Tờ The Mirror mô tả, những ngày gần đây, đường phố Paris (Pháp) bỗng xuất hiện ngổn ngang những tấm nệm giường. Chẳng phải vì người dân Paris đồng loạt muốn thay nệm mới đâu, mà vì họ đang phải chịu chung nỗi thống khổ mang tên "rệp".
Một tấm nệm và khung giường bị vứt bỏ trên một con phố ở Paris.
Thủ đô nước Pháp đang bị ảnh hưởng bởi những con côn trùng nhỏ hút máu người đang xuất hiện khắp các ngóc ngách. Phố Rue Saint Lazare ở quận 9 của thành phố Paris được mô tả là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi các khách sạn ở đó cố gắng hạn chế sự lây lan của rệp.
Những "ngọn núi nệm" khổng lồ xuất hiện trên các vỉa hè. Một số còn được phủ nilon bên ngoài khách sạn Langlois. Aarya Bondge, người chụp ảnh những cảnh tượng kỳ lạ trên đường phố, cho biết một số tấm nệm đã được làm sạch, nhưng số khác thì không. "Tôi đã thấy mọi người bốc dỡ nệm trong một khách sạn. Tôi không biết đó có phải là do rệp hay không, nhưng có thể họ đã vứt nệm đi vì chúng", cô nói.
Nạn rệp ở Paris đang gây lo ngại cho người dân và khách du lịch.
Aarya cho biết Paris vẫn đang phải hứng chịu đợt tấn công của rệp giường và đến nay, cuộc sống vẫn chưa thể trở lại bình thường. Cô nói thêm: “Tuyến số 6 của tàu điện ngầm vẫn là nỗi ám ảnh, mọi người đứng hết cả lên và không dám ngồi. Thậm chí, tôi thà đứng cả tiếng đồng hồ còn hơn chạm vào ghế”.
Các cơ quan kiểm soát dịch hại của Pháp cho biết loài côn trùng này hiện đang trở nên “khó tiêu diệt” hơn sau khi chúng bắt đầu phát triển khả năng kháng lại thuốc xịt.
Những tấm nệm nằm trên phố Rue Saint Lazare ở quận 9 của Paris.
Nicolas Roux de Bezieux, người làm việc cho một công ty kiểm soát dịch hại ở Pháp, cho biết: "Việc tiêu diệt chúng khó hơn bao giờ hết. Những người kiểm soát dịch hại phải quay lại để tiêu diệt chúng lần nữa vì chúng sống sót sau đợt phun thuốc".
"Thật là cơn ác mộng", Yacine, giáo viên ở Paris, nói. "Tôi rất sợ đi tàu điện ngầm, không dám đi xem phim. Tình trạng này rất đáng báo động".
Hàng trăm nghìn khách vừa tới thành phố tham gia hai sự kiện Tuần lễ thời trang Paris và Giải bóng bầu dục quốc tế, làm dấy lên lo ngại rệp bám vào du khách lây lan sang nước khác.
Các chuyên gia ở Vương quốc Anh cũng đã đưa ra cảnh báo rằng nước này có thể phải đối mặt với sự tấn công của loài rệp “siêu” đột biến khi rệp ở Paris trở nên miễn dịch với thuốc. Các khách sạn và công ty vận tải trên khắp nước Anh đang chuẩn bị phải tăng ca, làm việc cật lực để đối phó với "đại dịch rệp".
Các nhà quản lý của Transport for London (Cục Vận tải thành phố London) cho biết họ đang “giám sát” mạng lưới tàu điện ngầm. Một phát ngôn viên của cơ quan này cho biết: “Chúng tôi không được báo cáo về bất kỳ đợt bùng phát nào ở London, nhưng chúng tôi sẽ giám sát mạng lưới tàu điện ngầm và tiếp tục các biện pháp làm sạch nghiêm ngặt, kỹ lưỡng, giữ cho các đoàn tàu của chúng tôi luôn sạch sẽ”.
Nhân viên kiểm soát dịch hại phun dung dịch diệt côn trùng lên nệm trong một căn hộ ở Paris.
"Loài rệp đã trở nên thông minh hơn", Blago Manov, một chuyên gia về loài côn trùng này, cho biết. Ngày nay, những con rệp trên đường phố có bộ xương ngoài cứng cáp hơn, có thể nhận biết khu vực nào đã được xử lý bằng thuốc diệt côn trùng và tránh xa nơi đó, cũng như phân biệt được nơi chúng bám vào là cơ thể sống có máu hay chỉ một chiếc túi.
Ông Blago cho hay có cả khách hàng là thành viên hoàng gia Hà Lan và một giám đốc thời trang rất nổi tiếng. "Chúng tôi cũng có khách hàng là những người giàu nhất nước Anh. Không ai an toàn 100% trước rệp", ông nói.
Một số khách hàng thậm chí cân nhắc bán nhà vì rệp. Nhưng việc này không cần thiết vì chúng có thể bị tiêu diệt nhanh chóng nếu bị phát hiện.
"Thông tin rệp có thể sống sót trong nhiều tháng mà không cần hút máu là vô lý. Ai cũng sợ. Tôi cố gắng trấn an họ. Diệt rệp không khó. Mọi người không nên quá lo lắng", ông Blago nhấn mạnh.
Algeria, một quốc gia vùng Bắc Phi, cũng phải cảnh giác cao độ khi hàng chục chuyến bay từ các sân bay Pháp hạ cánh ở nước này hàng ngày. Nhiều chuyến phà cũng qua lại giữa 2 nước.
Ngày 5/10, Bộ Y tế Algeria đã "kích hoạt hệ thống đề phòng" với các biện pháp bao gồm khử trùng máy bay, phà, phương tiện vận tải đường bộ... Hành lý và hàng hóa có nguy cơ chứa côn trùng gây hại sẽ được kiểm tra và vệ sinh.
Nguồn: Mirror