Học sinh lớp 9 tại Hà Nội đang ở giai đoạn học căng thẳng chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới (Ảnh: Quỳnh Anh)
Mạng xã hội chia sẻ câu chuyện, 1 học sinh lớp 9, Trường THCS Dịch Vọng có điểm tổng kết học kỳ I đạt loại Khá (7,2 điểm) nhưng cách đây ít hôm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh cùng đại diện Ban giám hiệu gọi phụ huynh đến trao đổi, đưa ra phương án học tập cho con.
Cụ thể, giáo viên đề nghị cho con học trường tư, phụ huynh ký giấy cam kết không thi tuyển vào lớp 10 vì sợ ảnh hưởng thành tích của trường.
Thông tin lập tức gây bão dư luận, nhận được sự đồng cảm của nhiều phụ huynh học sinh khác.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên. Đồng thời, Bộ GD&ĐT mở đường dây nóng để phụ huynh phản ánh nếu có thông tin và minh chứng. Ngay trong ngày, UBND TP Hà Nội, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT rà soát, xác minh, xử lý nghiêm nếu để xảy ra sự việc.
Riêng UBND quận Cầu Giấy, Phòng GD&ĐT đã đến kiểm tra, làm việc với Trường THCS Dịch Vọng và 1 trường THCS nữa về nội dung kể trên. Kết quả kiểm tra hồ sơ, biên bản làm việc giữa giáo viên và phụ huynh cho thấy, trong năm qua, cả 2 trường có 1.325 học sinh lớp 9 thì có 36 học sinh chuyển trường.
Giáo viên 2 trường này cũng đã mời 65 phụ huynh học sinh đến trao đổi về tình hình học tập và giải pháp hỗ trợ con tiến bộ hơn.
Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy khẳng định: “Đơn vị gọi điện xác minh ý kiến của một số phụ huynh, kết quả tất cả phụ huynh khẳng định nhà trường không ép buộc”.
Trường THCS Dịch Vọng ( Cầu Giấy, Hà Nội)
Gốc rễ là do bệnh thành tích
Bà Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Dịch Vọng nói với PV rằng, Phòng GD&ĐT không lấy kết quả thi tuyển vào lớp 10 của các trường làm tiêu chí đánh giá chất lượng dạy học, do đó, trường cũng không gây sức ép cho giáo viên.
Tuy nhiên, với chủ trương phân luồng học sinh sau khi hết THCS, nhà trường có tổ chức ngày hội tư vấn hướng nghiệp cũng như đề nghị giáo viên trao đổi với cha mẹ học sinh về năng lực học của con. Đặc biệt một số học sinh có kết quả kiểm tra yếu kém, khi giáo viên trao đổi mong muốn gia đình kèm cặp để thúc đẩy chất lượng, nếu không tư vấn cho con chọn nhiều hướng khác.
Thực tế, không ít học sinh ban đầu yếu kém nhưng sau đó “bật” lên thi đỗ trường THPT công lập.
Trong khi đó, trưởng một phòng GD&ĐT tại Hà Nội cho biết, kết quả thi vào lớp 10 cũng là một trong những tiêu chí nhỏ để đánh giá chất lượng dạy và học của nhà trường. Phòng GD&ĐT quận này cũng có công văn “cấm” các trường tư vấn, ép học sinh không thi vào lớp 10 dưới mọi hình thức nhưng vẫn có thể có giáo viên tư vấn cho học sinh không nên thi. Nếu học sinh thi, tỉ lệ trượt cao, uy tín của giáo viên giảm. Bởi vì suốt cả năm học, giáo viên nắm được năng lực thực sự của học sinh đó, có thi cũng không đỗ trường THPT công lập nào.
“Nếu con vẫn thi, cả học sinh và gia đình kéo dài thời gian ôn luyện, thi cử mệt mỏi. Do đó, nếu được định hướng và lựa chọn học nghề hay con đường khác sẽ giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, giáo viên chỉ nên dừng ở mức tư vấn, quyền lựa chọn vẫn ở phụ huynh”, vị này nói.
Sau khi Bộ GD&ÐT mở đường dây nóng đề nghị phụ huynh cung cấp thông tin sự việc (nếu có), đến chiều cùng ngày đã có một số phụ huynh tại Hà Nội gọi điện phản ánh chuyện nhà trường “ép” học sinh không thi vào lớp 10. Ðược biết, Bộ GD&ÐT sẽ tập hợp và yêu cầu địa phương xác minh, xử lý.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cũng khẳng định, hiện tượng giáo viên “tư vấn”, ép học sinh sớm đăng ký vào trường tư thục hoặc không thi lớp 10 là có thật diễn ra nhiều năm nay ở Hà Nội. Đó là “biểu hiện” của “bệnh thành tích”, nhất là các trường công lập.
Hằng năm, Phòng GD&ĐT quận/huyện thống kê số học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 trường THPT công lập để đánh giá thành tích của trường. “Phòng GD&ĐT “thống kê”… thì trường THCS phải có “giải pháp thiết thực” để con số thống kê đó của trường mình “đẹp”. Nhưng cách làm như vậy rất tàn nhẫn với học sinh”, thầy Khang nói.
Vị hiệu trưởng này cũng nói rằng, các trường núp vào cái cớ mang tính nhân văn “phân luồng” nhưng bản chất “hành vi” ép học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10 lại khác nhau. Không phải học sinh nào tốt nghiệp THCS đều muốn lên THPT nhưng học nghề gì? Học nghề rồi ra trường có việc làm và thu nhập ra sao?
“Cần có giải pháp tạo điều kiện cho số rất đông học sinh “tự phân luồng” ở trên được học cái nghề thích hợp. Phân luồng chưa hiệu quả, chưa có chiến lược thì đừng ai đặt áp lực lên các trường để họ làm việc phi giáo dục là ép học sinh bỏ thi”, ông nói.
Không còn là chuyện lạ
Thông tin về việc ép học sinh không thi vào lớp 10 công lập không còn là chuyện lạ đối với phụ huynh có con học lớp 9 chuẩn bị thi lên lớp 10 những năm gần đây.
Chị Quỳnh Trang, phụ huynh có con học lớp 9, một trường THCS năm ngoái thi tuyển lên lớp 10 cho biết: “Sắp đến kỳ thi, giáo viên gửi kết quả kiểm tra, đánh giá các môn học cho phụ huynh, trong đó, con đạt điểm từ 1-4 điểm các môn. Cô cũng thường xuyên nhắn tin, trao đổi phản ảnh con đi học chậm, bỏ giờ, không hợp tác với giáo viên trong giờ học. Cô đề nghị phụ huynh lựa chọn phương án cho con đăng ký học trường nghề, nhà trường tạo điều kiện cho con tốt nghiệp THCS. Nếu không, với năng lực này, con sẽ trượt, gia đình phải tự chịu trách nhiệm”, chị Trang kể.
Theo tìm hiểu của PV, không ít phụ huynh có con đạt kết quả học tập thấp, được giáo viên “mời” đến trao đổi và “định hướng” chọn trường THPT tư thục hoặc đăng ký học nghề nhằm giảm áp lực thi cử cho con lẫn phụ huynh. “Nuốt nước mắt vào trong”, nhiều người biết bất công, không bằng lòng nhưng chấp nhận sớm ghi danh cho con vào một trường THPT tư thục để thoát gánh nặng áp lực trên vai.