Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ. Từ cổ chí kim, phụ nữ luôn khát khao trở nên đẹp hơn, trước nhất là làm đẹp cho người khác ngắm, sau là tự bản thân thấy đẹp. Chính vì vậy, dù thời cổ đại hay hiện đại, các chị em phụ nữ cũng nghĩ ra cho mình vô số phương thức làm đẹp để giúp bản thân hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, có những phương pháp làm đẹp thực sự gây nguy hại cho sức khỏe khi cơ thể họ phải hấp thụ nhiều chất độc hại qua da, máu... Vì cái đẹp, nhiều người chấp nhận đánh đổi tất cả, kể cả hy sinh tuổi thọ của mình.
Trang điểm bằng chì
Chì đã được sử dụng làm nguyên liệu trong rất nhiều sản phẩm trang điểm từ rất lâu. Thậm chí tới tận bây giờ, chì vẫn xuất hiện trong một số loại son môi. Vào thế kỷ 18, những người phụ nữ thường trộn chì trực tiếp với giấm để tạo nên một thứ bột có màu hồng nhạt, tạo nên vẻ đẹp hơi nhợt nhạt cho phụ nữ - chuẩn mực cái đẹp thời bấy giờ. Ngoài ra, đây là cách để phụ nữ che đi các vết nám, tàn nhang, vết thâm do đậu mùa gây nên. Sau đó, các sản phẩm trang điểm từ chì cũng được sản xuất hàng loạt và bán ra thị trường.
Tuy nhiên, những người sử dụng chì để trang điểm không biết rằng họ đang tự đầu độc bản thân một cách từ từ. Dần dần, nó sẽ biểu hiện ra ngoài với việc tóc chuyển bạc, da khô, thỉnh thoảng có những cơn đau bất chợt và chứng táo bón.
Uống Arsenic (Độc tố Asen)
Bên cạnh chì, Asen cũng là chất được dùng trong các sản phẩm trang điểm của phụ nữ. Tuy nhiên, asen rất độc khi nó có thể phá hủy tế bào máu, dẫn đến làn da nhợt nhạt và thậm chí dẫn đến tử vong. Vào thế kỷ 19, nhiều cô gái đua nhau ăn chất Asen - loại thuốc dùng trị bệnh - để có khuôn mặt tươi tắn, mắt sáng, vóc dáng đầy đặn quyến rũ. Nhiều sản phẩm asen vẫn còn tồn tại đến tận thế kỷ 20.
Dùng thủy ngân làm đẹp
Trước khi benzoyl peroxide (hợp chất trị mụn sưng viêm) được phát minh, thủy ngân đã được dùng để trị nám da (và cả bệnh giang mai). Tuy nhiên, thủy ngân có thể dễ dàng thấm qua da, gây nên những vấn đề dị tật sinh nở, ảnh hưởng tới thận và gan, tạo cảm giác khó chịu, trầm cảm; người dùng luôn cảm thấy mệt mỏi đau nhức và miệng có mùi khó chịu. Cuối cùng, nó có thể đẫn dến tử vong.
Hợp chất từ cây cà dược "Deadly Nightshade"
Phụ nữ Italy gọi nó bằng cái tên belladonna. Họ thường dùng nó để nhỏ vào mắt làm giãn con ngươi để trông cho cuốn hút hơn, hoặc ít nhất khiến mắt họ to hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, sử dụng hợp chất này có thể gây rối loạn thị giác, nhạy cảm trước ánh nắng mặt trời và nếu dùng lâu ngày cũng có thể khiến bạn mất mạng.
Chăm sóc da bằng chất phóng xạ
Hãy quên việc kim cương sẽ khiến da bạn sáng hơn đi. Trong những năm đầu thế kỷ 20, sau khi Marie Curies khám phá ra nó, người ta đã sử dụng chất phóng xạ trong nhiều sản phẩm kem dưỡng da. "Nếu bôi lên những vùng da nhăn nheo và trũng xuống, các chất phóng xạ sẽ tác động lên mô và dây thần kinh, khiến các vết nhăn biến mất", một đoạn quảng cáo kem dưỡng da với chất phóng xạ cho biết. Tuy nhiên, nó tiềm tàng nguy cơ chết người bất cứ lúc nào khi sử dụng sản phẩm có chất phóng xạ trực tiếp lên da, dù là rất nhỏ.
Chụp Xquang để triệt lông
Công nghệ chụp Xquang được phát triển vào thế kỷ 20 đã mở ra ứng dụng trong nhiều ngành nghề. Nhiều người đã dùng phương pháp này để triệt lông không mong muốn trên cơ thể. Một vài bệnh nhân để phơi da mình dưới tia X quang tới 20 giờ. Chắc chắn, cách làm này sẽ khiến lông rụng nhưng cũng gây mỏng da, hình thành ung nhọt trên da rồi lâu dần có thể dẫn đến ung thư. Dù nhiều người biết tác hại của nó nhưng vẫn sử dụng để làm đẹp.
Dùng mỡ lợn cho tóc
Vào những năm 1700, thời trang tóc phát triển cực đỉnh, hoàn toàn theo nghĩa đen. Để cho tóc dựng càng cao càng tốt, người ta thường dùng khung sắt hay gỗ, các miếng lót lông ngựa và nhiều cách khác. Sau đó, tóc được bôi mỡ lợn để cho cứng. Tất nhiên sau đó, bạn không thể gột rửa luôn được. Dần dần, chấy rận và các loài côn trùng bu đầy tóc họ khiến nhiều người phải dùng que để gãi. Thậm chí, có người còn phải đeo cả lồng lên đầu để đuổi chuột vào buổi đêm.
Nguồn: Nationalgeographic