... thì trang phục dạ hội của chị lại khiến không ít người phải thất vọng. Tạm chưa bàn về màu sắc, kiểu dáng, chỉ cần thấy những vết nhăn nhúm từ thân váy đổ xuống như vừa được lôi từ trong vali ra, không ít người sẽ chẳng ngạc nhiên khi Hoàng Anh mờ nhạt và "trắng tay" tại phần thi này.
Đây có thể được xem là một sơ suất nghiêm trọng của Hoàng Anh, thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp và bất cẩn của chị mặc dù đang là đại diện nhan sắc của một quốc gia. Chúng ta có thể thấy, khi được là lượt cẩn thận và phối hợp với kiểu tóc hợp lý thì chiếc váy có được vẻ đẹp, độ mềm mại, duyên dáng vốn có.
Không chỉ thế, Hoàng Anh còn gặp "trục trặc" trong phần thi trang phục biển và resort khi lựa chọn thiết kế váy không hợp với chủ đề cho lắm.
Góp mặt tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2012 vừa qua, trang phục dân tộc của Hoàng My cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi từ phía công chúng.
Dù mang trên mình nhiều biểu tượng văn hóa như Trống đồng Đông Sơn, chim Lạc... nhưng những đường cắt, xẻ táo bạo, các khoảng hở khiến trang phục này bị nhận định là gợi cảm thái quá, không hợp với hình tượng người phụ nữ Việt Nam.
Chiếc váy của Hoàng My mang đi để dự thi phần trang phục dạ hội cũng không hề tệ so với mặt bằng chung của các cuộc thi nhan sắc trong nước.
Trên thực tế, khi "đem chuông đi đánh xứ người", chiếc váy này đã không mang lại lợi thế cho Hoàng My như nhiều người đã mong đợi.
Theo đánh giá khách quan, trang phục của Hoàng My có màu sắc hút mắt nhưng thiết kế lại không mấy nổi bật. Những trang phục có thiết kế ấn tượng, phá cách của các người đẹp khác vô tình làm chiếc váy của Hoàng My trở nên đơn giản hóa và bị nhạt nhòa.
Có lẽ thiếu nét mới lạ chính là vấn đề của trang phục dạ hội của các người đẹp Việt. Chúng ta sẽ dễ dàng thấy rằng, chiếc váy của Hoàng My "hao hao" trang phục mà Trúc Diễm diện để thi tại Hoa hậu Quốc tế từ năm ngoái.
Tuy nhiên, Trúc Diễm lại có phần may mắn hơn khi thiết kế này được các nước bạn đánh giá rất cao.
Ngược lại, trang phục dân tộc của Trúc Diễm lại là nguyên nhân dẫn đến những cuộc tranh cãi. Thiết kế này được lấy ý tưởng từ mẹ Âu Cơ trong truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên và là khởi đầu cho trào lưu "game hóa" trang phục dân tộc. Rất nhiều người thích thú trước sự độc đáo, sáng tạo của nó những cũng không ít người cho rằng nó quá lạ mắt, khô cứng, không toát lên được vẻ đẹp truyền thống và đặc biệt là cực kỳ cồng kềnh (10kg). Sự kiệm vải của trang phục cũng làm không ít người thấy mất thiện cảm.
Theo sau "xu hướng" này là Ngọc Oanh tại cuộc thi Siêu mẫu Quốc tế. Một lần nữa, sự kết hợp nặng nề giữa kim loại và thổ cẩm khiến công chúng không quen mắt khi nhìn vào một tác phẩm lấy gốc là trang phục đậm chất truyền thống của nước nhà.
Không chỉ xuất hiện tại những cuộc thi sắc đẹp của nữ giới, Trương Nam Thành mới đây cũng gây xôn xao khi "khoe" trang phục dân tộc nặng 30kg lấy cảm hứng thì hình tượng Thánh Gióng trong dân gian Việt Nam. Mặc dù có sáng tạo nhưng khi nhìn vào anh, khán giả như thấy một nam nhân vật bước ra từ game online với giáp mũ lòe loẹt, hoành tráng và bộ đôi kiếm-khiên - 2 vật dụng vốn không có trong sự tích nguyên bản.
Tương tự, Quang Huân hóa thân thành một "chiến thần" dựa trên hình ảnh vua Hùng đời thứ nhất. Nhưng khi anh lọt vào Top 3 trang phục dân tộc, khán giả lại có suy nghĩ: phải chăng những bộ trang phục cầu kỳ, sặc sỡ và nặng nề thì mới có cơ hội lọt vào "mắt xanh" của BGK?
Trước thời đại của những thiết kế siêu thực, Tiến Đoàn với trang phục dân tộc được lấy cảm hứng từ... khố đã mang lại thứ hạng cao nhất cho anh trong cuộc thi Mr International. Mặc dù không mấy người đồng tình với bộ đồ theo tiêu chí "khoe" này nhưng cũng chẳng ai phủ nhận được thành quả mà anh đã đạt được.
Vĩnh Thụy cũng nối bước Tiến Đoàn nhưng không đạt được thành công như mong đợi. Lý giải điều này, ta có thể hiểu rằng sự giống nhau quá mức giữa hai trang phục dẫn đến việc thiếu sự đột phá, gây tẻ nhạt.
Trang phục truyền thống của Phan Thị Mơ thì bị ví như... một vũ công với thiết kế thiếu tinh tế, không mang tính nghệ thuật.
Đại diện của Việt Nam tại cuộc thi Nữ hoàng Du lịch Quốc tế - Hoàng Ngân cũng đánh đố công chúng với bộ trang phục dân tộc mang màu sắc... bí hiểm và khoe da thịt một cách hào phóng.
Đây cũng là trang phục dân tộc được "cộp mác" game online hoặc thời trang cosplay. Để tránh sự nhàm chán, đơn điệu, các người đẹp ngày càng "xẻo" trang phục dân tộc cũng như "đắp" vào đó tầng tầng lớp lớp những chi tiết rườm rà, chất liệu nặng nề để tạo sự nổi bật.
Bên cạnh những thiết kế gợi cảm, không ít người đẹp vẫn trung thành với trang phục đậm nét Việt Nam, chẳng hạn như áo dài. Ý tốt thì vẫn luôn ghi nhận, nhưng hiệu quả ra sao thì còn phải... xem xét.
Tiêu biểu trong đó là Lan Khuê với những chiếc áo dài cách điệu thừa màu sắc, loạn chi tiết và có thể dùng từ "diêm dúa" để diễn tả. Đó là còn chưa kể đến việc làn da ngăm của chị không hề ăn nhập gì với sắc độ của những thiết kế này.
Người đẹp Thúy Vi cũng từng bị chê không tiếc lời khi có lựa chọn sai lầm: một bộ áo dài cầu kỳ, rườm rà với đủ loại đính lông, đính đá. Vẻ đẹp của chị đã bị chiếc áo dài đậm chất "đồng bóng" này dìm tơi tả.
Mặc dù rất được lòng công chúng với vẻ đẹp và trí tuệ của mình nhưng hiếm ai đồng tình được với Thúy Vi trong trang phục này.
Vốn thường, áo tứ thân đã là một trang phục truyền thống tôn lên những đường nét gợi cảm, quyến rũ của phụ nữ Việt. Nhưng với thiết kế cách tân của Hoàng My tại Hoa hậu Hoàn vũ 2011, sự sexy còn được nâng lên gấp bội.
Bố cục, chi tiết của thiết kế này cũng không được đánh giá cao.
Còn đâu những bộ quốc phục mang đậm hơi thở dân tộc như chiếc áo dài đen sang trọng mà Hoàng Yến đã từng gây ấn tượng như tại Hoa hậu Hoàn vũ 2009...
... và đặc biệt là chiếc dài đen đuôi công, kết cườm và kim sa đã góp phần đưa Mai Phương Thúy lọt top 20 người đẹp diện trang phục dân tộc đẹp nhất?
Mới đây, hình ảnh Diễm Hương thử chiếc áo dài trắng tinh khôi trong khi đang hoàn tất quá trình chuẩn bị cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ đã làm dấy lên câu hỏi: đây sẽ là trang phục dân tộc tiếp theo mà chúng ta sẽ vinh dự mang ra thế giới để thi thố?
Nếu quả thật vậy thì đúng là một tín hiệu đáng mừng. Bởi sau một năm "bội thực" với những sáng tạo mang tính siêu thực, ngắn trên hở dưới thì một tà áo dài kín đáo, mỏng manh và có thiết kế tinh tế quả là điều cần thiết để khẳng định lại vị thế của cái đẹp truyền thống của Việt Nam trên đấu trường thế giới. Ai nấy cũng đều hiểu rằng, trong thời trang, cái đẹp luôn đến từ những gì đơn giản nhất.