Instagram song hành cùng Facebook đã tạo nên một cặp bài trùng không thể ăn ý hơn trong thế giới ảo, được giới trẻ cực ưa chuộng vì những tính năng chia sẻ bản thân đa dạng. Dù vậy, cũng giống như một xã hội thực thụ thu nhỏ, không phải ai cũng có thể làm vừa lòng nhau và khiến tất cả mọi người còn lại cùng “like” và để ý đến mình được. Thậm chí, nếu không tinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể bị “bơ” bởi chính bạn bè của mình đó!
Để tránh rơi vào trường hợp đáng thương này, hãy lưu ý đừng để mình giống những kiểu người sau đây nhé:
1. Sống “ảo” rồi lại còn dối trá
Ảnh thật của rapper Drake (trái) và bức ảnh crop (phải) của một tài khoản Instagram làm như đó là ảnh chính mình.
Việc đăng ảnh kèm vài dòng caption giải thích có phần hơi thái quá để tạo sự hài hước nhằm thu hút bạn bè tương tác vui vẻ sẽ hoàn toàn được hoan nghênh và không có vấn đề gì. Nhưng nếu như lạm dụng và khiến mọi việc đi quá xa bằng cách nói dối, up ảnh sai sự thật hoàn toàn thì mọi chuyện sẽ không còn dễ giải quyết như bạn tưởng đâu.
Like nhiều đâu chả biết, chỉ biết là lượng follower sẽ nhanh chóng giảm rõ rệt vì họ chẳng bao giờ muốn bấm like hay thậm chí là thấy những hình ảnh giả dối của bạn hiện lên trước mắt nữa. Điều đó chỉ làm bạn càng trở nên đáng chê trách hơn khi vẫn tiếp tục đăng ảnh “ảo”, không biết sửa lỗi.
2. “Vua” hashtag
Đừng để mình bị coi là đối tượng "cuồng" hashtag trong mắt bạn bè như này nhé.
Tính năng Hashtag được ra đời nhằm đưa người dùng đến gần gũi với nhau hơn thông qua việc đặt các tag cùng chủ đề tương tác. Nhiều người cũng cảm thấy ưa thích chúng vì tác dụng đến từ việc những người khác có ảnh cùng chủ đề sẽ thấy ảnh của mình và… tăng like.
Dù vậy, nó chỉ thực sự có tác dụng khi bạn đặt đúng từ khóa và liệt kê vừa phải, hiệu quả chứ không phải thêm vô tội vạ vào sau post. Nhiều khi có những tag chỉ có hình thức… biến caption thành hashtag chứ không hề tạo chủ đề cho ảnh cũng được đặt vào đầy rẫy, chẳng có tác dụng gì. Ngán ngẩm hơn là khi kéo xuống phần comment lại tiếp tục thấy một bộ sưu tập hashtag từ chủ nhân bức ảnh đang chờ sẵn nữa...
3. Spam ảnh liên tục
Bữa tiệc rất vui nhưng lưu ý "tem tém" lại chút, đừng tra tấn follower của mình.
Mỗi ngày 1 bức ảnh là chuyện bình thường, 2 ảnh thì cũng tốt nếu bạn có nhiều người quan tâm và đủ thời gian tương tác, chia sẻ. Nhưng hãy biết dừng đúng lúc, đừng biến Instagram của bạn - và giao diện theo dõi của mọi người khác - thành một buổi tường thuật trực tiếp về bữa tiệc hay một trận bóng như thể cả thế giới mạng xã hội là của riêng bạn vậy.
Có ai muốn kéo màn hình liên tục mà những gì hiện lên trước mắt chỉ là hàng chục bức ảnh chụp bạn đang ăn mừng một trò chơi nào đó mà chỉ có những ai trong cuộc mới hiểu không? Tốt nhất là hãy dùng chức năng đăng ảnh theo album, hoặc chia nhỏ số lần up ảnh sao cho phù hợp, chứ đừng để bị cho vào danh sách unfollow nhé.
4. “Selfie, selfie nữa, selfie mãi”
Tự tin về vẻ ngoài đáng yêu và muốn được thể hiện mình với mọi người trên mạng xã hội là điều hết sức bình thường, nhưng sẽ không ổn nếu một ngày tài khoản cá nhân Instagram của bạn chỉ tràn ngập… toàn mặt với mặt. Cái gì vừa phải là tốt, nhưng đừng “cố đấm ăn xôi”.
Đáng sợ hơn là những lỗi tai hại hơn nữa khi khung cảnh selfie không được chủ nhân bức ảnh để ý như nhà vệ sinh, đám tang... Nếu vẫn tiếp tục bắt những người theo dõi bạn phải chiêm ngưỡng liên tục từng góc cạnh trên khuôn mặt bạn thì sớm hay muộn họ cũng sợ không dám mở ứng dụng lên mất.
5. “Tôn giáo” ẩm thực
Đạo giáo mới với các "con chiên" sống trên mạng xã hội...
Ở đây không nói đến những vai trò, khía cạnh dành cho một người food reviewer thực sự, vì họ có định hướng, kế hoạch và chuẩn bị kỹ càng về hình thức, cách đầu tư chụp ảnh hấp dẫn và cả chọn lựa món ăn cho phù hợp nữa. Tuy nhiên, nếu chỉ là chia sẻ những món ăn có tính chất “tại gia” hoặc chỉ đơn giản là… tình cờ gặp thì cũng không nên tôn nó lên thành một khoảng trời của riêng mình, nhất là khi bạn cố tình thêm hàng loạt hashtag về đồ ăn và tiếp tục “tường thuật” về lịch sinh hoạt dinh dưỡng của mình.
6. Ảnh “đổi trắng thay đen”
Thế này cũng mới là nhẹ nhàng thôi đó!
Công dụng của các app chỉnh sửa ảnh cá nhân hiện nay là không phải bàn cãi khi nó cung cấp những cách khắc phục vô cùng thần kỳ. Thao tác cũng khá dễ dàng khi hệ thống tự xử lý cũng rất thông minh, đủ để làm hài lòng mọi nhu cầu selfie làm đẹp. Không chỉ chỉnh sửa sau khi chụp mà nay, nhiều app còn cho phép áp dụng hiệu ứng trực tiếp lên camera selfie, khiến kết quả càng tối ưu hơn.
Tiện lợi là như thế nhưng nó cũng không đồng nghĩa với việc chúng ta để mặc cho bàn tay của công nghệ “phẫu thuật thẩm mỹ” 100% khuôn mặt, để rồi kết quả cuối cùng lại là một trời một vực so với ảnh gốc. Đừng để khuôn mặt bạn trắng bóng hoặc mịn đến căng láng như vừa từ xưởng làm búp bê ra vậy.
7. Filter chồng filter
Hãy tự cân nhắc và chọn cho mình filter thích hợp nhất, đừng nhồi nhét hết vào bức ảnh.
Bộ lọc màu ảnh (filter) đã trở nên quá quen thuộc trong những ứng dụng chỉnh ảnh toàn cảnh. Việc điều chỉnh tông màu tổng thể sao cho phù hợp nhiều khi sẽ có tác dụng to lớn, đủ để thay đổi toàn bộ góc nhìn, biến một tác phẩm nhàm chán trở nên thu hút, nổi bật hơn nhiều.
Nhưng tất nhiên đừng quá tham lam khi nghĩ rằng nhồi nhét càng nhiều filter thì tác dụng càng cộng dồn lên ảnh gốc - không có chuyện đó đâu. Hãy dừng lại đúng lúc khi thấy bức ảnh phong cảnh của mình có dấu hiệu biến thành tranh tô màu sáp mẫu giáo nhé.