Thương hiệu dường như là cách nhanh nhất để phô diễn tiềm lực tài chính cũng như đẳng cấp của người dùng. Vì vậy, các thương hiệu luôn định hướng rõ về phân cấp khách hàng của mình. Về vấn đề này, giám đốc điều hành của tập đoàn HSBC - Erwan Rambourg cũng đã nêu quan điểm: "Cấp độ thương hiệu mà bạn sở hữu còn quan trọng hơn cả số tiền mà bạn kiếm được."
Theo đó, Rambourg cũng đưa ra một biểu đồ kim tự tháp mà trong đó phân loại rõ cấp độ hiện tại của loạt mặt hàng xa xỉ, từ mức thấp nhất là cà phê Starbuck cho đến những viên kim cương với mức giá lên đến hàng triệu đô của thương hiệu Graff.
Biểu đồ kim tự tháp các thương hiệu được phân loại theo mức giá và đẳng cấp.
Điều dễ nhận thấy ở biểu đồ này là sự tụt hạng khá thê thảm của thương hiệu Louis Vuitton. Mặc dù đã có mặt trên 50 quốc gia với hơn 460 cửa hàng trên toàn thế giới, kèm theo báo cáo doanh thu đạt hơn 28 tỷ USD trong năm 2014, nhưng Louis Vuitton chỉ mấp mé giữa lằn ranh của thương hiệu cao cấp và trung cấp. Thậm chí, giới thượng lưu ở Trung Quốc đã quay lưng với thương hiệu đến từ nước Pháp để tìm đến mới những thương hiệu đắt đỏ hơn hoặc mang thông điệp đẳng cấp tốt hơn. "Louis Vuitton quá thường", một nữ tỷ phú Trung Quốc chia sẻ, "Ai cũng dễ dàng sở hữu nó. Tôi đang chuộng Chanel và Bottega bởi chúng trông xa xỉ hơn hẳn."
Gucci cũng đang đương đầu với vấn đề tương tự. Đã từ nhiều năm nay, thương hiệu nước Ý không còn xuất hiện trong Top những cái tên xa xỉ nhất làng mốt. Thay vào đó thì những sản phẩm "bespoke" (những món đồ được đặt hàng riêng) hay Bottega - thương hiệu đồ da kém tiếng tại châu Âu đang ngày càng được ưa chuộng.
Một tín đồ hàng hiệu khác còn chia sẻ: "Tôi mua những sản phẩm của Maison Ullens tại Paris. Đó là một thương hiệu của Pháp với các sản phẩm được gia công tại Ý. Khi tôi trở về Trung Quốc, các sinh viên đều hỏi rằng tôi mua quần áo ở đâu. Và hiện tại, ngôi trường mà tôi giảng dạy đã trở thành một "tụ điểm" Maison Ullens bởi sinh viên nào cũng yêu thích những món đồ xa xỉ đến từ thương hiệu đó."
Bên cạnh đó, Erwan Rambourg cũng khẳng định sức hấp dẫn đến từ những món đồ được thửa riêng theo từng đơn hàng, với tên gọi là Bespoke. Sự quyến rũ của "Bespoke" lớn tới mức nó đang có những ảnh hưởng mang tính chấn động, dựa trên nhu cầu được khẳng định mình thông qua những tuyệt phẩm không ai có, với hai ví dụ tiêu biểu nhất là thương hiệu kim cương Graff và Leviev. Chẳng trách vì sao Louis Vuitton
đã bị gọi là thương hiệu của những cô thư ký.
Nguồn: Business Insider