Khi John Waters nói đến "gu thẩm mỹ tồi tệ", đó là những phong cách thật sự khủng khiếp mà như ông viết "làm cho những kẻ kỳ quặc nhất cũng phải bối rối". Ví dụ? Áo sơ mi cao bồi trần họa tiết đàn ghi-ta hoặc đính hình nhện khổng lồ. Hay bộ đồng phục như dành cho... người huấn luyện chó với hình chú béc-giê Đức lớn sau lưng (chẳng phải Givenchy cũng có những thiết kế tương tự?). Nói rộng ra, đây chính là "thời trang đường phố vẻ vang" của giới trẻ, những sinh viên ngành mỹ thuật, thời trang; những người có thể không khéo nói chuyện xã giao nhưng mê đắm mình trong âm nhạc, phim ảnh và văn chương; thậm chí còn là đám thanh thiếu niên ngổ ngáo. Họ khoác lên người đồ cũ, đồ tự chế, đồ lính hay cả đồ rởm nữa, không màng đến tên thương hiệu, miễn là rẻ và lạ, cho vui, cho giống bạn bè, để nhờ quần áo nói hộ đôi lời cho bản thân hoặc đơn giản là để đua đòi chơi trội.
Hình ảnh quen thuộc trên phố mỗi dịp Tuần lễ thời trang diễn ra.
Thời trang đường phố một thời đồng nghĩa với lục lọi tìm tòi trang phục độc đáo, sự bất ngờ, phá tung trật tự để lập ra những quy luật mới. Và khi nó dần dần trở thành xu hướng được chấp nhận trong thời trang, các tín đồ của "gu tồi tệ" sẽ lại đi tìm những món đồ mới, để phân biệt mình với đám đông, để trông khác với bố mẹ của mình, như một cách để tạo nên bản sắc riêng của thế hệ.
Trong những năm gần đây, khi thời trang được kết nối bởi máy tính, mạng xã hội và điện thoại thông minh, mọi điều cấm kỵ cho việc ăn mặc sành điệu cũng trôi vào dĩ vãng. Việc diện từ đầu đến chân (kèm cả phụ kiện) một loại mô típ, một loại hoa văn nổi bật lặp đi lặp lại, hay chơi toàn tông màu rực rỡ, đã thể hiện rõ ràng rằng ở đây không hề có chuyện ngẫu hứng trong phong cách?
Hoặc ngược lại, pha trộn càng nhiều họa tiết và màu sắc, càng đối chọi, càng không khớp nhau, với tuyên ngôn "đây không quan tâm", càng tốt? Trang phục mặc dự tiệc buổi tối đem chưng diện từ sáng sớm tinh mơ và ngược lại, đi dự các sự kiện công cộng trong bộ đồ trông không khác gì bộ pyjama mặc trong nhà?
Sự cực đoan của phong cách cá nhân thể hiện rõ nhất khi được đặt bên cạnh các sàn diễn thời trang. Đây là nơi đội quân stylist, biên tập viên thời trang, các cô gái kiếm tiền nhờ việc ăn mặc sành điệu và giới blogger trong những trang phục đồ hiệu bắt mắt nhất cạnh tranh trước ống kính của các nhiếp ảnh gia (nhiều khi cũng chính là các blogger). Michelle Harper, người phụ nữ được tờ New York Times gọi là "bí hiểm" nhưng luôn được chào đón tại các show thời trang tiết lộ cô chỉ cần năm phút để thay bộ trang phục mới.
Michelle Harper
Diện vài món đồ trong ngày để làm giới chụp ảnh theo đuổi mê mệt chính là xu hướng mới nhất của các siêu fashionista đến từ Nga. Có thể kể đến bốn cô gái xứ Slav thường dừng chân tại khách sạn Ritz, thay đồ haute couture Paris hoặc của chính họ thiết kế vài lần trong ngày và không bao giờ quay mặt đi mỗi khi thấy ống kính máy ảnh. Đó là Elena Perminova - bạn gái của tỷ phú truyền thông người Nga Alexander Lebedev, Vika Gazinskaya - ngôi sao mới của làng thời trang Nga với các BST được bán tại Colette và Browns; và nhà báo thời trang Miroslava Duma. Hay Ulyana Sergeenko - vợ của tỷ phú bảo hiểm Nga Danil Khachaturov từ chỗ là người phụ nữ thu hút sự chú ý của công chúng bên ngoài show trở thành NTK tham gia Tuần lễ thời trang haute couture ở Paris. Tất cả họ được coi là những gương mặt của một phong cách Nga mới, không còn lộng lẫy đến mức tồi tệ do mặc cảm, tự ti như trong thập kỷ trước.
Ở thái cực kia của thời trang đường phố, đó là Susie Lau (hay Susie Bubble) - một trong những blogger thời trang đầu tiên. Cô được ngưỡng mộ bởi những bộ đồ sặc sỡ kết hợp họa tiết, màu sắc, quần áo vintage và đồ có logo, cũng như trang phục từ các nhà thiết kế mới ở London. Còn cô gái đến từ New York, Leandra Medine, chủ nhân của trang web The Man Repeller (tạm dịch là "Cô gái không ưa đàn ông") có hơn hai triệu rưỡi lượt xem hàng tháng, thì lại có phong cách phớt lờ nhu cầu thẩm mỹ của giới mày râu - quần bò thụng của bạn trai, quần đũng thấp, áo nỉ thể thao. Và ngôi sao mới nhất là Natalie Joos, đôi mắt “săn” người mẫu cho các show thời trang và là tác giả của blog Tales of Endearment (Chuyện kể về sự say mê), gây chú ý với các món đồ vintage.
Phong cách "hãy ngắm và chụp ảnh tôi đi" âu cũng nằm trong bản chất của thời trang đường phố nay dễ dàng kết hợp với "hãy nhớ lấy tên thương hiệu!". Các chuyên gia PR giúp lăng xê những ngôi sao mới, tặng quà, cho mượn phụ kiện hoặc ký hợp đồng để họ chụp ảnh quảng bá cho hàng loạt món đồ “sẽ làm bạn mê mệt”. Bạn có thể chiêm ngưỡng đồ hiệu tiêu biểu nhất cho mùa diễn vừa qua, đôi giày vừa mới xuất hiện trên sàn diễn vài ngày trước trông cũng thật đẹp khi xuất hiện trên phố, tuy đó thường là những món đồ nằm ngoài tầm với của đại đa số các fashionista. Nếu đó là các thiết kế của một thương hiệu "thân thiện" về giá cả hơn, bạn cũng không rõ tại sao người ta lại chưng diện nó một cách ồn ào như vậy. Vì mến mộ nhà thiết kế, theo đuổi phong cách riêng, hay vì được trả tiền quảng cáo?
Suzy Menkes, nhà báo thời trang kỳ cựu của tờ International Herald Tribune, trong bài viết trên phụ san T Magazine của tờ New York Times, gọi đây là "trò hề", khi các ngôi sao thời trang ăn diện chờ được lọt vào ống kính máy ảnh, còn các thương hiệu sử dụng họ như những tấm biển quảng cáo và PR. Liệu có cần phân biệt việc thể hiện tính cách với phô trương, khi trang phục chỉ một chút khác biệt thôi cũng đã gây sự chú ý? Liệu có nên phớt lờ cỗ máy thời trang đằng sau thú vui và sở thích của những người yêu thời trang? Tôi nghĩ tất cả phụ thuộc vào việc chúng ta có dám tin vào "gu thẩm mỹ tồi tệ" của chính mình hay không. Hãy để mắt đến những gì đẹp, mới và vui!