Trong giới kinh doanh nhà hàng, quán ăn, nhiều người thường nói vui với nhau rằng "nếu ghét một ai đó, bạn hãy xúi họ mở nhà hàng". Nói như vậy để thấy được, mức độ rủi ro của ngành này cao đến nhường nào. Có nhiều hàng quán kinh doanh theo trào lưu, một dạo "nổi như cồn" rồi cũng khép lại trong nợ nần, thất bại.
Nhưng ở Hà Nội, có những quán bình dân kinh doanh món ăn truyền thống, tồn tại đã mấy chục năm, chuyển chỗ vài lần nhưng vẫn rất đông khách. Bằng một cách nào đó, chúng ghi vào lòng thực khách ấn tượng rất sâu sắc và tồn tại, như biệt lập khỏi cuộc cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra trên thị trường. Hàng bún mọc cô Thủy nằm lọt trong khu phố cổ chính là một ví dụ như thế.
Gánh bún của mẹ truyền lại cho 4 con thơ
Bún cô Thủy xưa kia chỉ là một gánh hàng bán rong. Mở ra từ năm 1985, đến nay, gia đình cô đã có 2 cơ sở tại Hà Nội. Chuyện về hàng bún này thì khá dài. Nó bắt đầu từ đời mẹ cô và truyền lại mãi, đến tận bây giờ.
Bà Nga (mẹ cô Thủy) vốn là người bán xôi chè, cháo phổ có tiếng tại khu phố cổ. Năm 1984, bà không may qua đời, để lại 4 người con thơ dại. Bố cô Thủy khi đó làm lái xe đường dài, mỗi tuần chỉ về thăm các con một lần.
Quán ăn của 4 chị em cô Thủy lúc nào cũng đều đều khách ghé đến.
Sau khi cô Thủy sang Mỹ sinh sống, quán ăn này do vợ chồng cô Hằng tiếp quản chính.
Cuộc sống khó khăn, vì nuôi dưỡng các em nên người, cô Thủy là chị cả, khi đó mới 16 tuổi đã cùng người em gái kém 2 tuổi, bà Trần Bích Hằng mở một quán bún gánh bán dạo trong khu phố Tạ Hiện. Quán ăn mở ra từ đâu, đông khách từ đó. Dù chẳng có biển hiệu, tên tuổi nhưng mỗi lần muốn ăn bún mọc, măng chua, nhiều người lại rủ nhau lân la lên Tạ Hiện thưởng thức.
Những tưởng mọi thứ cứ thế êm đềm trôi đi. Nào ngờ một thời gian sau, chủ nhà đã giành lại chỗ bán, kinh doanh món ăn tương tự thứ mà chị em cô Thủy đang bán. Không nản chí, bốn chị em cô tiếp tục thuê địa điểm khác trong ngõ nhỏ Đào Duy Từ. Thương cảnh 4 người trẻ vất vả bán hàng, nương nhờ vào nhau mà sống, sau ngày chuyển địa điểm, nhiều khách quen vẫn đi theo họ. Từ chỗ chỉ bán dạo rồi ngồi vỉa hè, chị em cô đã gây dựng thành một hàng ăn quy mô hơn.
Bún ở đây được nhiều thực khách yêu thích.
Vì chúng vừa ngon, vừa có giá hợp lý.
Nhờ có quán ăn nhỏ này, cô Thủy gồng gánh nuôi các em ăn học đàng hoàng. Nghề bán hàng ăn dạo của mẹ cô không hề mất đi mà khi truyền lại cho các con, lại ngày một phát triển hơn. Năm 2005, cô Thủy kết hôn và chuyển sang Mỹ sinh sống. Hàng bún này giao lại cho cô Hằng (SN 1970) tiếp quản. Hiện nay, cô Hằng và 2 người em còn lại vẫn chung tay làm quán ăn và phát triển thương hiệu mà người chị cả đã gây dựng. Bán hàng đã 31 năm nhưng hương vị và chất lượng bát bún vẫn chẳng hề thay đổi bởi tay nghề của các chị em trong nhà, 4 người đều như 1.
Bát bún đầy đặn và sự kết hợp "tả phí lù" ít người ngờ đến
Bát bún ở đây rất đầy đặn. Giá chỉ 40.000 đồng nhưng có đủ sườn, mọc, cuống tim và cật heo cùng măng chua. Khi bưng đồ ăn ra, ấn tượng đầu tiên là trông nó khá "xôi thịt". Sự kết hợp giữa các thành phần, thoáng nhìn còn thấy có phần kém liên quan đến nhau.
Một bát bún thập cẩm có giá là 40.000 đồng. Nếu chỉ ăn bún mọc, sườn, giá là 35.000 đồng.
Thế nhưng khi đã bắt đầu đưa thức ăn lên miệng, thực khách chắc hẳn sẽ không bao giờ thấy tiếc số tiền mình vừa bỏ ra. Miếng sườn to, ninh vừa mềm, vừa dai và ăn đậm vị. Mọc làm bằng thịt tươi băm, ăn rất ngọt và ngon. Vị bát bún vừa phải, không mặn chát hay ngọt toàn vị mì chính như nhiều nơi. Măng chua ăn rất khoái khẩu vì giữ được độ giòn. Bát nước dùng tuy hơi ngậy nhưng ăn kèm với bún vẫn giữ được độ thanh vừa phải.
"Thường thì người ta chỉ bán bún mọc, sườn và măng nhưng chị em tôi lại nghĩ là cho thêm tim chần, cật heo sẽ ngon hơn. Không ngờ điều này được thực khách hưởng ứng. Họ gợi ý nên chuyển thịt tim thành cuống tim, chúng tôi làm theo và bán từ ngày ấy đến giờ, với công thức không hề thay đổi", cô Hằng chia sẻ.
Miếng mọc làm từ giò sống và nấm hương. Khác với nhiều quán, phần giò ở đây bao giờ cũng nhiều hơn nấm.
Mọc làm từ thịt băm khá lạ, nguyên liệu này rất được trẻ nhỏ yêu thích.
Sườn to và ninh mềm vừa ăn.
Khi kết hợp lại thành một bát bún mọc, chúng tỏa ra hương vị hấp dẫn.
Ai đã đi ăn bún mọc ở đây, có lẽ không muốn chuyển địa điểm. Món ăn không chỉ ngon mà thái độ phục vụ thực khách cũng rất chu đáo. Cô Hằng kể rằng, mỗi khi có khách mới đến ăn, lúc họ đứng lên, cô đều để ý xem khách có ăn hết bát bún hay không. Có vị khách còn bưng bát húp cạn cả nước, mỗi lần nhìn thấy họ ăn đến sợi bún cuối cùng, cô Hằng vui lắm. Vì điều ấy chứng tỏ là người ta thích món ăn ấy và chắc chắn, sẽ có lúc quay lại.
Có nhiều vị khách ăn quen ở đây, khi đã đi xa, mỗi khi có dịp về thăm Hà Nội lại "mò" đến quán cô Hằng ăn bún. Khoảnh khắc chủ nhận ra khách quen khiến cô Hằng cảm thấy rất hạnh phúc. Cô bảo nghề bán bún này vất vả nhiều lắm, ngày nào cũng thức khuya, dậy sớm. Thế nhưng, động lực để cô cố gắng không chỉ là vấn đề cơm áo, gạo tiền mà còn bởi tình cảm chân thành, quý mến từ khách.
Chủ quán luôn đeo bao tay khi làm việc.
Nước dùng hơi béo ngậy nhưng khi ăn cùng với bún lại trở nên vừa miệng hơn.
Nói về chất lượng bún ở đây, chị Thanh (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi ăn ở đây lâu rồi và thấy rất ngon. Tôi không thích dùng nội tạng nên hay gọi bún sườn mọc, cô chủ sẽ cho rất nhiều mọc và lần nào tôi cũng ăn hết".
Đồng tình với ý kiến này, một thực khách khác cũng cho biết, cái hay của quán là nhìn khá sạch sẽ, người phục vụ luôn đeo bao tay cẩn thận khiến thực khách thấy rất yên tâm. "Quán làm đồ rất cẩn thận. Nồi chần mì tôm, tim, cật bao giờ cũng được đặt riêng để không gây hôi cho nước dùng chính. Thực phẩm nhìn khá tươi và sạch sẽ nên mỗi khi rảnh, tôi vẫn hay dẫn bạn bè đến đây ăn", anh Hoàng (khách quen của quán) cho biết.