Viên pin cúc áo được gắp ra ngoài thành công. Ảnh: BVCC
Bệnh nhi L.H.N. (11 tháng tuổi, trú tại huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhập viện khám với lý do ho, khò khè.
Mẹ bệnh nhi cho biết: Ở nhà bé có biểu hiện ho, ho đờm, khò khè, sốt 7 ngày nay kèm theo ăn uống kém.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm thăm dò, bác sĩ điều trị phát hiện hình ảnh cản quang ngang đốt sống ngực C3, C4 trên phim X-quang ngực thẳng. Hình ảnh CT cột sống cổ cho thấy dị vật đang nằm ở thực quản.
Bệnh nhi ngay lập tức được hội chẩn liên khoa và thống nhất chẩn đoán: Dị vật đường tiêu hóa. Kíp nội soi tiêu hóa - gây mê đã nhanh chóng lấy bỏ được dị vật là một viên pin từ thực quản của bệnh nhi. Qua kiểm tra thấy thực quản bị loét độ 2 do pin ăn mòn.
Hiện tại, bệnh nhi ổn định đang được nuôi dưỡng tĩnh mạch, giảm tiết acid dạ dày để điều trị loét thực quản.
Theo ThS.BS Lê Thị Vân Anh, Trưởng Khoa Tiêu hóa, dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu ngoại khoa, cần được chẩn đoán và xử trí sớm vì ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Trẻ nhỏ khi tự chơi trong nhà, nếu không có sự giám sát và chăm sóc của người lớn, rất dễ tự ý cho vào miệng và nuốt phải những vật thể nguy hiểm, tiêu biểu như tăm tre, cúc áo, pin, lego… Trong đó, pin là tác nhân gây nên nhiều di chứng nghiêm trọng cho trẻ nếu nuốt phải.
Bác sĩ Vân Anh khuyến cáo: Gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý để các vật dụng nguy hiểm tránh xa tầm tay của trẻ, chú ý quan sát khi trẻ chơi và phát hiện sớm khả năng các bé nuốt phải đồ vật để nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và nội soi lấy bỏ dị vật cấp cứu kịp thời.