Smartphone là một trong những thứ bẩn nhất trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí nhiều thống kê đã cho thấy số vi khuẩn trên bề mặt màn hình còn nhiều hơn cả bồn cầu. Thực tế đó không hề khó hiểu, nhất là khi chúng ta để smartphone tiếp xúc với rất nhiều vật thể, kể cả bàn tay con người cũng là ổ vi khuẩn đáng lo ngại.
Vi khuẩn là một chuyện, thế còn bụi bẩn và vụn rác thì sao? Mới đây, một trend nho nhỏ đã nổi lên trong cộng đồng mạng quốc tế khi người dùng iPhone hùa nhau thử kiểm tra các khe cắm, để rồi đều nhận được cùng một kết quả: Cả một "núi" vụn nhỏ lông, bụi và nhiều dị vật khác bám thành cục được lôi ra.
Trên đây là ảnh chụp của 2 thành viên trên diễn đàn Reddit chia sẻ thành quả sau vài phút hí hoáy tỉ mỉ của mình. Có thể thấy bên trong khe cắm sạc của họ chứa đầy những vụn bụi vón cục, cấu thành cụ thể bởi những thứ gì và xuất xứ từ đâu thì chẳng ai nắm rõ. Tình trạng này thực ra khá phổ biến ở người dùng smartphone lâu năm, không riêng gì những chiếc iPhone vô tình là điểm chung trong những tấm ảnh trên.
Với thói quen để smartphone trong túi quần, đó thực sự là môi trường lý tưởng để các vụn vải chui vào bên trong khe cắm, dính chặt ở đó do có điện tích hút vào, rất khó để bay ngược trở ra. Chưa kể tới hàng tá bụi bẩn hàng ngày tiếp xúc mà mắt thường không nhận ra, chúng cũng dễ dàng lọt vào bên trong và vón lại thành cục sau một thời gian dài.
Không riêng gì cổng sạc, khe cắm tai nghe cũng là nạn nhân tương tự. Nếu mức độ đóng cục bên trong các khe cắm này trở nên dày hơn mức bình thường, các chức năng của smartphone sẽ bị ảnh hưởng không ít: Sạc không vào, xung điện yếu hơn, tai nghe không nhận hoặc máy liên tục báo có tín hiệu tai nghe đang cắm (do vụn bụi lấp đầy cổng cắm khiến máy hiểu nhầm).
Nếu bụi quá nhiều lấp đầy khe cắm, iPhone sẽ nhận nhầm như thể có tai nghe thật trong đó, chỉ hiện thông báo volume dành cho tai nghe và không cho phép phát tiếng loa ngoài.
Thông thường, 6 tháng là khoảng thời gian lý tưởng và khuyến nghị để kiểm tra độ vệ sinh bên trong các cổng cắm. Việc sử dụng tăm tre hay nhíp thông thường tại nhà không phải một phương án khuyến khích, do thao tác có thể không quen, dẫn tới va chạm hỏng hóc hoặc đôi khi... tăm bị gãy và kẹt lại luôn bên trong. Do đó, biện pháp tốt nhất là ra các cơ sở bảo hành, sửa chữa phụ kiện với các dụng cụ chuyên dụng, phù hợp cho nhu cầu vệ sinh bên trong.