Cùng với Doraemon, bộ truyện tranh "Thám tử lừng danh Conan" cũng như phiên bản hoạt hình là người bạn thân đi qua thời thơ ấu của biết bao thế hệ. Đến ngày nay, Conan vẫn là một trong những bộ truyện tranh ăn khách nhất mọi thời đại và thậm chí là một trong những đại diện quan trọng nhất của nền văn hóa manga Nhật Bản.
Họa sĩ Gosho Aoyama đã tạo nên manga này từ tháng 1 năm 1994 và đến hiện tại vẫn chưa kết thúc. Ước tính, đã có tới 250 triệu bản truyện Conan được tiêu thụ khắp toàn cầu. Anime chuyển thể từ manga cũng đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt và đã được phát sóng ở không ít hơn 22 quốc gia trên thế giới.
Dù đã chìm đắm và theo dõi những vụ án của tác giả Gosho Aoyama suốt chục năm qua, có thể có nhiều người vẫn không biết những câu chuyện thú vị bên lề của Conan này.
Vào năm 1996, hai năm sau khi manga ra mắt, anime "Thám tử lừng danh Conan" đã bắt đầu được sản xuất và sau đó phát sóng, không chỉ tại Nhật Bản mà còn tại ít nhất 40 quốc gia khác, và đến nay đã có hơn 1.000 tập.
Minami Takayama, người đã lồng tiếng cho Conan, chính là vợ cũ của tác giả Gosho Aoyama. Họ kết hôn vào năm 2005 nhưng cuộc hôn nhân này chỉ kéo dài 2 năm. Dù vậy, cả hai vẫn duy trì một mối quan hệ bạn bè thân thiết khi Takayama tiếp tục công việc lồng tiếng cho nhân vật Conan sau khi họ ly hôn.
Sự ảnh hưởng rộng lớn của Conan đã đưa nhân vật này xuất hiện trong nhiều manga và anime khác, như là "Lupin III vs. Thám tử lừng danh Conan" - một chương trình truyền hình đặc biệt năm 2009 và sau đó là một bộ phim vào năm 2013. Trong "Inuyasha," có một nhân vật mặc đồ giống hệt Conan với chiếc nơ đỏ, và "Yakitate Japan" thì lại có hình ảnh một chú hề cải trang thành Conan Edogawa. "No Game No Life" cũng có đề cập đến Conan trong nội dung.
Dù là huyền thoại tại châu Á nhưng ở phương Tây, nhất là tại Mỹ, thám tử Conan không hề phổ biến. Tại Mỹ, "Thám tử lừng danh Conan" không thể gặt hái được nhiều thành công, nơi nó được biết đến với cái tên "Case Closed".
Dù có nhiều nguyên do dẫn đến việc này nhưng nhiều người cho rằng việc các nhân vật phải đổi tên sang tiếng Anh đã khiến bộ truyện mất đi sự quen thuộc và bản sắc Nhật Bản. Phiên bản lồng tiếng Anh có sự thay đổi tên của các nhân vật như Shinichi Kudo thành Jimmy Kudo, Ran Mouri thành Rachel Moore, và Ai Haibara là Anita Hailey/Vi Graythorn.
Tên của nhân vật Conan được truyền cảm hứng từ hai nhà văn đình đám: Arthur Conan Doyle, người đã tạo ra nhân vật Sherlock Holmes mà Shinichi Kudo ngưỡng mộ, và Edogawa Ranpo - một nhà văn tiên phong trong lĩnh vực tiểu thuyết bí ẩn tại Nhật Bản. Sự kính trọng của Gosho Aoyama dành cho hai nhà văn nổi tiếng này được thể hiện qua việc đặt tên cho nhân vật chính của mình.
Thị trấn Hokuei, tỉnh Tottori - nơi tác giả Gosho Aoyama sinh ra, đã được biến thành thị trấn Conan, nhằm mục đích thúc đẩy du lịch. Tại đây, du khách có thể tìm thấy các bức tượng nhân vật và nhiều địa điểm tham quan khác liên quan đến manga. Cậu bé Conan thực sự đã tạo ra một “nền kinh tế” của riêng mình, tương tự như Doraemon hay Hello Kitty.
Còn về “nguyên quán” thực sự của nhân vật Conan thì chính bản thân họa sĩ cũng chưa bao giờ xác nhận, dù là trong truyện hay chia sẻ ngoài đời. Dẫu vậy, Conan hay Shinichi được sinh ra và đã sống cả đời ở Tokyo.