Chào tác giả bài viết "Thực tập xong mà chỉ biết than "ba tháng thực tập chả học được gì", thì thật sự thua bạn rồi!" và các bạn sinh viên,
Thật lòng mà nói, tôi rất hoang mang khi đọc xong bài viết của bạn. Tôi lấy làm khó hiểu trước một chia sẻ mang đầy tính chỉ dạy, với lời lẽ của một người bề trên nói với bề tôi bên dưới, chứ không phải là lời chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế của chính bản thân bạn.
Vì sao tôi nói vậy, vì ngay từ những dòng đầu tiên, tôi đã thấy bạn áp đặt và giáo điều với những em sinh viên thực tập vẫn còn bỡ ngỡ trước công việc các em chưa từng làm bao giờ.
Đã gọi là sinh viên thực tập thì đương nhiên là khác với nhân viên đi làm chính thức. Nhân viên chính thức là những người đã có kinh nghiệm, được kí hợp đồng lao động với các quy định, thoả thuận để đảm bảo trách nhiệm công việc được giao, mang lại lợi ích cho tổ chức nơi mình làm việc.
Còn sinh viên đi thực tập để được học các kĩ năng đảm bảo trách nhiệm với công việc, mang lại lợi ích cho tổ chức.
Trong đó, việc học hỏi kĩ năng thông qua sự chỉ dạy của công ty là nhiệm vụ và quyền lợi của việc sinh viên đi thực tập. Tuỳ vào hợp đồng thực tập, sinh viên cần đảm bảo nghĩa vụ hoàn thành công việc với công ty theo thoả thuận trước đó. Công ty cũng phải có sự quan tâm đúng mực tới sinh viên tới thực tập.
Sinh viên cần người chỉ dạy và công ty cần người trợ giúp những công việc (có thể là) không tên. Đây là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Chuyện sinh viên đi thực tập mong muốn có người "cầm tay chỉ dạy" là điều đúng. Trên thực tế, để thực tập ở công ty có tính chuyên môn, sinh viên thực tập bắt buộc phải đi tập huấn về những kĩ năng cơ bản nhất để có thể hoàn thành tốt những việc được giao. Hãy thử nhớ lại ngày đầu tiên khi bạn là người mới, bạn bước chân vào cánh cửa công ty với mong muốn được học hỏi trong suốt quá trình thực tập; nhưng bạn không được chỉ dạy bất cứ điều gì, không ai nói cho bạn biết bạn phải làm ra sao thì kết quả cuối cùng bạn nhận được là gì?
Đừng nói là bạn biết pha trà, rót nước, in giấy tờ nhé!
Đề cao lợi ích của từng việc "bưng trà, in giấy tờ và rót nước" - lý luận lợi ích này giống hệt như những giáo điều "tìm ra ưu điểm trong nhược điểm" hay câu khẩu hiệu "học mọi lúc mọi nơi" mà bất kỳ ai cũng có thể nhìn ra được. Quả thực quá AQ!
Nếu là một người tích cực, họ sẽ thấy đây là những lời nói đúng đắn và không thể hợp lý hơn. Nhưng hãy bỏ thời gian đọc kĩ hơn, thì sẽ thấy đây là những lời lẽ giáo điều và vô cùng sáo rỗng.
Mấu chốt của vấn đề là sinh viên thực tập cần cảm thấy mình được tôn trọng, mang lại lợi ích và mang lại giá trị cho công ty. Nếu một công ty khiến sinh viên thực tập cảm nhận được điều này qua việc "bưng trà, in giấy tờ và rót nước" và bản thân sinh viên cũng nhận thức được đóng góp này, thì có lẽ sẽ không ai kêu ca mệt mỏi hay chán nản với kì thực tập của mình như thế. Nói xa hơn, điều này cũng đúng với bất kì ai trong chúng ta khi đứng trong hàng ngũ nhân viên chính thức.
Trong thực tế, nếu các bạn sinh viên thực tập được khuyên nên chấp nhận bỏ thời gian ra để "bưng trà, in giấy tờ và rót nước" thì các bạn hoàn toàn có thể ứng tuyển vào vị trí nhân viên bán trà sữa. Các cửa hàng trà sữa hiện đang mọc lên như nấm ở Việt Nam. Ít nhất khi đi bán trà sữa, các bạn sẽ có thêm thu nhập và được va chạm với khách hàng bằng xương bằng thịt.
Tâm lý quy phục
Tuy nhiên, điều làm tôi bất ngờ hơn cả khi đọc bài viết này là thấy lượt chia sẻ với tâm lý quy phục gần như tuyệt đối!
Tâm lý "xin việc", "xin đi thực tập", "xin-cho" có thể là một lý do khiến cho phần lớn sinh viên thực tập và cả những người đã là nhân viên chính thức đồng tình với quan điểm áp đặt, giáo điều của tác giả kia.
Tâm lý sợ sệt "cần học hỏi" cũng có thể là một lý do khác mà nhiều người đành chấp nhận "thà rằng bưng trà, in giấy tờ còn hơn là không được làm gì."
Một quan điểm đúng đắn cần đưa ra ở đây là: "Khi làm việc, bạn phải chuyên nghiệp". Kĩ năng và phẩm chất chuyên nghiệp có thể là điều còn thiếu và chưa hoàn thiện ở các bạn sinh viên. Điều cần làm là thừa nhận được thiếu sót của bản thân, biết mình là ai và học hỏi đúng đắn. Trước khi bước chân chính thức vào công ty, các bạn có thể học hỏi và nâng cao khi đi thực tập. Lại một lần nữa, đây là sự khác biệt giữa khi đi làm chính thức và khi đi thực tập.
Bên cạnh đó cũng phải nói với các bạn sinh viên rằng, nếu các bạn vẫn giữ quan điểm "đi thực tập là đi chơi", thì các bạn nên ở nhà và ngồi trên tháp ngà mà ảo tưởng. Xa hơn, quan điểm "việc nhàn hạ, lương cao" trong tương lai là điều khó xảy ra vì không bao giờ có chuyện bạn không chịu bỏ công bỏ sức, mà bạn được hưởng bất cứ cái gì miễn phí từ xã hội đâu.
Nâng tầm quan điểm
Quay lại với lời chia sẻ "Ba tháng thực tập mà chẳng học được gì", tôi không chắc lời này đến từ chỉ một cá nhân sinh viên. Đó hẳn phải là lời thốt ra cay đắng và chán nản suốt từ lứa sinh viên thực tập này đến lứa sinh viên thực tập khác, khi họ không được chỉ dạy, không được làm bất cứ việc gì khác ngoài pha trà, rót nước tại công ty nơi mình mang tiếng đến thực tập.
Đừng chỉ ném cho sinh viên một tờ giấy đánh giá kết quả thực tập và bỏ mặc họ với những công ty ngoài kia, rồi sau 3 tháng lại lật đật đi thu giấy về.
Đừng chỉ nhận sinh viên vào thực tập cho có, rồi suốt từ ngày này sang tháng nọ chỉ để họ làm mỗi việc pha trà, bưng bê phục vụ cả công ty. Trước khi có sinh viên thực tập, ai là người làm những việc đấy?
Hãy công tâm hơn với sinh viên thực tập. Họ không thạo việc, thế nên mới được gắn thêm hai chữ "thực tập" vào đằng sau cái chức danh sinh viên ấy, để khi họ bước vào công ty, họ được nắm tay chỉ dạy, họ xứng đáng được tôn trọng, và được coi như là một phần của công ty - nơi họ gửi gắm ước mơ được học hỏi những thứ mà nhà trường không dạy cho họ trong suốt 4 năm đầu đời.
Tất nhiên, còn nhiều lý do đáng để bàn xa hơn, nhưng với khuôn khổ bài viết này, nói về quan điểm cá nhân, điều tôi sợ hãi không phải là những gì "có lý" mà tác giả đưa ra, mà điều tôi sợ hãi chính là tính chất giáo điều mang tính chất thiếu thực tế mà tác giả khuyên nhủ đến các bạn trẻ và được chấp nhận, quy phục một cách dễ dàng.
Các bạn sinh viên ơi, ngay cả các bạn cũng không hiểu được giá trị của chính mình, thì làm sao các công ty dám giao cho các bạn việc gì ngoài việc "bưng trà, in giấy tờ và rót nước".