Tuần Lễ Thời Trang - với người Việt Nam nói chung và giới mộ điệu thời trang nói riêng, vẫn là cụm từ nghe không lạ nhưng cũng chẳng mấy quen. Chỉ cần biết chút ít về thời trang, chắc chắn ai ai cũng đã một lần nghe đến các Tuần lễ thời trang đình đám diễn ra thường niên tại 4 kinh đô thời trang lớn trên thế giới, tuần tự từ New York, London, Milan cho đến Paris. Những quốc gia khác đang trên đà phát triển mạnh về thời trang đã tự đứng ra tổ chức những Tuần lễ thời trang riêng để mở rộng cơ hội cho các nhà thiết kế trong nước. Việt Nam cũng là một trong số đó.
Thế là Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam ra đời với vai trò xoay chuyển nền thời trang Việt Nam vào đúng quỹ đạo đối với thời trang quốc tế. Nhìn chung, đây là một tin vui đối với giới mộ điệu nước nhà. Nhưng dường như cũng vì là lần đầu tổ chức nên sự kiện này không thể tránh khỏi những “hạt sạn” đáng tiếc. Nhân thời điểm Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam vừa khép lại, hãy cùng nhìn nhận một cách tổng quan về chuỗi sự kiện đình đám này:
5 cái hay
1. Điểm đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một chiếc cầu nối, đưa tên tuổi của các nhà thiết kế trong nước cũng như ngoại quốc đến gần hơn với đại đồng công chúng. Vốn những show diễn thời trang chẳng còn mấy xa lạ đối với Việt Nam, nhưng Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam là cơ hội tốt cho nhà thiết kế trẻ hay những người chưa có đủ tiềm lực đứng ra làm chương trình riêng mang tên mình. Từ đây, những cái tên như Adrian Anh Tuấn, Chung Thanh Phong, Li Lam, Lý Giám Tiền... dần trở nên quen thuộc đối với những ai say mê thời trang.
Bên cạnh đó, giới mộ điệu còn được thưởng lãm những sáng tạo mới nhất từ các NTK danh tiếng trên trường quốc tế như Zio Song (Song Zio), Tsolo Munkh, Tamae Hirokawa (Sormata)... và họ cảm thấy thực sự thỏa mãn. Minh chứng tiêu biểu nhất là không một chiếc ghế nào trống trong show diễn cuối cùng của Defined Moment Couture hay Song Zio, thậm chí, khán giả còn sẵn lòng đứng trên hàng cao nhất của khán đài nhằm có cơ hội chiêm ngưỡng những giá trị thời trang đích thực mang tầm quốc tế.
2. Đúng như cam kết từ đầu, Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam đã đảm bảo đúng quy trình casting như các Tuần lễ thời trang khác trên bản đồ thế giới. Ban tổ chức tuyên bố nói không với các người mẫu, thậm chí cả vedette nếu họ không tham gia casting như tất cả các người mẫu khác nhằm tiên phong tạo ra một môi trường thời trang chuyên nghiệp cho tất cả các người mẫu tham gia. Người mẫu nào không theo đúng quy trình casting đều không được góp mặt trong show diễn vốn có lịch tập dượt và ráp sân khấu cực kì bài bản và khắt khe. Đây là một điểm đáng hoan nghênh, một bước ngoặt trong thị trường vốn còn bị mặc định là “ao làng” như nước ta.
Hoàng Thùy – một trong những chân dài phủ sóng khắp Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam.
3. Đường runway của Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam cũng là một điểm sáng không thể bỏ qua. Mô tả sơ bộ, sân khấu này là giao điểm hoàn hảo giữa ý tưởng thuần Việt (chiếc nón lá) và một thiết kế hiện đại, kỹ thuật tân tiến. Với chiều dài 30 mét và được làm từ chất liệu có thể bắt sáng, đường runway sẽ thay đổi màu sắc, ánh sáng theo phong cách chủ đạo của bộ sưu tập. Bên cạnh đó, đường runway còn được bố trí ánh sáng trắng theo tiêu chuẩn của các sàn diễn thời trang hàng đầu thế giới. Và có thể nhận định rằng, chưa bao giờ chúng ta có được một sân khấu thời trang "Việt Nam" đến nhường ấy!
Sân khấu được bố trí ánh sáng trắng theo tiêu chuẩn của các sàn diễn thời trang hàng đầu thế giới và lấy cảm hứng từ chiếc nón lá truyền thống của người Việt.
4. Hàng ghế đầu tạo nên sức hút của từng show diễn nói riêng và Tuần lễ thời trang nói chung. Đây cũng là yếu tố hấp dẫn của Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam, khi ngày ngày công chúng được thấy sự hiện diện của những ngôi sao bậc nhất Vbiz như Hoa hậu Đặng Thu Thảo, Linh Nga, Trương Ngọc Ánh... và thậm chí là những tên tuổi “hot” trong giới trẻ như Angela Phương Trinh, Sơn Tùng M-TP. Nhìn chung, dàn sao Việt ngự trị hàng ghế đầu với gout thẩm mỹ tương đối văn minh. Hầu như không có bất kỳ “sự cố” nào về váy áo của sao như vẫn thường xảy ra tại các sự kiện thời trang trước đó.
Từ những cái tên hạng A như Linh Nga…
… hay những gương mặt “hot” như Angela Phương Trinh đều hiện diện tại đây.
5. Bạn ngưỡng mộ những tín đồ street style ngoại quốc? Bạn mong muốn phong cách thời trang của mình được ghi lại và công nhận? Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam là một nơi như thế. Xuyên suốt Tuần lễ là những cơ hội để
các bạn trẻ thể hiện cá tính ăn mặc của mình qua ống kính của hàng loạt phó nháy tại đây. Chính sự góp mặt của những anh chàng cô nàng sành mặc đã mang lại một nét riêng khó lẫn cho Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam.
Không nằm ngoài sự mong đợi, phong cách street style thú vị của Kelbin và một số bạn trẻ khác đã trở thành món gia vị hấp dẫn của chuỗi sự kiện.
4 cái dở
1. Yếu tố “quốc tế” trong cái tên Tuần lễ thời trang có lẽ chỉ hiện diện trong những BST của các nhà mốt ngoại quốc hoặc, may ra, tồn tại trong các thiết kế được “cộp mác” Công Trí – NTK lão luyện hàng đầu Việt Nam và là tên tuổi đầu tiên gia nhập Hiệp hội thời trang cao cấp châu Á. Có một khoảng cách quá lớn giữa sức sáng tạo của các thương hiệu trong nước và nước ngoài. Trong khi những cái tên như Song Zio, Frederick Lee hay Sormata khiến giới mộ điệu phải trầm trồ trước kỹ thuật xử lý chất liệu, những kiểu dáng độc đáo thú vị nhưng vẫn đảm bảo tính ứng dụng hay phương pháp kết hợp lớp lang đầy hiệu quả thì các NTK trong nước vẫn ẩn mình sau lớp vỏ an toàn.
Đơn cử như BST “Hoa” của NTK Lê Thanh Hòa. Tuy cầu kỳ và tỉ mỉ nhưng cũng chẳng khó để khán giả nhận ra rằng “Hoa” chỉ là một chuỗi hồi ức chắp vá những thiết kế đã tạo nên tên tuổi cho anh từ xưa đến nay, từ những thiết kế đầm ren cho đến chi tiết xếp bèo nhuyễn tạo khối 3D. Tương tự, Hoàng Hải cũng mắc kẹt trong những sáng tạo của chính mình. “Thánh đường” của Hoàng Hải hầu như không có gì mới, vẫn lẩn quẩn trong hàng loạt mẫu đầm đuôi cá và chất liệu xuyên thấu hay đính đá mà ai ai cũng quen mắt từ gần… chục năm nay.
Loạt đầm ren của Lê Thanh Hòa không có đột phá trong ý tưởng. Công chúng vốn đã quá nhàm mắt với những thiết kế như thế này. Bên cạnh đó, kiểu dáng đầm xếp bèo hay vạt mullet của anh cũng không khác gì các thiết kế đã từng được diện bởi Hoa hậu Thu Thảo hay Angela Phương Trinh.
“Thánh đường” của Hoàng Hải cũng bị so sánh như là sự chắp ghép những thiết kế mà anh đã từng thành công.
Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là Hoàng Minh Hà. “Lady” của Quán quân Project Runway là một phiên bản hiện đại nhưng chưa tới của những thiết kế “New Look” vốn gắn liền với nhà mốt Dior. Kể cả khi anh có thừa nhận rằng đã học hỏi, tham khảo tinh thần của Dior về tổng thể và phát triển nó lên thì phần đông công chúng vẫn khó có thể trầm trồ trước những đứa con tinh thần mới về thời đại nhưng cũ kỹ về mặt ý tưởng của anh.
Hoàng Minh Hà lại tự tin ra mắt một loạt các thiết kế mang âm hưởng Dior.
2. Phải chăng vì quá chú tâm vào váy áo và các NTK Việt quên bẵng đi mất một phần linh hồn của trang phục: phụ kiện. Quanh đi quẩn lại là những đôi pump màu đen, trắng hoặc nude “vô thưởng vô phạt” hay giày ankle-strap đơn giản nhằm đảm bảo phù hợp với mọi loại trang phục. Thậm chí, một nhân vật có tiếng còn nhận xét rằng giày dép chẳng hề liên quan gì đến trang phục và mong BTC duyệt từng “look” kỹ hơn. Chính những chi tiết này đã vô tình làm “thường” cả một bộ trang phục, đồng thời “đồng bộ hóa” các BST khác nhau mặc dù chúng không hề kết nối với nhau về ý tưởng.
Các thiết kế đa dạng về ý tưởng và kiểu dáng nhưng đều có “điểm chung” là những đôi giày.
3. Câu chuyện muôn thuở của Việt Nam là giờ giấc, và “tật xấu” này tiếp tục hiện diện tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam. Đến nỗi nhiếp ảnh gia nổi tiếng Phạm Hoài Nam phải lên tiếng chê bai trên trang cá nhân của mình. Theo nhiếp ảnh gia thì việc mở màn đúng giờ là việc làm tối thiểu cần có để tôn trọng người xem. Thế nhưng, chương trình đã muộn đến gần 1 tiếng với lý do là… khách VIP và nhà tổ chức bận ăn tiệc chưa xong. Đây là một trong những yếu tố giảm phần nào độ chuyên nghiệp đang mong muốn được khẳng định của Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam.
Những chia sẻ đầy bức xúc của nhiếp ảnh gia Phạm Hoài Nam về sự cố trễ giờ của BTC.
4. Có lẽ mới tổ chức lần đầu nên BTC còn “hào phóng” trong khoản phát vé mời, đến nỗi, số vé vượt xa số ghế. Ở đây, đêm diễn cuối cũng chính là minh chứng rõ nét. Một số lượng không nhỏ “tín đồ thời trang” lũ lượt kéo đến với tâm lý “xem cho biết” cộng hưởng với sự yếu kém từ khâu sắp xếp của BTC dẫn đến việc có không ít khách mời quan trọng và giới biên tập viên đứng như trời trồng vì chỗ ngồi của mình đã không còn. Số khác lại đứng lố nhố tựa như đang xem tạp kỹ. Đây là điều hầu như không bao giờ xảy ra tại những show diễn chuyên nghiệp.
Có quá nhiều “fashionista” và sự yếu kém trong khâu sắp xếp dẫn đến việc thiếu ghế trầm trọng cho khách mời.
Tạm kết
Là Tuần lễ thời trang quốc tế đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này, Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam đã chứng tỏ tầm ảnh hưởng, sức hút cũng như góp phần đưa thời trang Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Tuy còn nhiều “sạn” nhưng âu cũng chấp nhận được, bởi “vạn sự khởi đầu nan” là lẽ dĩ nhiên. Một cái nhìn tổng quan không nhằm mục đích “dìm hàng”, mà với mong muốn đóng góp những ý kiến thiết thực nhất nhằm giúp Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam hoàn thiện đẳng cấp và tính chuyên nghiệp như mong muốn ban đầu của tất cả chúng ta – những ai đã trót yêu cái đẹp, thời trang và luôn khát khao một nền công nghiệp không khói xứng tầm quốc tế.