Bạn nghe khắp báo đài rằng hàng loạt cử nhân ra trường thất nghiệp. Rồi chính những tờ báo ấy đưa tin về những người có thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng mà chẳng hề theo học đại học. Thậm chí bạn bè xung quanh cũng không thiếu người làm ông chủ quán cà phê, bà chủ shop thời trang online,… nhưng chưa từng qua trường lớp. Thế thì đơn giản quá, chỉ cần "theo đuổi đam mê và thành công sẽ theo đuổi bạn!"
Điều tồi tệ là bạn chẳng biết mình muốn gì. Bạn không thích bán hàng online như cô bạn cùng lớp, mà cũng chẳng muốn làm bác sĩ như ba mẹ mong đợi. "Đam mê" với bạn là thứ gì đó rất mông lung, xa lạ. Nhưng rốt cuộc thì bạn vẫn nộp đơn vào trường đại học vì áp lực phải làm "rạng danh" cha mẹ.
Năm 18 tuổi, tôi cũng từng như thế, từng hoang mang khi bước chân vào trường đại học. Nhiều năm sau đó, khi nhìn lại, tôi vẫn tự hỏi: Mình đã làm được gì suốt thời gian đó? 4 năm đại học có thực sự cần thiết cho công việc của tôi? Và điều mà tôi nhận ra là chẳng có câu trả lời nào hoàn hảo cả!
Rất nhiều người than vãn rằng họ đã lãng phí thời gian ở trường đại học, bởi có quá nhiều môn học không giúp ích gì cho công việc tương lai. Chẳng lý nào lại phải hy sinh học quá nhiều nếu như lúc đi làm bạn sẽ lại được đào tạo lại từ đầu. Chưa kể tới việc bạn chọn làm một nghề chẳng mấy liên quan tới bằng đại học. Thế thì liệu nó có xứng đáng với thời gian và công sức bạn bỏ ra?
Đại học không đơn thuần là nơi để "cày cuốc" với sách vở. Giá trị thật của tấm bằng đại học là ở sự thay đổi trong nhận thức, tư duy và thái độ của bạn trong suốt quãng thời gian ở trường, từ đó làm nền tảng cho bạn vào đời. Ngay cả những người nổi tiếng như Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg – ba tỷ phú đã bỏ ngang đại học để tập trung cho sự nghiệp của mình – cũng phải thừa nhận rằng đại học thật sự có ích.
Đại học còn là môi trường để rèn luyện kỹ năng và xây dựng quan hệ - những thứ rất cần để tồn tại được trong xã hội cạnh tranh khốc liệt này. Có lẽ bạn đã nếm trải rất rõ sự khốc liệt ấy nếu phải sớm va chạm với bên ngoài.
Nhưng tin tôi đi, cái "xã hội thu nhỏ" trong trường đại học cũng sẽ dạy cho bạn rằng "cuộc đời nào phải màu hồng". Có chăng là ở trường thì mọi chuyện diễn ra theo cách nhẹ nhàng hơn chút thôi, vì xung quanh bạn dù sao cũng là những người cùng trang lứa, chứ không phải là những đồng nghiệp hay sếp lớn thích áp đặt.
Một ví dụ điển hình là ở trường đại học, sẽ có rất nhiều lần bạn chán nản vì bị … "ép" học những môn mà bạn cho là "vô bổ". Bạn nói rằng chúng không phù hợp với sở thích và cũng chẳng ích gì cho tương lai sau này. Nào, hãy dừng lại một chút! Chương trình học được thiết kế cho vài trăm sinh viên chứ đâu phải cho riêng mình bạn.
Đương nhiên sẽ có lúc bạn thấy không phù hợp, nhưng đâu có thay đổi được sự thật là bạn vẫn phải học. Thế nên hãy ngừng kêu ca, thay vào đó, hãy tìm cách để "yêu" môn học mà mình không thích. Chẳng hạn, hãy đi tìm "chiến hữu" để học chung, chỉ cần thuyết phục được một người "chịu khổ chung" là bạn đã thấy tốt hơn rồi đấy.
Sau này cũng vậy, cả khi đi làm hay trong cuộc sống, rồi sẽ có lúc bạn nhận ra rằng đôi khi ta phải chấp nhận những gì mà người khác trao cho mình. Đừng vì thế mà thất vọng, nhưng hãy tìm cách thỏa hiệp. Người khôn ngoan tìm cách tận dụng hoàn cảnh chứ không phải đổ lỗi cho nó.
Hơn nữa, sẽ có những lúc bạn bị đẩy vào những tình huống cực trớ trêu. Hãy thử tưởng tượng khi đi làm, bạn bất ngờ bị sếp bắt tính toán các chi phí tài chính, trong khi công việc bình thường của bạn là marketing. Lúc ấy có lẽ bạn sẽ ước rằng mình đã tập trung hơn trong lớp nhập môn tài chính. Và thật sự là những tình huống khó khăn như vậy sẽ luôn xuất hiện trong cuộc đời đi làm. Người ta sẽ chẳng quan tâm bạn giỏi đến cỡ nào hay bạn đã học gì ở trường. Cái họ cần là bạn giải quyết gọn ghẽ công việc mà họ giao. Vậy nên đừng vội chán nản, bởi bạn sẽ chẳng biết khi nào mình cần đến kiến thức đã học.
Nói như vậy là tôi ủng hộ việc đi học đại học?… Không hẳn là thế!
Thực tế là sở hữu bằng đại học cũng không là gì cả, mỗi năm vẫn có hàng trăm ngàn cử nhân ra trường rồi "ôm bằng thất nghiệp" đấy thôi.
Một phần nguyên nhân của tình trạng ấy là do chúng chưa có định hướng rõ ràng. Nếu bạn phải tốn đến bốn năm "vật vã" ở trường, cố gắng vượt qua mọi kỳ thi chỉ để lấy được một tấm bằng như bao người khác, rồi lại tiếp tục chờ đợi, tiếp tục hoang mang.
Vậy thì đó chỉ là sự lãng phí. Tuy nhiên, nếu bạn bỏ dở việc học, quyết định theo đuổi "đam mê khởi nghiệp kinh doanh" khi trong tay chẳng có chút kinh nghiệm, nhiều khả năng bạn sẽ sớm thất bại, thậm chí phải chịu một cú sốc có thể khiến bạn chẳng đứng dậy được. Và đó cũng là một kiểu lãng phí.
Chúng ta dễ bị ru ngủ bởi những câu chuyện thành công mà quên rằng thất bại vẫn luôn xuất hiện dọc đường. Chúng ta cố gắng tìm cho mình "lối tắt" an toàn, vội vã chạy theo xu hướng mà không biết rằng điều kiện của mỗi cá nhân là rất khác biệt. Thế nên, xin hãy dừng lại một chút và dành thời gian để hiểu bản thân mình.
Không dễ để có thể trả lời những câu hỏi này. Bởi đơn giản là không phải ai cũng may mắn sớm tìm được đam mê. Vẫn có những người phải mất gần cả cuộc đời để biết điều mình thực sự mong muốn, nhưng quan trọng là cuối cùng họ vẫn tìm ra câu trả lời.
Thế nên đừng chùn bước, hãy cứ thử thách bản thân. Vì thành công nằm ở cả quá trình, chứ không chỉ riêng kết quả. Khi bạn tìm được đam mê thực sự cũng là lúc bạn đã đến rất gần với thành công của mình.
Dù là vậy, bạn nhất thiết phải suy xét kỹ càng chứ không nên hành động thiếu suy nghĩ. Chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa yêu thích và đam mê. Đam mê khởi đầu bằng yêu thích, nhưng việc bạn thích một ngành nghề nào đó không có nghĩa là bạn đam mê nó.
Đam mê đòi hỏi tài năng, lòng kiên nhẫn và sự hy sinh. Bạn có quyền mơ trở thành bác sĩ, nhưng hãy chắc chắn khả năng tiếp thu của mình phù hợp với một chương trình học cực kỳ phức tạp, kéo dài ít nhất 6 năm. Rồi sau đó khi ra trường đi làm, hãy chắc chắn bạn đủ kiên trì để theo kịp những kíp trực đêm ở bệnh viện và những ngày làm việc bất kể lễ Tết.
Bác sĩ không chỉ cần kiến thức, họ phải có cả y đức thì bệnh nhân mới tin tưởng trao mạng sống vào tay họ. Bạn tin rằng mình có đủ các phẩm chất ấy hay không? Tương tự, bạn có quyền mơ làm ca sĩ nổi tiếng, nhưng bạn có dám chấp nhận khổ luyện cực nhọc hàng năm trời, chấp nhận bắt đầu từ những show diễn tỉnh lẻ với đồng lương bèo bọt?
Vậy đấy, đừng để những yêu thích nhất thời làm mờ mắt bạn. Bạn có thể mạo hiểm, nhưng đừng nôn nóng mà khiến mình thiếu đi sự sáng suốt. Việc gì cũng cần có sự chuẩn bị kỹ càng. Nói đúng hơn, hãy biết cách nuôi dưỡng đam mê chứ đừng theo đuổi nó một cách ngu ngốc.
Xã hội này luôn có sự phân công lao động rõ ràng, mỗi người là một mắt xích nhỏ trong guồng quay lớn. Ai cũng có vị trí của mình và chẳng có công việc nào là cao trọng hơn những việc khác. Vậy nên nếu bạn đã biết mình muốn gì, hãy bắt tay ngay vào xây dựng kế hoạch để thực hiện nó.
Năng lực của mỗi cá nhân khác nhau, thế nên con đường thành công của họ cũng phải khác nhau. Nếu đại học là điều không thể thiếu để bạn theo đuổi ước mơ của mình, hãy học tập hết mình, trau dồi chuyên môn cho thật tốt. Nhưng nếu công việc bạn mong đợi không nhất thiết phải được đào tạo bằng chương trình đại học kéo dài nhiều năm, thế thì đừng ép buộc bản thân phải đến trường, hãy dành thời gian đó để trải nghiệm thực tế.
Suy cho cùng, nếu con đường đã chọn cho bạn động lực để thức dậy vào mỗi sáng và luôn mỉm cười hạnh phúc khi nhìn thấy thành quả mình đạt được, vậy thì dù bạn có làm gì đi chăng nữa, nó vẫn là điều đáng tự hào.
Bạn chỉ mới 18 tuổi. Bạn còn trẻ. Bạn được quyền thử, được quyền sai lầm. Hãy cứ sống và trải nghiệm. Đừng vội giới hạn bản thân bởi vì vẫn còn nhiều tài năng ẩn sâu trong bạn.
Nhưng bạn cũng đã 18 tuổi. Đã đến lúc phải trưởng thành rồi. Hãy thôi phụ thuộc vào người khác, thôi đổ lỗi cho hoàn cảnh. Hãy là người chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của mình. Đừng sợ thất bại, bởi thật ra nó là điều khó tránh khỏi, điều quan trọng là biết cách tự mình đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã.
Thế đấy, không có công thức nào là hoàn hảo cho tất cả mọi người, nhưng sẽ luôn có công thức hoàn hảo dành riêng cho bạn. Chúc bạn sớm tìm được điều gì là tốt nhất cho mình!