Đức thắng nhờ có Chúa, thánh thần và Toni Kroos!

Quế Nam, Theo Trí Thức Trẻ 14:06 24/06/2018
Chia sẻ

Sochi có vẻ là một mặt sân phong thủy cho những bất ngờ phút chót. Cristiano Ronaldo đã sút phạt hạ De Gea ở đó. Và bây giờ, Toni Kroos cầm tay Đức băng qua cửa tử.

Các CĐV Đức đã úp mặt vào tay. "Nhiều người đã chuẩn bị ăn mừng việc Đức thua trận," Toni Kroos nói. Trước khi Kroos đứng trước quả sút phạt cuối trận, mọi người đều tin số phận đã an bài với Đức. Đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, tất cả đều đã chuẩn bị gửi lời chào đến nhà ĐKVĐ.

Máy quay cận một vài CĐV nữ, nước mắt đã ràn rụa. Khó tin quá mà. Những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đều đã từng bị loại từ vòng bảng. Người Ý, người Tây Ban Nha, người Pháp, người Anh… đều đã khóc ròng. Nhưng người Đức thì khác. Lần cuối cùng họ rời vòng bảng World Cup là năm 1938. Hồi ấy, Đức… chưa là Đức.

Đức thắng nhờ có Chúa, thánh thần và Toni Kroos! - Ảnh 1.

Nhưng khi Kroos đứng trước quả sút phạt cuối cùng, người Đức thấy địa ngục phía trước. Hòa với Thụy Điển, họ sẽ mất quyền tự quyết. Trận cuối, họ có hạ Hàn Quốc với tỷ số bao nhiêu đi nữa, Mexico và Thụy Điển sẽ dìu nhau vào vòng hai với một trận hòa.

Bên ngoài đường piste, HLV Joachim Loew với mái tóc dường như còn bạc hơn… đầu trận. Mặt ông bí xị như trót gả nhầm con gái cho gã bán thịt. Các CĐV Thụy Điển ồn ào hét lên: "Deutschland, Auf Wiedersehen". Năm phút bù giờ chỉ còn tính bằng giây.

Rồi Toni Kroos bước lên, thì thầm gì đó với Marco Reus. Kroos là người có đường chuyền hỏng, tạo cơ hội cho Ola Toivonen ghi bàn mở tỷ số cho Thụy Điển. Giờ anh có cơ hội cứu chuộc. Nhưng góc sút hẹp quá, và toàn bộ đội hình Thụy Điển đã lùi về cả rồi.

Đức thắng nhờ có Chúa, thánh thần và Toni Kroos! - Ảnh 2.

Chẳng ai dám nghĩ Kroos sẽ sút vào. Nhưng anh đã làm được việc ấy. Đá quả bóng nhẹ cho Reus, hàng rào và các cầu thủ bên trong nhốn nháo cả lên. Thủ môn Thụy Điển đang tập trung bỗng hơi giật mình. Và bóng cuộn vào góc xa. 2-1, Kroos kéo Đức lách mình qua cửa tử.

Gary Lineker viết trên Twitter: "Bóng đá là một trò chơi đơn giản. 22 gã đàn ông đuổi theo một quả bóng trong 82 phút. Đức bị đuổi một người. Còn lại 21 gã đuổi theo một quả bóng trong 13 phút và cuối cùng, Đức đã thắng bằng một cách quái quỷ nào đó".

Nhiều cầu thủ sẽ buông xuôi vào thời điểm ấy, Toni Kroos thì không. Nhiều đội bóng sẽ gục ngã vì bao nhiêu nỗ lực đều bay vào cột dọc và tay thủ môn đội bạn, Đức thì không. Họ làm người ta nhớ vì sao đội tuyển Đức lại được yêu mến đến vậy và thành công đến vậy. Vì thứ tinh thần đặc sệt chất Đức. Sút, sút nữa, sút mãi, đến khi vào thì thôi.

Đức thắng nhờ có Chúa, thánh thần và Toni Kroos! - Ảnh 3.

Khi Kroos đứng trước quả bóng, ta không nhìn thấy ở anh sự run sợ. Anh là một nhà vô địch đích thực. Anh đã vô địch thế giới cùng Đức bốn năm trước, là tiền vệ hay nhất giải đấu. Anh vô địch Champions League một lần cùng Bayern Munich. Sau khi anh chuyển sang Real Madrid, anh cùng CLB Hoàng gia Tây Ban Nha vô địch Champions League ba lần liên tiếp. Còn Bayern thì… không vô địch nữa.

Anh đã trải qua vô vàn những trận cầu thuộc hàng sinh tử, nên khi đứng trước quả đá phạt, anh vẫn cảm giác như đang đá bóng với… bạn bè trong công viên.

Nhưng Kroos thì là tấm gương phản chiếu của Đức. Nhà ĐKVĐ không chịu đầu hàng số phận, như cách mà Tây Ban Nha đã bị loại ở World Cup 2014 (sau khi vô địch 2010) và Italia bị loại ở World Cup 2010 (sau khi vô địch 2006). Họ vùng vẫy, họ làm tất cả mọi thứ có thể. Như Joachim Loew, đã loại Sami Khedira và Mesut Oezil sau trận đầu tiên, vì họ đi bộ nhiều hơn là chạy.

Đức thắng nhờ có Chúa, thánh thần và Toni Kroos! - Ảnh 4.

Đội bóng ấy đã chống lại sự lãng công của hai tiền vệ trụ cột vừa nêu, họ vượt qua một cuộc khủng hoảng chính trị (Oezil và Ilkay Gundogan bị chính CĐV Đức chửi rủa vì chụp hình cùng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ), họ vượt qua vận rủi chấn thương (Mats Hummels), họ vượt qua nỗi vất vả thiếu người (Jerome Boateng bị thẻ vàng thứ hai), họ vượt qua nốt sự xui xẻo (bóng bật vào cột dọc sau cú sút của Julian Brandt). Chúa không thể làm ngơ với những con người biết vượt qua nghịch cảnh.

"Đây là một thước phim ly kỳ," Joachim Loew nói. "Cảm xúc tăng dần vào những phút cuối, nhưng những trận đấu như thế này luôn hiện hữu trong bóng đá, và những tấm vé nốc ao được định đoạt bởi những khoảnh khắc như thế".

Những kẻ chết hụt thường sống rất dai, người ta nói thế. Vượt qua một thác ghềnh quan trọng như thế, người ta bắt đầu cảm thấy Đức đáng sợ.

Sự đáng sợ ấy đã đẩy Thụy Điển rúm ró về tận sân nhà dù chơi nhiều hơn 10 người. Sức mạnh uy hiếp ấy, nếu không phải là tinh thần cha ông của người Đức, thì hiếm có đội bóng nào có được.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày