Vụ rò rỉ những e-mail tố cáo David Beckham đạo đức giả, làm từ thiện chỉ để được phong tước Hiệp sỹ, và khi không đạt được mục đích thì đáp trả người vạch ra chiến lược bằng những lời tục tĩu, đang tạo ra một cơn bão.
Hình ảnh thánh thiện của chàng cựu tiền vệ điển trai, giàu có, nhân nghĩa chỉ sau vài dòng e-mail bỗng chốc nát vụn, vấy bẩn. Đạo đức giả, ky bo, ghen ăn tức ở, tham hư danh… chúng ta có thể nhìn thấy những lời miệt thị này khắp trên các trang báo Anh, Tây Ban Nha, Đức ngay bên dưới bất kỳ bài viết nào về Becks vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, có phải chúng ta đang đòi hỏi quá nhiều ở Becks hay không?
Thời Becks còn là cầu thủ, chúng ta đòi hỏi anh phải ghi bàn cho đội tuyển Anh, phải đưa Man Utd lên ngai vàng. Sau khi giải nghệ, thế giới lại muốn Becks phải trở thành "hoa hậu" thân thiện, phải đi làm từ thiện khắp nơi trên thế giới, đến những làng quê nghèo đói, bế những đứa trẻ ốm yếu bệnh tật, gây quỹ cho UNICEF, chi tiền làm từ thiện, phải làm một ông bố tốt, một người chồng hoàn hảo, một ngôi sao thân thiện với phóng viên.
Becks cũng chỉ là một con người thôi.
Vài năm trước, Wayne Rooney nhổ nước bọt vào phóng viên khi bị làm phiền trong lúc đang dùng bữa tối với vợ. Cristiano Ronaldo giật micro của phóng viên ném xuống hồ. Steven Gerrard cũng đánh gẫy răng một DJ, lái xe đâm phải một chú bé. Frank Lampard bỏ vợ chạy theo người phụ nữ khác. Đã là con người thì ai mà không mắc lỗi.
Becks đã làm quá nhiều cho nước Anh. Trong chiến dịch vận động đăng cai Olympic London, Becks tâm sự rằng anh bay đi bay về giữa Mỹ và Anh còn nhiều hơn thời gian lái xe. Đó là những ngày Becks phải xa gia đình biền biệt, phải dùng ảnh hưởng của mình để ngọn đuốc Olympic cháy rực ở London.
Thời còn là cầu thủ, cả nước Anh quay lưng với Becks sau khi anh phạm lỗi với Diego Simeone rồi nhận thẻ đỏ rời sân. Chính Simeone sau đó thú nhận, anh đã giăng bẫy Becks. Nhưng chàng tiền vệ điển trai này không giận dỗi nước nhà. Anh vẫn khoác trên mình chiếc áo đội tuyển, ghi bàn, kiến tạo, tạo nên thời hoàng kim bậc nhất của ĐT Anh sau chức vô địch World Cup 1966. Becks đã thi đấu tới mức nôn khan trên sân cỏ. Anh được gì ngoài những tiếng vỗ tay?
Với cụm từ "Beckham + paparazzi", hãy lên Youtube và tìm hiểu xem cuộc sống của Becks bị cánh phóng viên làm phiền tới mức nào. Có một lần Becks đưa 2 cậu con trai đi mua giày. Có 2 phóng viên bám theo anh dai tới mức khó chịu, nhưng Beckham vẫn cư xử chuẩn mực. Anh mở cửa và nói vào ống kính: "Các anh có thể chụp ảnh tôi, nhưng đừng chụp các con tôi."
Sau khi Becks lên xe, một phóng viên chạy theo cố gắng khiêu khích để Becks mở kính. Anh ta ném vào Beckham một từ cực kỳ tục tĩu trong tiếng lóng của Mỹ. Đến Zidane khi bị xúc phạm còn húc thẳng vào ngực Materrazzi. Nhưng Becks chỉ mở kính cảnh cáo gã phóng viên hỗn xược rồi lái xe đi mất.
Có mấy cầu thủ cư xử được như anh? Có mấy cầu thủ giàu như Beckham mà luôn dành thời gian rỗi cho gia đình? Hẳn Becks phải là một người thế nào mới được đồng nghiệp yêu quý, con cái nể trọng chứ. Còn chuyện tham sân si trong mỗi con người đều có.
Có ai trong số chúng ta dám nói rằng mình không thích quyền lực, không thích được trọng vọng, và có mấy ai giữ được sự bình tĩnh khi giấc mơ cả cuộc đời, dù đã cống hiến hết mình để có được, rốt cuộc vẫn không thành hiện thực?
Đừng phán xét Becks nữa. Anh cũng chỉ là con người thôi. Và chúng ta đòi hỏi gì hơn ở một con người? Muốn anh trở thành thánh nhân hay sao?