Eternité - Đời người là hữu hạn, tình yêu là vĩnh cửu

Ân Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 16:00 14/09/2016

Tác phẩm "Eternité" thể hiện ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn mới của Trần Anh Hùng, lược bỏ gần hết cốt truyện, mâu thuẫn… để mở đường cho cảm xúc.

Trong thời gian gần đây, màn ảnh Việt rất ít khi công chiếu các phim Pháp. Thế nhưng Eternité là một ngoại lệ vì được đạo diễn bởi Trần Anh Hùng. Sinh năm 1962 tại Đà Nẵng, anh đến Pháp sinh sống và theo học ngành điện ảnh. Trong hơn hai thập kỷ, Trần Anh Hùng chỉ làm có sáu phim điện ảnh nhưng đủ để khẳng định tên tuổi trên mặt bằng thế giới. Bộ ba tác phẩm về Việt Nam của anh gồm Mùi đu đủ xanh (1993), Xích lô (1995) và Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) đều được đánh giá cao, trong đó tác phẩm đầu tiên được đề cử Oscar Phim nói tiếng nước ngoài.

Eternité - Đời người là hữu hạn, tình yêu là vĩnh cửu - Ảnh 1.

Chân dung đạo diễn Trần Anh Hùng

Gần đây, Trần Anh Hùng từng gây chú ý khi chuyển thể tiểu thuyết Rừng Nauy lên màn ảnh rộng vào năm 2010. Với tầm ảnh hưởng của anh, tác phẩm mới nhất là Eternité được nhiều khán giả và giới điện ảnh trong nước trông đợi. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết L’élegance des veuves (Nét duyên góa phụ) của nhà văn Alice Ferney. Theo Trần Anh Hùng, đây là dự án đánh dấu sự chuyển đổi phong cách của anh. Đạo diễn thử nghiệm cách làm phim mới là chủ động lược bỏ gần hết cốt truyện, mâu thuẫn… để mở đường cho cảm xúc.

Eternité có bối cảnh trải dài hơn 100 năm, xoay quanh những gia đình quý tộc nông thôn. Trong đó, nổi bật nhất là chân dung của ba người phụ nữ Valentine (Audrey Tatou), Mathilde (Mélanie Laurent) và Gabrielle (Bérénice Bejo). Họ trải qua tình yêu, lấy chồng, sinh ra những đứa con rồi chứng kiến vòng tuần hoàn đó lặp lại. Cuộc sống của họ không chỉ có hạnh phúc mà còn cả những giọt nước mắt khổ đau.

Eternité - Đời người là hữu hạn, tình yêu là vĩnh cửu - Ảnh 2.

Tình yêu là vĩnh cửu trong "Eternité"

Sự vĩnh cửu mà đạo diễn đề cập là khi đàn ông, đàn bà yêu nhau, sinh ra những đứa con. Đến lượt chúng lại tìm đến người phối ngẫu để truyền ngọn lửa đó đến muôn đời sau. Phim bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 nhưng kết thúc ở thời hiện đại. Thủ pháp chuyển cảnh song song giữa quá khứ và hiện thực góp phần tạo ra ấn tượng về sự vĩnh hằng. Khán giả trải qua những cung bậc vui buồn cùng các nhân vật, thấy hình bóng của họ lặp lại vượt qua không gian và thời gian.

Đối với phim của Trần Anh Hùng nói chung và đặc biệt là Eternité nói riêng, khán giả phải bỏ qua cái đầu duy lý và nhìn nhận từ góc độ cảm xúc. Về mặt câu chuyện, tác phẩm giảm nhẹ nhiều chi tiết mang tính hiện thực trong truyện gốc (như số phận của nhiều người con trong Thế chiến). Cách kể này tạo ra một cõi riêng, nơi các nhân vật chỉ đối diện với bản ngã và sự vĩnh cửu trong cuộc sống.

Eternité - Đời người là hữu hạn, tình yêu là vĩnh cửu - Ảnh 3.

Hai minh tinh Mélanie Laurent và Bérénice Bejo trong phim

Với những người xem muốn có các tình tiết gay cấn, Eternité sẽ làm họ thất vọng vì nội dung có phần đều đều. Ngay cả các bi kịch cũng không được làm theo kiểu "dữ dội" để tạo ấn tượng ngay tức khắc. Phim của Trần Anh Hùng không phải để phân tích logic, không phản ánh xã hội và cũng không thể xem trong vội vã. Chúng là để người lữ khách nhẩn nhơ, dạo chơi quanh những khung hình để rút ra những giọt suy tư mà mình tâm đắc.

Về mặt hình ảnh, không cần phải bàn thêm về sự duy mỹ của Trần Anh Hùng. Từng cảnh được bố cục chặt chẽ, trau chuốt đến từng chi tiết nhỏ. Chúng hiện lên như những bức tranh đầy mỹ miều với con người làm chủ thể. Các sinh hoạt hết sức bình thường như đùa giỡn, bơi lội, qua bàn tay của anh đều tạo ấn tượng thị giác mạnh. Trong phim này, vợ đạo diễn là Trần Nữ Yên Khê đảm nhận vai trò giám đốc nghệ thuật. Cô thể hiện chất thẩm mỹ đặc trưng qua cách bài trí vật dụng, thiết kế phục trang cho các nhân vật.

Eternité - Đời người là hữu hạn, tình yêu là vĩnh cửu - Ảnh 4.

Tác phẩm "nhấn chìm" khán giả trong cái đẹp

Ngoài ra, giọng dẫn truyện của Yên Khê cũng là sợi dây neo giữ các cảnh quay có phần rời rạc với nhau. Một "người dẫn truyện" thứ hai chính là phần nhạc phim. Tác phẩm dài gần 110 phút thì phần nhạc vang lên 80 phút, gồm nhiều bài độc tấu piano. Trần Anh Hùng vốn quan niệm âm nhạc là để trao đổi cảm xúc với người xem, tạo ra sự đồng điệu trong tâm hồn. Trong Eternité, hai thế mạnh của anh đã được đẩy lên tối đa để che mờ một câu chuyện đơn điệu và các nhân vật mờ nhạt về tính cách.

Eternité giống một tập tranh đẹp đẽ để khán giả có thể tự tìm thấy chính mình trong từng bức vẽ. Người trẻ trung mê mẩn cảnh đôi trẻ đan bàn tay vào nhau, đắm say quên cả đất trời. Bậc cha mẹ lại yêu cảnh Valentine hôn đứa con gái nồng nàn với tất cả tình mẫu tử. Có người lại thổn thức với hình ảnh người phụ nữ già nằm trên giường, đôi mắt trĩu nặng với nỗi cô đơn đè nén hàng chục năm.

Eternité - Đời người là hữu hạn, tình yêu là vĩnh cửu - Ảnh 5.

Nội dung về tình mẫu tử khiến khán giả trong nước có thể "cảm" được

Có điều thú vị là Eternité dù là phim Pháp nhưng khán giả vẫn có thể nhìn ra "chất Việt" của Trần Anh Hùng. Người phụ nữ trong phim mang nhân dáng châu Âu nhưng lại khá giống hình mẫu truyền thống như trong Mùi đu đủ xanh hay Mùa hè chiều thẳng đứng. Họ có phần cam chịu, hy sinh và có cuộc sống gắn bó gia đình. Mùa hè chiều thẳng đứng và Eternité đều có ba người phụ nữ, nhưng ba đại minh tinh nước Pháp có phần xa cách hơn Như Quỳnh, Lê Khanh và Trần Nữ Yên Khê.

Tác phẩm mới nhất của Trần Anh Hùng là một phim thể nghiệm với ngôn ngữ điện ảnh đặc biệt. Ở đôi chỗ, phong cách của đạo diễn là thử thách thật sự với đại bộ phận người xem. Nhịp điệu chậm, âm nhạc tràn ngập và cách dựng cảnh phi tuyến tính tạo cảm giác quanh quẩn, mơ hồ. Tuy nhiên với những tâm hồn đồng điệu, tác phẩm là một bài thơ về tình yêu, tình mẫu tử, sự vĩnh cửu qua bao kiếp người. Ở nơi này, người quả phụ gieo mình vào bóng tối. Ở nơi khác, tiếng khóc chào đời của một sinh linh bé nhỏ lại vang lên. Sợi dây yêu thương không mất đi, nó chỉ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.