Phim tài liệu về thời trang bình dân gây rúng động thế giới

Ichi, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 29/05/2015
Chia sẻ

Đằng sau cái gọi là "thời trang cho mọi người" với mức giá rẻ bèo là hình ảnh trẻ em bị dị hình do việc phun thuốc trừ sâu trong vành đai trồng bông hay hàng núi quần áo bị bỏ đi ở Haiti...

Phải chăng đã có quá nhiều những thứ đẹp đẽ, hợp thời trang đang tràn ngập trên thị trường và xếp đầy tủ quần áo của mọi người? Chẳng phải có những món đồ mua về mà mới được diện một hai lần, hoặc thậm chí vẫn đang chờ được "bóc tem"? Đó chính là "thời trang nhanh" (fast fashion) - thứ thời trang được các thương hiệu bình dân sản sinh ra với mục đích tạo nên một thứ gọi là "thời trang cho tất cả mọi người", ai ai cũng có thể trở nên hợp mốt và phong cách chỉ với một khoản tiền be bé xinh xinh. Nhưng tất nhiên, cái gì cũng có hệ quả.



Đó chính là lý do The True Cost - một bộ phim tài liệu về thời trang bình dân ra đời. Những người làm phim đã đưa ra một câu hỏi cho các tín đồ của thời trang bình dân: có phải chúng ta mua sắm quá nhiều trong khi trả quá ít cho những người thực sự làm ra các sản phẩm ấy?


Đúng như cái tên của mình, The True Cost chỉ đơn thuần nêu lên những sự thật mà hầu hết trong đó đều đau lòng. Xuyên suốt bộ phim là những thước phim đầy ám ảnh về vụ sụp đổ chết hơn 1000 người của nhà máy Rana Plaza ở Bangladesh vào tháng 4 năm 2013, hình ảnh trẻ em bị dị tật do việc phun thuốc trừ sâu trong vành đai trồng bông cotton ở Ấn Độ, hình ảnh sông Ấn Độ nổi đầy bọt hóa chất hay hàng núi quần áo bị bỏ đi ở Haiti.


The True Cost nêu lên những sự thật mà hầu hết trong đó đều đau lòng về thời trang bình dân.



Andrew Morgan chính là nhà làm phim đã đưa người xem tiếp cận các giá trị thực tế của thời trang bình dân. Khi được hỏi về ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu, ông chia sẻ rằng mọi thứ ập đến khi ông trông thấy tấm hình trên bìa tạp chí New York Times. Đó là hai đứa trẻ - tầm độ tuổi con trai ông - mong ngóng người thân khi đứng trước đống đổ nát ở Rana Plaza. Khung hình đầy ám ảnh này đã thôi thúc ông thực hiện The True Cost: "Khi bắt đầu đọc bài báo về sự kiện nhà máy bị sụp đổ và gây nên cái chết thương tâm cho hàng ngàn người phụ nữ đang làm công cho một thương hiệu mà tôi biết; tôi tự hỏi rằng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, làm sao để chúng ta có thể tạo nên áo quần mà không làm ảnh hưởng đến sinh mạng con người? Điều đó thôi thúc tôi muốn đào sâu hơn để tìm ra sự thật."

Hình ảnh người nông dân Ấn Độ phun thuốc trừ sâu trong vành đai trồng bông cotton ở Ấn Độ trong điều kiện thiếu bảo hộ lao động.

Không chỉ khắc họa chân thực những tai nạn thương tâm, The True Cost còn cắt xẻ định nghĩa "thời trang nhanh" từ những góc cạnh ít ai biết đến: công nhân bị bóc lột sức lao động một cách vô nhân đạo, hay bị đẩy vào trong môi trường làm việc đầy rẫy những hiểm họa về bệnh tật cũng như gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh - những yếu tố này đều không được tính trong giá thành sản phẩm bán ra.. "Tôi tin rằng những quần áo này được sản xuất từ máu của chúng tôi", Shima Akhter, một công nhân nhà máy ở Bangladesh phát biểu trong phim.


Những người công nhân làm việc trong các nhà máy ở Bangladesh chỉ được trả mức tiền công bèo bọt, thậm chí không bằng cả một chiếc áo thun mà họ làm ra.

Một vài con số thực tế cũng đáng báo động khác được đề cập đến trong The True Cost. Nếu như thập niên 60s, nước Mỹ tự sản xuất 95% quần áo thì ngày nay, chỉ có 3% xuất phát từ nội địa và 97% còn lại đến từ các nước nghèo, đang phát triển. Hoặc, một thương hiệu thời trang bình dân lớn có trong tay đến 40 triệu nhân công nhưng trên thực tế, mỗi nhân công chỉ được trả 3$ (khoảng 65.000 đồng) cho một ngày lao động. Hiện có đến 80 tỷ sản phẩm quần áo được bán ra trên toàn cầu mỗi năm, tăng 400% so với cách đây 2 thập niên.

Bên cạnh đó, Andrew Morgan còn cảm thấy thất vọng khi không có được sự hỗ trợ từ H&M dù đã ngỏ ý. "Khi mới khởi đầu, tôi cảm thấy vô cùng lạc quan khi được hội thoại với những con người trong cuộc. Không chỉ liên lạc qua thư từ, chúng tôi còn gặp gỡ trực tiếp và trao đổi khá nhiều. Nhưng cuối cùng họ vẫn từ chối. Cũng dễ hiểu thôi, điều này quá mạo hiểm đối với họ."

Hãy suy nghĩ trước khi chạm tay vào những món đồ thời trang bình dân!
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày