gian ở nhà 1 ngày của mình chưa đầy 8 tiếng, trừ đi thời gian ngủ nghỉ thì chỉ có khoảng 2-3 tiếng là tiếp xúc cùng ba mẹ, khá ít. Vậy nên, những bữa cơm cuối tuần, đi chơi, đi phượt cùng ba, mua cây cảnh và nấu ăn cùng mẹ là điều cần thiết, khiến tình cảm khăng khít hơn. Nhất định là phải dành thời gian để quan tâm nhau. Được ở nhà ba mẹ rồi, mà còn không dành thời gian cho gia đình thì sớm muộn gì cũng bị ba mẹ cho ra riêng”.