Con người được như ngày hôm nay phần lớn cũng là nhờ khả năng khéo léo tận dụng tài nguyên thiên nhiên.
Nhưng tài nguyên thì có hạn, dù là gỗ trong rừng hay quặng dưới lòng đất. Tốc độ khai thác thì nhanh, trong khi tốc độ hồi phục của Trái đất thì chậm. Nếu cứ sử dụng vô tội vạ, chẳng mấy chốc tài nguyên sẽ cạn kiệt.
Chính vì thế, Global Footprint Network kết hợp cùng WWF (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên) đã đặt ra một ngày trong năm, với cái tên Earth Overshoot Day (tạm dịch: ngày Trái đất vượt hạn). Đó là thời điểm nhân loại đã sử dụng hết lượng tài nguyên mà Trái đất có thể đáp ứng trong một năm.
Và Overshoot Day của năm 2018 đã đến rồi - chính là ngày 1/8.
Đặc biệt, bởi con người ngày càng có xu hướng sử dụng nhiều tài nguyên hơn, nên ngày này đến còn sớm hơn năm 2017 một ngày nữa.
Có nghĩa là với tư cách là một loài sinh vật, chúng ta đã sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhanh gấp 1,7 lần tốc độ phục hồi của Trái đất. Và năm 2018 cũng là thời điểm Overshoot Day đến sớm nhất kể từ khi ngày này được lập ra vào năm 1986.
"Cháy rừng đang bùng nổ tại phía Tây Hoa Kỳ. Ở Cape Town (châu Phi), người dân đã mất đi một nửa lượng nước sạch so với năm 2015" - Mathis Wackernagel, giám đốc Global Footprint Network cho biết.
"Chúng ta đã sử dụng tài nguyên của con cháu chúng ta ngay ở thời điểm hiện tại, và ngày càng "nợ" hệ sinh thái nhiều hơn."
"Đây chính là thời điểm xóa bỏ câu chuyện này. Cần phải tạo ra một tương lai trù phú cho thế hệ sau, nơi không còn năng lượng hóa thạch và những nguyên liệu mang tính chất hủy hoại khác."
Hiện tại, các tổ chức lớn trên thế giới đang tích cực tuyên truyền, nhằm đẩy ngày Overshoot của các năm tiếp theo đi càng xa càng tốt. Tuy nhiên, Global Footprint Network cảnh báo, nếu như với tốc độ tiêu thụ tài nguyên không có sự cải thiện, thì Overshoot Day của năm 2030 sẽ diễn ra vào ngày 28/6.