Tròn 4 năm trước đây, cả thế giới thời trang nín thở trước mệnh tồn vong nhà Dior chao đảo với ngai vàng bỏ trống sau lưng nhà thiết kế nổi tiếng ngạo ngược - John Galliano. Bernard Arnault buộc lòng chỉ định cánh tay phải của Galliano là Bill Gayten vào vai nhiếp chính, trong khi ngai sáng tạo chính thức được rao tìm người kế vị. Đó lại đã là một giai đoạn chông chênh đáng nhớ của cục diện thời trang toàn thế giới. Cho đến khi nhà thiết kế người Bỉ Raf Simons - vốn là một nhà thiết kế theo trường phái tối giản (minimalism), bất ngờ được bổ nhiệm vào chiếc ghế tối cao của quyền lực haute couture toàn thế giới.
Cách thức Raf Simons tiếp quản nhà mốt Dior đã từng là một bí mật đối với giới mộ điệu bởi trước đấy, nhà thiết kế này vẫn chỉ quen thuộc ở mạng thời trang ứng dụng (ready to wear). Chỉ đến hiện tại, những câu chuyện hậu trường về thời gian 8 tuần lễ Raf Simons và đội ngũ nghệ nhân thực hiện bộ haute couture đầu tiên mới được hé lộ thông qua bộ phim tài liệu "Dior và Tôi" (Dior and I) của đạo diễn Frédéric Tcheng. Được biết, đây cũng là vị đạo diễn đã gây tiếng vang với hai bộ phim tài liệu thời trang "Valentino: The Last Emperor" (2008) và "Diana Vreeland: The Eye Has To Travel" (2011). Điều đáng chú ý nhất là trong phim, nhà thiết kế vốn "thầm lặng" như Raf Simons đã bộc bạch những cảm xúc thật nhất của mình trong suốt quá trình trở thành con người nhà Dior.
Trailer bộ phim "Dior and I".
Một Raf Simons đầy ngại ngùng
Điều đầu tiên Raf Simons đã có thể làm, là gợi cho cả thế giới nhớ đến một Christian Dior phía sau những năm dài đầy hào quang điên rồ của Galliano. Khôn ngoan tránh né ảnh hưởng của nhà thiết kế tiền nhiệm, Raf Simons đã mất 4 tháng trong kho lưu trữ nhà Dior, 8 tuần để bắt tay thực hiện bộ sưu tập và 300.000 bông hoa tươi phủ ngập gian khánh tiết vào show diễn haute couture mùa Thu/Đông 2012, như một sự nhắc nhớ đến quyền năng trường tồn của thiết kế New Look.
Quyết liệt trong công việc là thế, nhưng đạo diễn của "Dior và Tôi" lại tiết lộ rằng Raf thực chất là một người đàn ông đa cảm và có phần rụt rè. "Ban đầu Raf đã từ chối. Ông không muốn tham gia vào việc công khai các hình ảnh của mình và xưởng may cho toàn thế giới biết. Với ông, thật không dễ dàng gì để đứng trước máy quay trong những thời kỳ khó khăn nhất trong sự nghiệp của bạn. Nhưng chúng tôi đã thuyết phục ông để chúng tôi quay thử trong 1 tuần và một khi nhận được sự đánh giá cao của ông, chúng tôi sẽ không chỉ tập trung vào ông ấy mà vào cả xưởng may, điều đó dường như có thể giúp ông ấy cảm thấy an tâm, tự tin hơn."
Thậm chí, đã có lúc áp lực dâng cao đến mức Raf Simons muốn trốn tránh hoàn toàn máy quay, lên mái nhà và... khóc. Chỉ đến khi nhà thiết kế người Bỉ và đạo diễn Frédéric Tcheng cùng ngồi trên một chuyến đi dài, trò chuyện cùng nhau từ thời trang cho đến những sở thích nhỏ nhặt nhất, thì Raf Simons mới cảm thấy thực sự an tâm với những gì Frédéric Tcheng đã làm.
Bên cạnh đó, bộ phim còn tiết lộ nhiều phần về tính cách của tổng lãnh nhà Dior. "Raf là fan của Plastikman và Nine Inch Nails. Khi ông vặn hết cỡ âm lượng, đó thực sự là cơn ác mộng đối với chúng tôi vì nó khiến chúng tôi không thể tiếp tục quay. Ông sẽ bật nhạc lên và hát theo lời bài hát rất to. Nhóm đồng nghiệp của ông thấy sở thích này của ông rất đáng yêu nhưng quả thực, họ cũng không thể tập trung làm việc được."
Đứng đầu nhà mốt xa xỉ bậc nhất nhưng Raf Simons lại có phong cách ăn mặc khá đơn giản và "công sở". Điều đặc biệt là Raf thích diện quần shorts. "Về mặt tâm lý, khi anh mặc quần short đến văn phòng, việc này sẽ đánh dấu 1 bước ngoặt trong bộ sưu tập đồ của ông."
Tuy bị phơi bày nhiều điều thầm kín nhưng Raf lại hoàn toàn ủng hộ "Dior và Tôi" - bộ phim tài liệu được thực hiện từ 270 giờ quay. "Sau khi quay, Raf gọi cho tôi và giải thích rằng ông không muốn làm phiền chúng tôi vì sợ ảnh hưởng đến những quyết định của tôi khi làm bộ phim này. Tôi nghĩ rằng điều đó đã cho thấy ông ấy là 1 người rất chu đáo."
Thành quả vĩ đại đến từ những con người nhỏ bé
Những chiếc váy haute couture là đỉnh cao của sự sáng tạo, kỹ nghệ, là tuyên ngôn thể hiện đẳng cấp của mỗi nhà mốt. Dior cũng là niềm tự hào của người Pháp vì chính nhờ thành công của nhà mốt này cùng những chiếc váy haute couture đỉnh cao mà thời trang Paris đã vực dậy sau chiến tranh, giành lại ngôi số một trên thế giới. Ngoài tầm nhìn của nhà thiết kế thì vai trò của những nghệ nhân trực tiếp thực hiện thời trang haute couture chiếm đến 50% thành bại của nhà mốt.
Frédéric Tcheng chia sẻ: "Những nghệ nhân nhỏ bé lại là những con người vĩ đại, là trung tâm của những gì tôi muốn thể hiện trong phim. Tôi bị hấp dẫn bởi những gì Raf làm ở Jil Sander. Tôi biết rằng, nếu anh ấy nhận việc tại Dior, bộ phim sẽ có tiềm năng lớn với sự gặp gỡ của hai nền văn hóa: Cách suy nghĩ hiện đại của Raf và cách những người con người nhỏ bé ở Dior tiếp cận. Tôi bị cuốn theo bởi tình cảm của những nghệ nhân ấy. Họ nói về một chiếc váy họ đang làm như chính đứa con của mình vậy. Vì thế, sẽ có những băn khoăn về truyền thống với hiện đại."
Vì thế, ngoài trọng tâm là những tâm tư của Raf Simons thì chân dung những nghệ nhân của Dior cũng được khắc họa rõ nét, kể cả thói quen uống Coke. "Tôi chưa bao giờ thấy những người uống quá nhiều Coke Zero như thế. Nhưng ở đây, dường như họ bị ám ảnh vì nó. Một hôm tôi thấy hàng trăm chai đã được gửi đến văn phòng và ngày hôm sau tất cả các chai đều hết và 1 thùng khác lại được chuyển đến. Mỗi ngày, khi mọi người ở đây nói chuyện với nhau luôn cần 1 chai Coke lạnh."
Nổi bật nhất là trợ lý của Raf - Pieter Mulier, hai thợ may trưởng Florence Chehet và Monique Bailly, hay Lu lu - nghệ nhân đảm trách phần cúc, khóa kéo và mannequin, cũng là người thích xuất hiện trước máy quay nhiều nhất. Họ là những con người luôn cống hiến hết mình cho công việc nhưng khiêm tốn vô cùng.
"Pieter là 1 người quan trọng không thể không nhắc đến. Ông quản lý rất nhiều việc và đặc biệt luôn nở 1 nụ cười. Ông đóng vai trò rất quan trọng, luôn rất quyến rũ, thậm chí mê hoặc tất cả mọi người. Ông đã tạo ra những điểm mấu chốt quan trọng cho xưởng".
Được biết, phim đã được công chiếu rộng rãi từ ngày 27/3 vừa qua.