Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Vĩnh Phúc vừa có báo cáo về tình hình dịch trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tính đến chiều ngày 13/2, tỉnh ghi nhận 976 ca mắc COVID-19 nâng tổng số ca mắc là 18.957 ca. Trong số những ca mắc trong ngày có đến 640 ca mắc ngoài cộng đồng, 25 khu cách ly; 311 cách ly tại nhà/ khu phong tỏa.
Số bệnh nhân đã được điều trị khỏi: 11.532 bệnh nhân (tăng 22). Số bệnh nhân tử vong: 11 bệnh nhân.
Để giữ thành quả phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh trong thời gian qua, không để dịch COVID-19 vượt tầm kiểm soát, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động theo dõi, bám sát tình hình, chuẩn bị các kịch bản, giải pháp để ứng phó hiệu quả với diễn biến dịch bệnh; tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã đề ra theo các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh; quyết liệt, nhất quán thực hiện đa mục tiêu trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Quan điểm trong chuyển trạng thái phòng, chống dịch COVID- 19 là ‘thích ứng, linh hoạt, hiệu quả, an toàn” nhưng phải đồng bộ trong đề ra các quy định và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, trong mọi hoạt động, ở tất cả các lĩnh vực, phạm vi, ở các cấp, các ngành, cơ quan, doanh nghiệp. Với tỷ lệ người nhiễm SARS-CoV-2 trên dân số khá cao như hiện nay, trong khi năng lực các cơ sở điều trị COVID- 19 tập trung có giới hạn; thống nhất triển khai thực hiện việc song song điều trị F0 tại các cơ sở điều trị và điều trị F0 tại nhà/nơi lưu trú ở tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích điều trị tại nhà với các trường hợp đủ điều kiện theo hướng dẫn của ngành y tế.
Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã chủ động chỉ huy, điều động các lực lượng: Mặt trận tổ quốc, các tổ chức đoàn thế, các lực lượng tình nguyện bổ sung vào lực lượng tham gia theo dõi, điều trị F0 tại cơ sở do BCĐ cấp xã, trạm y tế xã trực tiếp chỉ huy.
Ngành Y tế, UBND các huyện, thành phố và cơ quan liên quan phải chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các điều kiện về trang thiết bị, vật tư, thuốc chữa bệnh, lực lượng phục vụ điều trị F0 tại nhà/nơi cư trú; đồng thời duy trì hoạt động hiệu quả các bệnh viện dã chiến, các cơ sở điều trị COVID-19 tập trung nhằm hạn chế thấp nhất số ca chuyển nặng, số ca tử vong.
Giao Sở Y tế (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo) nắm sát diễn biến tình hình dịch bệnh trên cả nước và địa bàn tỉnh; đánh giá toàn diện, dự đoán diễn biến dịch bệnh trong thời gian tới để có báo cáo, đề xuất tổng thể với UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh việc ứng phó, chuyển hướng thích ứng với điều kiện cụ thể hiện tại, đảm bảo hiệu quả, an toàn, đồng bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trong điều kiện mới hiện nay.
Tiếp tục tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thần tốc Chiến dịch tiêm vắc xin mùa Xuân năm 2022, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả và đạt các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố rà soát không để sót đối tượng để đảm bảo tiêm phủ vắc xin đạt tỷ lệ cao nhất. Chủ động, sẵn sàng tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi khi có vắc xin được phân bổ.