Thế hệ Z đang ngày càng lớn mạnh và "xâm chiếm" thị trường lao động. Khi ngày càng nhiều người trong độ tuổi Gen Z có việc làm, thu nhập của nhóm này sẽ tăng lên nhanh chóng. Đến năm 2030, thu nhập của Thế hệ Z dự kiến sẽ đạt 33 nghìn tỷ USD trên toàn cầu và đến năm 2031, nó sẽ vượt qua số tiền mà thế hệ Millennials kiếm được trong một năm.
Tuy nhiên, cũng có một xu hướng đang được thế hệ Gen Z đón nhận đó chính là… lên kế hoạch nghỉ hưu. Theo nghiên cứu mới nhất của Morning Consult, dù Gen Z mới tham gia lực lượng lao động không lâu nhưng điều đó không ngăn cản họ nghĩ đến việc nghỉ hưu bất chấp những trở ngại tài chính như lạm phát cao kỷ lục, bất ổn kinh tế...
Cứ 6 trong số 10 Gen Z được khảo sát trong độ tuổi từ 13-26, họ dự định nghỉ hưu ở tuổi 65 hoặc trẻ hơn. Để làm được điều đó, họ phải có kế hoạch tiết kiệm từ sớm để có thể "tự do tài chính" cho kế hoạch nghỉ hưu sớm của mình.
Ảnh minh họa (The New York Times)
Tờ Business Insider chỉ ra, Gen Z hiện nay đang phá bỏ khuôn mẫu về việc một thế hệ thích tiệc tùng và vung tiền qua cửa sổ. Gen Z đang có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với tương lai tài chính và sử dụng tiền lương một cái hiệu quả để "tiền đẻ ra tiền".
Trong một cuộc khảo sát của Viện CFA - một hiệp hội thương mại toàn cầu dành cho các cố vấn đầu tư, hơn một nửa số người thuộc Thế hệ Z được hỏi cho biết họ đã đầu tư và 82% các nhà đầu tư Thế hệ Z của Mỹ cho biết họ đã lao vào thương trường để đầu tư trước khi bước sang tuổi 21. Con số này cao hơn đáng kể (hơn 31%) so với thế hệ Millennials.
Những người trẻ tuổi không chỉ lo lắng về sự bất ổn về kinh tế mà còn cả việc lên kế hoạch nghỉ hưu. Hơn một nửa số người được Viện CFA khảo sát cho biết họ đang đầu tư, tiết kiệm để có thể nghỉ hưu bất cứ khi nào bản thân muốn và để làm được điều đó thì sự ổn định tài chính là điều quan trọng. Các cố vấn tài chính nói rằng Gen Z sẽ cần khoảng 3 triệu đô la để có thể nghỉ hưu trong 20 năm - một mức tiêu chuẩn cao ngay cả đối với những nhà quản lý tiền thông minh.
Nhìn chung, 66% Thế hệ Z được Trung tâm Nghiên cứu Hưu trí Transamerica khảo sát cho biết họ đã bắt đầu tiết kiệm để nghỉ hưu, dành ra trung bình 20% tiền lương hàng năm của họ - gần gấp đôi phần thu nhập mà các thế hệ cũ, để tích trữ.
Ảnh minh họa (The New York Times)
Gen Z được mệnh danh "người bản địa kỹ thuật số đầu tiên", nên chính văn hóa trực tuyến đã tác động không nhỏ đến quyết định đầu tư của họ. "Dạo chơi" trên các trang mạng xã hội, bạn sẽ thấy hằng hà sa số "những người có ảnh hưởng tài chính" trên TikTok, YouTube... chia sẻ về "những tip để kiếm tiền nhanh chóng", hay "không cần làm gì vẫn kiếm khối tiền nhờ đầu tư thông minh"... Những "bí quyết" đầu tư tài chính này thu hút rất nhiều người quan tâm.
Chính những bí quyết đầu tư nghe thì có vẻ "ngon - bổ - rẻ" đó đã dẫn đến nỗi sợ bị bỏ lỡ một cách hữu hình trong việc đầu tư của người trẻ: Một nửa số nhà đầu tư Gen Z trong cuộc khảo sát của CFA sẵn sàng đầu tư vào nhiều lĩnh vực do bị FOMO.
Charlie Pastor - một chuyên gia tại dịch vụ The Motley Fool's Ascent, cho biết: "Tôi nghĩ có rất nhiều điều liên quan đến việc phổ biến rộng rãi kiến thức tài chính này. Nhưng việc đầu tư theo hướng FOMO hoặc mù quáng làm theo lời khuyên của những người có 'ảnh hưởng tài chính' có thể dẫn đến một chiến lược đầu tư kém hiệu quả".
Hơn 64% Gen Z được khảo sát bởi Royal Mint của Anh, nhà sản xuất tiền xu chính thức của Anh, cho biết họ trở thành nạn nhân của chiến lược "mật ngọt" mang tên "làm giàu nhanh chóng". Và trong một nghiên cứu gần đây do Barclays Smart Investor thực hiện, gần một nửa số nhà đầu tư Gen Z mong muốn theo đuổi chiến lược nhằm thu lợi nhuận tài chính nhanh chóng thông qua đầu tư ngắn hạn.
Ảnh minh họa (The New York Times)
Gần một nửa số người được hỏi ở độ tuổi 18 - 24 cho biết họ dự định đầu tư tiền của mình trong thời gian từ 2 đến 5 năm. Và hơn 1/5 cho biết họ đang đầu tư để "tận dụng lợi thế của thị trường", với 16% người được khảo sát chia sẻ muốn "chơi đùa với thị trường" để kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Và báo cáo của Viện CFA cho thấy các nhà đầu tư Thế hệ Z trên toàn cầu sẵn sàng đầu cơ vào các khoản đầu tư chưa được chứng minh hơn bất kỳ thế hệ nào khác với mối quan tâm cao đến các tài sản rủi ro.
"Nếu bạn thấy trên mạng xuất hiện những lời khuyên 'béo bở' như nên đầu tư vào công ty này, quỷ chỉ số, mã cổ phiếu kia thì hãy tự mình thẩm định và coi đó có thể là một ‘mẹo’ nhưng không phải là tất cả", Taylor Price, người sáng lập Gen Z và giám đốc trải nghiệm của Savvy, một ứng dụng giúp mọi người tối đa hóa chiết khấu khi mua hàng chia sẻ.
Gen Z không phải lúc thích những lựa chọn đầu tư an toàn và cũng chính vì lẽ đó mà họ sẽ rút ra được nhiều bài học. Lowry nói: "Đôi khi bạn sẽ mất tiền và đó sẽ là bài học kinh nghiệm cho tương lai. Thà mắc những sai lầm đó ở tuổi 19 còn hơn là ở tuổi 45 hoặc 50".
Trong khi một số Gen Z đang rơi vào "cạm bẫy" đầu tư thì không ít người trẻ đang áp dụng một cách tiếp cận hợp lý để lập kế hoạch tài chính cho tương lai nhằm bắt đầu kế hoạch nghỉ hưu của mình. Ở nhiều khía cạnh, Gen Z đang trưởng thành vào thời điểm khá thuận lợi, bước vào một thị trường việc làm đang bùng nổ với mức lương tăng trưởng mạnh mẽ. Ngược lại, hành trình trưởng thành của thế hệ Millennials gặp nhiều trở ngại, bao gồm hai cuộc suy thoái trước tuổi 40 dẫn đến tình trạng mất việc là rất lớn.
Gen Z đã có cơ hội học hỏi từ những người lớn tuổi và sử dụng vô số tài nguyên trực tuyến để kiếm tiền. Cho dù đó là nỗi sợ bỏ lỡ những khoản lợi nhuận đầu tư lớn hay nỗi sợ không có đủ tiền để nghỉ hưu, Gen Z đã nghe lời khuyên rằng "hãy bắt đầu tiết kiếm từ sớm". Gen Z cần phát huy khả năng hiểu biết công nghệ và khai thác các nền tảng trực tuyến để gia tăng kiến thức và kỹ năng tài chính.
Ảnh minh họa (The New York Times)
Một chiến lược quan trọng là phát triển kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, bắt đầu từ việc thiết lập mục tiêu tài chính rõ ràng. Dù mục tiêu là mua nhà, mua xe, trả nợ hay khởi nghiệp, việc có một bản kế hoạch chi tiết sẽ giúp các bạn trẻ hướng tới những cột mốc quan trọng trong cuộc sống một cách có tổ chức và hiệu quả.
Kế đến, Gen Z cần phải học cách cân bằng giữa thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm. Điều này bao gồm việc xây dựng một quỹ tiết kiệm khẩn cấp sẵn sàng cho những tình huống bất ngờ và duy trì một lối sống trong tầm kiểm soát tài chính.
Một vấn đề không kém phần quan trọng là việc lựa chọn kênh đầu tư phù hợp. Với các sở thích đầu tư đa dạng, Gen Z không ngần ngại khám phá các lĩnh vực mới như chứng khoán, trái phiếu, tiền điện tử và blockchain. Tuy nhiên, việc đầu tư cần được tiến hành một cách thận trọng, dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng và sự phân bổ tài sản hợp lý giữa các lựa chọn rủi ro cao và thấp.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến tầm quan trọng của việc giáo dục tài chính từ sớm. Hãy tích cực tìm kiếm kiến thức từ những nguồn thông tin uy tín, tham gia các khóa học và tận dụng sự hỗ trợ từ các ứng dụng quản lý tài chính để từng bước trở thành những nhà đầu tư thông thái.
Bằng cách áp dụng những chiến lược trên, Gen Z có thể tự tin tạo dựng một tương lai tài chính vững chắc, cân bằng giữa việc tiết kiệm cho ngày mai và thỏa mãn những nhu cầu tài chính ngày hôm nay.