Túc trực 24/7, hết lòng vì sự an toàn của anh em
Hơn 20 năm điều hành doanh nghiệp in ấn và xuất nhập khẩu, thế nhưng khó khăn trên thương trường đã khiến công ty của chú Nguyễn Ngọc Văn (57 tuổi, Hà Nội) dừng hoạt động. Tạm thời chọn công việc tài xế công nghệ để lo cho gia đình, khi ấy chú Văn vẫn nung nấu hy vọng xây dựng lại công ty. Vậy mà ngày qua ngày gắn bó với nghề cầm lái, bác tài "bất đắc dĩ" bỗng yêu công việc này lúc nào không hay. Lý do lớn nhất đến từ việc chú thường xuyên được ở bên gia đình. Nhờ vậy, chú Văn tìm lại cảm giác "bình yên" lạc mất bấy lâu.
Chạy xe công nghệ là "duyên lành" đưa chú Văn đến cuộc sống lạc quan hơn.
Là thành viên nòng cốt của Đội Cứu hộ 247, có năm mùng 1 Tết, thấy một tài xế nhắn tin xin hỗ trợ, chú liền lấy xe chạy tầm 7 cây số đến chỗ anh tài xế này. Đến nơi, thấy tài xế bị chết bình ắc-quy, chú Văn nhanh chóng lấy đồ nghề ra trợ giúp. Hộ tống xe bị sự cố về tận nhà, "Vợ chồng tài xế mừng lắm nên cảm ơn rối rít. Nào là đưa lì xì, rồi mời ăn cơm, nhưng chú cũng xin phép đi về. Chú thấy gia đình họ được về sớm quây quần ngày Tết, nên cũng mừng!", chú Văn bộc bạch.
"Rồi đợt COVID-19, chú và các anh em trong Đội Cứu hộ cũng tham gia vào chiến dịch phun khử khuẩn xe cho các tài xế ô tô Grab. Mình còn phát lương thực hỗ trợ cho anh em tài xế, rồi là lắp màn chắn,...", chú Văn nói thêm. Kiêm nhiệm vai trò đội phó Đội tài xế Grab G7, với khẩu hiệu "G7 nơi tình cảm gắn kết", bác tài này coi công việc cứu hộ có phần vất vả nhưng là cơ hội để trao đi sự quan tâm của bản thân tới anh em đồng đội.
Nhiệm vụ của Đội phó với chú Văn không phải là "điều hành", mà là "sẻ chia tình cảm".
Nhìn lại quãng thời gian 8 năm đã qua, chú Văn tâm sự: "Chú tin vào quan niệm của Phật giáo rằng con người đều có nhân duyên. Có thể giai đoạn trước, mình gặp duyên xấu. Qua cái duyên ấy rồi thì mình đến một cái duyên lành, đối với chú đó là được bén duyên với Grab." Trở thành tài xế công nghệ đã cho chú một cuộc sống "thoải mái về tinh thần" và gặp được những người đồng nghiệp thân thiết, dễ mến.
Miệt mài "truyền lửa" nghề cho thế hệ kế cận
Tương tự như chú Nguyễn Ngọc Văn, chú Nguyễn Tiến (66 tuổi, TP.HCM) cũng tìm thấy cho mình "niềm vui" tuổi xế chiều từ việc dẫn dắt những "đứa con" trong "đại gia đình thứ hai". "Hơn 20 năm làm công việc văn phòng, đến khi nghỉ hưu, nhờ làm tài xế công nghệ mà tôi mới được sống 'khác'!", chú Tiến tâm sự.
Nhớ về cơ duyên đến với công việc, chú Tiến kể rằng khi vừa nghỉ hưu, chú quyết định sắm cho mình một chiếc điện thoại thông minh để giải trí những lúc rảnh rỗi. Vốn đam mê tìm hiểu công nghệ, lại có quỹ thời gian dư giả trong ngày, nên khi bắt gặp tin tuyển dụng đối tác tài xế của Grab, chú Tiến liền thử đăng ký.
Với vai trò Đội trưởng Tổ đội Huyền Thoại, kinh nghiệm "bỏ túi" được bác tài U70 chia sẻ cho nhiều tài xế công nghệ mới vào nghề. Từ đây, chú Tiến bỗng có thêm đàn con gọi mình bằng "bố". "Chú biết gì chú dạy hết, nên chúng nó hoạt động hiệu quả hơn, có thu nhập ổn định để duy trì việc học, cuộc sống gia đình. Có nhiều đứa học ra làm bác sĩ, mua đất, mua nhà rồi lấy vợ nữa kìa.", chú Tiến tự hào kể về "những đứa con" của mình.
Nhờ chạy xe công nghệ, bác tài U70 biết thêm nhiều ngõ hẻm Sài Gòn
Sau hơn 8 năm gắn bó với công việc, chú Tiến tự đúc kết cho mình "bí kíp" chạy "rất khác người", chú kể, "Chú chạy trong hẻm không à! Chạy theo bản đồ thì đâu có biết những đường đó, mình phải dành thời gian tìm kiếm, quan sát những đường tắt." Không cần chạy nhanh, nhưng quãng đường chở khách của chú Tiến bao giờ cũng ngắn hơn, tiết kiệm thời gian hơn. Khách hàng ngồi trên xe phải cảm thán "Ủa sao chú biết đường này hay vậy?!"
Dù ở tuổi xế chiều, chú Tiến vẫn miệt mài dẫn dắt Tổ đội Huyền Thoại.
Nhìn lại hành trình gần một thập kỷ của mình, người tài xế bùi ngùi: "Nhờ tham gia Grab, chú mới được khám phá tận cùng ngõ, hẻm khắp hơn 20 quận huyện của Sài Gòn, mới tiếp xúc với nhiều anh chị em tài xế khác để mà nâng đỡ, phần nào giúp cuộc sống của họ đỡ khổ." Hiện nay, khi cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn, tuổi cũng đã cao nên chú Tiến không còn chạy xe với tần suất như xưa. Thế nhưng, khi có tài xế mới cần hướng dẫn, chú Tiến vẫn nhiệt tình chạy xe cùng để trực tiếp chỉ bảo họ.