Gen Z bất ổn, “nay làm chỗ này, mai làm chỗ kia”: Sự thật về thế hệ giỏi nhưng lại không biết mình muốn gì!

Quang Vũ, Theo Phụ nữ số 15:30 20/04/2024

Bạn nghe người ta "đồn" gì về Gen Z? Giỏi, sáng tạo, cái gì cũng nhanh nhưng nhanh nhất là… nhảy việc. Gen Z đỗ phỏng vấn nhưng không đi làm, thế hệ "ghosting" nhà tuyển dụng. Dễ "chặn" sếp, thậm chí là dọn sang thành phố khác khi chưa bàn giao công việc sau khi nghỉ việc.

Chân dung Gen Z với những nhận xét tiêu cực không khó để bắt gặp, khiến họ bị đánh giá quy chụp là "thích chơi hơn làm", "thiếu nghiêm túc" trong công việc. Điều này tạo nên 2 luồng cảm xúc trái ngược cho những người tuyển dụng, các sếp khi chiêu mộ Gen Z vào công ty: Kỳ vọng vào năng lượng trẻ trung, tươi mới song cũng nơm nớp lo sợ không biết "ứng viên mới" này có gây chuyện hay không! Đã không kiên định lại còn chịu áp lực kém, thích cân bằng "cột sống" nhưng lại không chăm chỉ kiếm tiền…

Gen Z bất ổn, “nay làm chỗ này, mai làm chỗ kia”: Sự thật về thế hệ giỏi nhưng lại không biết mình muốn gì! - Ảnh 1.

Nhưng cũng sẽ oan ức lắm nếu vội vàng kết luận như vậy. Bởi "người trong cuộc hiểu rõ người trong kẹt", chỉ có chính Gen Z mới hiểu được vì sao mình lại bị gắn mác với hình ảnh ấy và họ thật sự nghĩ gì về chuyện đi làm?

Bối cảnh đi làm khác các anh chị 8X, 9X và định nghĩa thành công cũng đã khác

Có thể nói, Gen Z có những quan điểm khác biệt rõ ràng về phương thức làm việc truyền thống, môi trường hoặc mối quan hệ công sở. Gen Z cho rằng họ có nhiều cơ hội/ cách để khám phá bản thân và đạt được thành tựu riêng hơn là việc check-in, check-out đúng giờ quy định. Phong cách và môi trường làm việc linh hoạt cũng sẽ giúp họ phát triển hết khả năng của mình hơn là bị gò bó trong 4 bức tường ở công ty.

Với tâm lý này, họ bị gán ghép là "thế hệ lười biếng, không thích đi làm, dễ dàng nhảy việc." Trên thực tế, họ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên mải loay hoay giữa việc có nên đi làm văn phòng hay không, chứ không đơn thuần là ghét đi làm nên thường xuyên nhảy việc.

Như đã nói, Gen Z lớn lên trong thời đại công nghệ. Họ đã quá quen với việc giao tiếp, làm việc trực tuyến. Phương thức làm việc này cho phép họ tự do lựa chọn địa điểm và thời gian làm việc, cân bằng được việc trải nghiệm cuộc sống và đảm bảo hiệu quả công việc.

Gen Z bất ổn, “nay làm chỗ này, mai làm chỗ kia”: Sự thật về thế hệ giỏi nhưng lại không biết mình muốn gì! - Ảnh 2.

Thêm vào đó, sự phổ biến của mạng xã hội và internet đã khiến phần đông Gen Z quan tâm đến sự đa dạng của công việc hơn. Họ đam mê thử thách bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau, hào hứng với việc học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng mới thông qua các phương thức làm việc đa dạng thay vì bị giới hạn trong môi trường làm việc truyền thống.

Điểm đặc biệt nhất, thái độ của Gen Z với khái niệm "công việc" cũng thay đổi so với những thế hệ khác. Họ xem trọng ý nghĩa và giá trị công việc, quan tâm đến những trải nghiệm khi làm việc hơn là theo đuổi tiền lương và địa vị có được thông qua công việc ấy.

Nói cách khác, việc Gen Z nhảy việc thường xuyên, "cả thèm chóng chán" là bởi họ đang loay hoay lựa chọn một mô hình làm việc phù hợp để có thể nhận ra giá trị cá nhân và phong cách sống của mình.

Nguyên nhân sâu xa khiến Gen Z nhanh chóng hối hận với lời hứa hẹn: "Em sẽ cống hiến hết sức mình cho công ty"

Trong một cuộc khảo sát do China Youth School Media thực hiện, đa phần Gen Z coi trọng tốc độ phát triển doanh nghiệp và phát triển cá nhân nhất khi chọn môi trường làm việc.

Điều này dẫn đến việc họ chưa thật sự tìm hiểu công việc ấy có phù hợp để đi đường dài với bản thân hay không. Phù hợp ở đây bao gồm định nghĩa, sau khi vào làm, liệu họ có tiếp tục duy trì được hứng thú như lời hứa hẹn ban đầu rằng "em sẽ cống hiến hết mình" cho công ty.

Một công việc hào nhoáng, thú vị, đa sắc màu vẽ ra tương lai phát triển bản thân một cách rực rỡ dễ khiến Gen Z hứng thú và vội vàng nhận việc. Nhưng rực rỡ mà không đem lại niềm vui, không thật sự phù hợp thì chỉ sau một thời gian ngắn, tâm lý muốn nhảy việc để tìm lại cảm giác hứng thú ban đầu sẽ diễn ra.

Gen Z bất ổn, “nay làm chỗ này, mai làm chỗ kia”: Sự thật về thế hệ giỏi nhưng lại không biết mình muốn gì! - Ảnh 3.

Áp lực đồng trang lứa khiến họ sa vào nỗi mông lung, hôm nay thích cái này cho bằng bạn, ngày mai thích cái kia cho bằng bè. Để rồi công việc mà họ chọn có đôi khi không phải công việc họ thích, mà là một công việc được xã hội và những người xung quanh thích. Và đã là điều không thích, thì họ khó mà gắn kết lâu bền cùng công việc ấy được.

Một điều khá thú vị là vì lớn lên trong môi trường phóng khoáng và phát triển, thế hệ này thường có xu hướng mong muốn một môi trường "healthy và balance", khác hẳn với những ràng buộc thường thấy trong cách làm việc văn phòng truyền thống.

Ví như giờ giấc làm việc phải tự do, đãi ngộ tốt, sếp thân thiện không có khoảng cách với nhân viên, có những hoạt động ủng hộ nhân viên theo đuổi sở thích, nhiều công việc chấp nhận nhân viên làm bán thời gian hoặc ngắn hạn nhưng không tách rời khỏi tập thể.

Nhưng ở vế ngược lại, rất hiếm có công ty nào hay sếp nào có thể "chạy theo" chiều nhân viên như thế được. Kết quả công việc, doanh số, KPI vẫn là những thứ quá thực tế và "tàn khốc" không đủ chỗ cho những "nâng niu" về tâm hồn hay tâm lý mà Gen Z tìm kiếm trong hành trình công việc.

Những điều đối lập chan chát giữa mong cầu cá nhân và thực tế cuộc sống dễ khiến Gen Z thất vọng và từ bỏ chính nơi làm việc mình từng đặt kỳ vọng rất nhiều khi mới bước chân vào.

Cần gì để đi lâu dài trên chuyến tàu "công việc"?

Những thay đổi trong mô hình làm việc để theo kịp tư duy người trẻ và sự phát triển kinh tế là điều cần thiết, nhưng Gen Z cũng nên có sự chuẩn bị để đồng hành lâu dài trên chuyến tàu này.

Trước tiên, nên chọn một công việc với điểm xuất phát là sự yêu thích. Tất nhiên, công việc yêu thích này phải trải qua khảo sát rõ ràng, không phải là công việc mà mọi người xung quanh yêu thích, hay là công việc mà bạn nhất thời yêu thích khi bị các phương tiện truyền thông, mạng xã hội gây ảnh hưởng.

Thứ hai, xem sự phát triển bản thân là tiền đề vĩnh cửu nhưng song hành với sự phát triển của công ty. Học hỏi những kỹ năng mới, áp dụng công nghệ AI, các công cụ mới cho công việc cũng là cách giúp bản thân hoàn thiện hơn.

Gen Z bất ổn, “nay làm chỗ này, mai làm chỗ kia”: Sự thật về thế hệ giỏi nhưng lại không biết mình muốn gì! - Ảnh 4.

Áp dụng công nghệ vào công việc để phát triển thêm kỹ năng

Cuối cùng, hãy "lắng nghe" môi trường làm việc. Thông qua quá trình sàng lọc, hãy cố gắng tìm ra môi trường làm việc phù hợp với bản thân. Quá trình chăm chỉ khi làm việc có khi phải chịu đựng sự buồn chán và đau khổ, nhưng chỉ có thế mới tiến gần đến mục tiêu. Bạn có thể học cách dễ hài lòng và hiểu rằng mỗi ngày chỉ cần tiến bộ một chút trong công việc cũng là chuyện đáng để bản thân hạnh phúc.

Gen Z bất ổn, “nay làm chỗ này, mai làm chỗ kia”: Sự thật về thế hệ giỏi nhưng lại không biết mình muốn gì! - Ảnh 5.

Nối tiếp thành công của Awesome Academy hai mùa trước, với định hướng song hành cùng thế hệ trẻ chinh phục các thử thách, Awesome Academy 3.0 đã trở lại, mang đến một sân chơi để mỗi cá tính có cơ hội được tỏa sáng. Đặc biệt, Awesome Academy năm nay sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực hơn, đem đến cho thế hệ trẻ những kiến thức, kỹ năng hữu ích thông qua những chia sẻ của các chuyên gia trong nhiều ngành nghề hot, giúp các bạn phát triển và khai phá bản thân. Cùng đón chờ những hoạt động vô cùng thú vị từ Awesome Academy trong thời gian tới tại đây bạn nhé!