Câu chuyện về người cha đơn độc nuôi 2 đứa con bại não đang là tâm điểm dư luận những ngày qua, nhất là sau khi có nhiều thông tin cho rằng anh đã trục lợi từ chính 2 đứa con bất hạnh của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên người ta chú ý đến anh Đặng Hữu Nghị. Từ năm 2014 đến nay, anh đã được hàng triệu người biết đến qua những bộ ảnh, thước phim tài liệu, các bài viết chia sẻ về hoàn cảnh của anh.
Sau mỗi lần lên báo, người ta lại ầm ầm kéo đến nhà anh, người thì đến tặng quần áo, sữa, người thì đại diện hội nhóm tặng tiền. Trong số đó có cả diễn viên, cầu thủ bóng đá và những Việt kiều từ New Zealand. Số tiền từ năm ấy đến nay có lẽ ai cũng có thể dễ dàng tính ra, chẳng hề ít.
Việc hỗ trợ trên tinh thần thiện nguyện giúp đỡ nhau trong xã hội hiện nay hoàn toàn cần thiết, nhất là luôn có những mảnh đời bất hạnh cần sự chung tay của cộng đồng để giảm bớt gánh nặng đời mưu sinh của họ.
Nhưng cũng như anh Nghĩa Phạm đã chia sẻ về việc anh giúp mẹ con cậu bé xếp dép một cách chậm rãi, từ tốn và thiết thực, mới thấy việc từ thiện cũng cần lắm những bước đi hợp tình hợp nghĩa với mỗi hoàn cảnh cụ thể.
Sự quan tâm săn đón quá đà của mạnh thường quân vô tình biến người được nhận từ thiện thành diễn viên chuyên nghiệp.
Sau khi anh Nghị hát bài "Gà trống nuôi con" đầy cảm xúc trên một gameshow truyền hình, các nhà hảo tâm càng thuơng xót hơn và rủ nhau đến nhà thăm ba cha con. Từ sáng đến tối anh tiếp chuyện với hàng chục người với những câu hỏi quen thuộc về gia đình, quá khứ, chuyện hôn nhân và những khó khăn của anh khi đơn thân nuôi 2 con bại não.
Khi anh kể, người ta chụp ảnh, quay clip, livestream lên facebook, nên ngày nào anh cũng vừa kể vừa khóc. Anh kể vì có nhiều người muốn nghe. Anh nói đời anh có thế nào thì anh chỉ biết kể thế đấy. Một ngày tiếp chuyện bao nhiêu nhà hảo tâm là bao nhiêu lần anh nín-khóc-nín rồi lại khóc.
Việc chúng ta cứ đến và bắt anh kể chuyện rồi cho tiền, đã vô tình biến anh thành một người – mà theo nhiều cảm nhận của các nhà hảo tâm đã giúp đỡ - một người kể chuyện trong nước mắt. Để rồi sau đó, chính chúng ta lại trở nên hụt hẫng và ngờ vực cao độ, khi thấy anh khóc nhanh quá, hay kể khổ trơn tru quá...
Người cha bên đứa con bị bại não của mình
Năm ngoái, bức ảnh một gia đình gồm người bố và 3 đứa con phải sống tạm bợ trong công trình xây dựng được đăng tải trên mạng xã hội, rất nhiều người tìm đến và giúp đỡ. Trong đó, một người phụ nữ đã thuê hẳn phòng trọ cho 4 bố con, đóng tiền cho họ hàng tháng kể cả tiền tiêu vặt. Nhưng rồi tối nào, họ cũng lại ra công trình, gặp ai cũng kể chuyện mình không có nhà cửa.
Cha của hai bé Huyền – Thoại sống trên vỉa hè Sài Gòn cũng từng là một người kể chuyện trong nước mắt như thế. Cứ ai tìm đến với ý định cho tiền, anh lại rơm rớp kể về việc một mình nuôi 2 con nhỏ khi vợ bỏ đi, đến lúc có được nhà trọ của mạnh thường quân và số tiền hàng chục triệu, anh vẫn thích kể chuyện cũ. Rồi lẳng lặng nướng hết số tiền đó vào game bắn cá, rượu chè.
Làm từ thiện thật tốt, thật cần thiết và đáng khuyến khích, nhưng làm từ thiện không đúng cách có thể biến một người tốt thành xấu. Thay vì cho tiền một cách ồ ạt, nên chăng chúng ta hãy ngồi lại với mỗi mảnh đời, tìm giải pháp thực sự cho người mà mình muốn giúp đỡ, như cái cách mà anh Nghĩa đã kiên nhẫn theo năm tháng đồng hành cùng mẹ con Đạt, như cách mà Tú lớn đã cho chữ, thay vì cho tiền Tú nhỏ.
Những khoản tiền khổng lồ không giúp thay đổi cuộc đời ai đó trong tức thời nếu như bản thân họ không có sự cố gắng.
Và thật rõ ràng rằng, không chỉ có cha con anh Nghị cần bàn tay giúp đỡ. Bạn đừng ngại để ý, đi tìm và chìa bàn tay ra đúng cách – đối với các số phận thiếu may mắn khác – vốn luôn rất nhiều trong cuộc sống này…