Theo thời gian, các tiêu chuẩn về sắc đẹp cũng dần thay đổi bởi sự ảnh hưởng của đà bùng nổ công nghiệp thời trang và công nghiệp mỹ phẩm. Điển hình, nếu như trước kia ngoại hình đẹp phải là khuôn mặt trái xoan với "hệ thống" tỉ lệ cân đối và nước da sáng, thân hình đầy đặn một chút thì ngày nay, các nhà thiết kế thời trang và giới tiếp thị mỹ phẩm đã khuôn định tiêu chuẩn sắc đẹp thời đại: vẫn nước da trắng bóc nhưng đi kèm với thân hình thanh mảnh và khuôn mặt V-line.
Chính bởi quan niệm nhan sắc mới mẻ này đã dẫn đến trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ độn cằm mà từ người thường cho đến các ngôi sao trong làng giải trí đều đua nhau thực hiện. Ai cũng đều có xu hướng muốn sửa sang chiếc cằm tự nhiên của mình. Tỷ lệ cân đối giữa cằm, mũi dường như quyết định đến toàn bộ gương mặt. Thế nhưng không phải ai cũng đều có một chiếc cằm như ý sau khi phẫu thuật bởi công chúng đã không ít lần chứng kiến những chiếc cằm "kỳ lạ", điển hình nhất là
cằm của hot girl Kelly.
Tạm gác những vấn đề phía sau chiếc cằm đã "dao kéo", hôm nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về các phương pháp độn cằm đang phổ biến nhất hiện nay.
Phương pháp dao kéo
Phương pháp này được hiểu nôm na là bác sĩ sẽ đưa một miếng chất liệu độn (thường sử dụng là Silicone định hình, Gore-tex, Medpor... ) vào bên trong cằm bạn, tạo nên một khuôn cằm mới cho mặt. Phẫu thuật được thực hiện dưới phương pháp gây tê tại chỗ, thời gian thực hiện khoảng 30 phút. Có hai loại phẫu thuật độn cằm phổ biến nhất là:
Rạch từ ngoài
Với phương pháp này, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường phía ngoài da rồi nhét miếng silicone vào bên trong. Cách này đơn giản hơn nhưng có thể để lại sẹo ẩn lâu dài.
Rạch từ trong
Bác sĩ sẽ rạch và đưa miếng silicon từ bên trong miệng bạn, cụ thể là ở nướu dưới. Cách này không để lại sẹo lộ bên ngoài, tuy nhiên lại dễ nhiễm trùng và đòi hỏi bạn cần chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng sau khi phẫu thuật.
Bên cạnh đó còn có phẫu thuật chỉnh hình cằm: Xương cằm được cắt theo chiều ngang và đưa ra phía trước. Ở phương pháp này đường viền ngang xương cằm được giữ nguyên nên hình dáng cằm có vẻ tự nhiên. Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân. Cần chụp X-quang và phân tích đánh giá hình thái cấu trúc xương mặt trước phẫu thuật. Nghe đơn giản, nhưng phẫu thuật độn cằm tạo nên sự đau đớn lâu dài hơn nâng mũi rất nhiều và thường mất 1-3 tháng để phục hồi. Nếu không có đủ quyết tâm để theo đuổi cái đẹp thì đừng vội nghĩ đến phương pháp phẫu thuật đầy đau đớn này. Chi phí cho phẫu thuật độn cằm dao động từ 15-30 triệu, tùy uy tín và trình độ của từng thẩm mỹ viện.
Phương pháp không dao kéo
Chất làm đầy
Không phải trải nghiệm cảm giác đau đớn mà kết quả lại tức thì, đó chính là đặc tính của phương pháp độn cằm "không dao kéo" - Radies. Đây là công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ và đã được các chuyên gia thẩm mỹ trên khắp thế giới đánh giá khá cao trong việc độn cằm. Đó là 1 chất hóa học khá thân thiện với cơ thể con người và có khả năng tự hấp thụ, thích ứng cao. Đặc biệt, do tính chất đậm đặc hơn so với các chất làm đầy bằng Acid Hyaluronic khác nên tính đàn hồi của Radies cũng vượt trội hơn hẳn. Chất này sẽ được bác sĩ tiêm trực tiếp vào cằm để nắn lại khuôn cằm như ý một cách tự nhiên nhất, chỉ tốn từ 5-10 phút.
Các bước tiến hành bao gồm: thăm khám và vạch những đường cơ bản trên cằm nhằm xác định khuyết điểm của cằm và định hình khuôn cằm mới, sát khuẩn và gây tê rồi tiến hành tiêm Radies. Sau khi hoàn thành tiểu phẫu, khuôn cằm như ý sẽ được tạo hình ngay lập tức. Cằm không hề bị sưng, đau đớn hay để lại dấu vết nào. Mức phí dao động từ 10-20 triệu.
Bên cạnh Radies còn có mỡ tự thân, Collagen, Scultra, Aqualift... và đặc biệt là Filler. Chất làm đầy Filler đang tạo nên một cơn sốt làm tất thảy người đẹp phải quan tâm với những tác dụng như một "thần dược": nâng ngực, nâng mũi, xóa nhăn, tạo dáng cằm...
Thực chất Filler là chất làm đầy có tác dụng trẻ hóa làn da và nâng mô vùng mặt, giống như collagen dạng lỏng với hơn 90% là nước muối sinh lý. Tương tự như Radies, nếu ngưng sử dụng, sẽ hình thành nếp nhăn nhiều hơn vì cấu trúc da đã bị thay đổi bởi Filler. Da mất độ đàn hồi, quá trình lão hóa tự nhiên của tế bào phát triển mạnh. Nghĩa là làm đẹp cấp tốc bằng chất làm đầy thì bạn sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào nó cho đến lúc... già. Rất nhiều các ngôi sao đã chịu hậu quả thảm hại khi dùng các loại hóa chất quá thường xuyên.
Ở Kbiz, Park Bom (2NE1) thường xuyên được đem ra làm dẫn chứng cho việc lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ và sử dụng các chất làm đầy quá đà.
Mặt nạ V-line
Dù đang khá rầm rộ trên những trang bán hàng trực tuyến hay được rỉ tai nhau nhưng tác dụng của mặt nạ V-line chưa được kiểm chứng rõ ràng. Theo lời quảng cáo, chỉ cần đắp mặt nạ đều đặn tuần 2-3 lần là đã giúp khuôn mặt bạn loại bỏ được đống mỡ thừa không cần thiết, chiếc cằm cũng theo đó mà đúng chuẩn V-line. Cụ thể, loại mặt nạ này hỗ trợ điều chỉnh hình dáng khuôn mặt, tan mỡ dư thừa, nâng cơ mặt, ngăn cản sự chảy xệ. Hiện mặt nạ V-line đang trở thành trào lưu làm đẹp mới bởi nó chỉ tốn một chi phí khá "bèo" so với các phương pháp độn cằm khác. Tuy nhiên bạn cũng cần cẩn trọng để tránh bị "tiền mất, tật mang" với phương pháp này.