BS Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa vùng, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca chúng ta sẽ gặp phải một số phản ứng chính toàn thân: sốt, sưng đau vị trí tiêm, đau đầu, đau mỏi cơ, đau mỏi người, ớn lạnh, rối loạn tiêu hoá, buồn nôn, nôn… các triệu chứng này sẽ kéo dài 1-2 ngày sau tiêm.
Một số triệu chứng nặng hơn có ghi nhận phản vệ, huyết khối trên thế giới (Việt Nam chưa ghi nhận phản ứng này). Tuy nhiên, các phản ứng phản vệ vẫn có thể xử lý được nếu như chúng ta phát hiện và xử lý sớm.
Với nguyên tắc "tiêm tới đâu - an toàn tới đó", tất cả các trường hợp trước khi tiêm đều phải được khám sàng lọc. Các trường hợp đủ điều kiện tiêm chủng mới được bác sĩ chỉ định tiêm. Đối với các trường hợp còn băn khoăn nếu thận trọng bác sĩ sẽ xếp vào nhóm hoãn tiêm chủng.
Vắc xin AstraZeneca
Theo bác sĩ Nga, các trường hợp chống chỉ định với vắc xin AstraZeneca là những trường hợp từng có sốc phản vệ độ 2 với các tác nhân khác nhau, còn các trường hợp khác đều có thể tiêm được vắc xin.
Đối với người đi tiêm, để đảm bảo an toàn người tiêm, sau tiêm sẽ được theo dõi tại điểm tiêm ít nhất 30 phút và chủ động nghe ngóng cơ thể thông báo khi có bất thường với nhân viên y tế. Đối với các vắc xin thông thường sẽ được khuyến cáo theo dõi tại nhà 24 giờ sau tiêm. Nhưng đối với vắc xin AstraZeneca được khuyến cáo theo dõi tới 7 ngày sau tiêm.
"Khi về nhà gặp các triệu chứng phản ứng sau tiêm người tiêm không dùng bất cứ loại thuốc gì, thay vào đó nên tham vấn bác sĩ trước khi dùng thuốc", bác sĩ Nga nói.
Chia sẻ thêm về nguy cơ sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca, Ths. BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, nguy cơ xảy ra tình phản vệ sau tiêm vắc xin AstraZeneca xảy ra rất thấp. Đối với các vắc xin Covid khác số liệu báo cáo giai đoạn sau thử nghiệm 1/100.000 - 200.000 phản vệ, tỷ lệ sốc phản vệ 1/1.000.000 ca. Điều này đồng nghĩa với việc xuất hiện sốc phản vệ rất thấp.
Phần lớn các trường hợp sốc phản vệ nặng sẽ xảy ra trong vòng 30 phút sau khi tiêm. Do vậy, để phòng ngừa đã có khám sàng lọc và theo dõi sau tiêm 30 phút. Hiện nay, ở bất cứ điểm tiêm chủng nào cũng có xử lý được khi có sốc phản vệ xảy ra.
Bác sĩ Khiêm cho hay: "Đối với các trường hợp có cơ địa dị ứng khi tiêm bất cứ thuốc hay vắc xin đều có nguy cơ dị ứng, phản vệ cao hơn người bình thường.
Vắc xin AstraZeneca chỉ có khuyến cáo chống chỉ định đối với các trường hợp dị ứng nặng, sốc phản vệ độ 2 trở lên. Do vậy, dù bạn có cơ địa dị ứng cũng không cần phải quá lo lắng hãy đến các điểm tiêm để các nhân viên y tế có thể khám, tư vấn và có các biện pháp theo dõi sau tiêm".
Để giảm tác dụng phụ của vắc xin trên mạng xã hội mọi người mách nhau nên uống lá tía tô hoặc uống thuốc hạ sốt trước khi tiêm. Liên quan tới vấn đề trên, bác sĩ Lê Nga cho hay, hiện nay chưa có bất cứ nghiên cứu nào chứng mình dùng lá tía tô và uống thuốc hạ sốt trước khi tiêm sẽ giảm được tác dụng phụ của vắc xin. Việc uống thuốc hạ sốt hay thuốc chống đông trước khi tiêm có thể sẽ làm giảm triệu chứng để bác sĩ chẩn đoán, xử lý khi xảy ra tác dụng phụ không mong muốn của vắc xin bị chậm đi.
Theo bác sĩ Nga, trước khi tiêm vắc xin Covid-19, mọi người nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ. Khi đi tiêm đối với những người có bệnh lý nền nên mang theo các hồ sơ về bệnh lý, đơn thuốc đang sử dụng, kết quả xét nghiệm nếu có để bác sĩ có thể tư vấn được cho bệnh nhân. Khi đi tiêm mọi người vẫn cần phải lưu ý tuân thủ đúng nguyên tắc 5K (đặt lịch tiêm). Người tiêm cần phải chủ động thông báo tiền sử bệnh lý, dị ứng.
Tuyệt đối không dùng bất cứ loại thuốc gì trước hoặc sau khi tiêm. Nếu có phản ứng không mong muốn chỉ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Nga cho biết thêm, một số người băn khoăn có nên làm xét nghiệm Covid-19 trước khi tiêm hay không? Đến nay chúng ta chưa có khuyến cáo làm xét nghiệm Covid-19 trước tiêm ngay cả các test dị ứng.