Du lịch Việt Nam: Phát triển sản phẩm lưu niệm, góp phần nâng tầm điểm đến

TTXVN, Theo Tuổi Trẻ 20:28 16/08/2022

Coi trọng phát triển, sáng tạo quà lưu niệm được nhiều địa phương quan tâm thực hiện với mong muốn phát triển kinh tế du lịch, tạo sinh kế cho người dân bản địa, đồng thời khẳng định bản sắc văn hóa.

Du lịch Việt Nam: Phát triển sản phẩm lưu niệm, góp phần nâng tầm điểm đến - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài mua sắm tại chợ Bến Thành, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tạo dấu ấn riêng

Sản phẩm lưu niệm được xem là mặt hàng xuất khẩu tại chỗ, bởi được bán ngay ở trong nước. Khách du lịch quốc tế chọn mua và mang về sau chuyến du lịch, giữ lại làm kỷ niệm hoặc tặng người thân, bạn bè, tức là sản phẩm đã được ra khỏi biên giới, là vật dụng gợi nhớ về một hành trình, trải nghiệm. 

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Hoài Thanh - Trường đại học Tài nguyên và môi trường TP.HCM, sản phẩm lưu niệm thường mang đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc, tôn vinh các giá trị văn hóa. 

Sản phẩm lưu niệm chính là những tác phẩm nghệ thuật. Thông qua đó, du khách phần nào thấy được hình ảnh con người, địa phương nói chung và bản sắc văn hóa của con người nơi tạo ra sản phẩm.

Đề cập về các sản phẩm lưu niệm phục vụ phát triển du lịch ở địa phương, ông Trần Hiếu Hùng - giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Cà Mau - chia sẻ, đến tham quan Cà Mau, nhiều du khách quan tâm, tìm mua các sản phẩm lưu niệm thể hiện nét văn hóa, đặc trưng của vùng đất có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt, có khu dự trữ sinh quyển thế giới với những rừng đước, rừng tràm bạt ngàn.

Hiện nay, cùng với gần 80 sản phẩm đặc sản đã được gắn sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), tỉnh còn có nhiều sản phẩm quà tặng, lưu niệm giới thiệu đến du khách như: biểu tượng cột cờ Mũi Cà Mau, biểu tượng con tàu vươn khơi ở Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau hay hình con cua Cà Mau, con ốc len, cá thòi lòi... được làm từ gỗ.

Với tỉnh Đồng Tháp - vùng đất sen hồng, nhiều sản phẩm lưu niệm, quà tặng được những người thợ thủ công mỹ nghệ sáng tạo mang đậm bản sắc, gắn với biểu tượng vui "Bé Sen" độc đáo của tỉnh.

Gắn với định vị bản sắc điểm đến

Phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng theo hướng gắn với bản sắc văn hóa là rất cần thiết để tạo nét riêng, định vị điểm đến cho du lịch từng địa phương và cả quốc gia.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các sản phẩm quà tặng, lưu niệm vẫn còn tình trạng sản phẩm trùng lặp, đơn điệu, chưa thể hiện nét riêng về vùng đất, con người. Một số sản phẩm chưa đảm bảo sự tối ưu về chất lượng, kích cỡ để du khách, nhất là du khách nước ngoài thuận tiện trong vận chuyển, bảo quản lâu dài.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, nguyên nhân khiến một số sản phẩm quà tặng, lưu niệm của các làng nghề chưa được nhiều du khách biết tới là do chưa chú trọng sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch; chưa coi trọng việc đảm bảo sở hữu trí tuệ, không giữ được bản quyền, dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm quà tặng còn bị "nhái" mẫu mã.

Gợi mở về giải pháp phát triển quà lưu niệm đối với hoạt động du lịch, nhìn từ Cần Thơ - trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiến sĩ Tăng Tấn Lộc, Trường đại học Tây Đô, và các cộng sự đề xuất, để đa dạng sản phẩm, các cơ sở sản xuất ở địa phương cần tiếp tục quan tâm chọn lọc, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm thân thiện môi trường, gần gũi thiên nhiên, đảm bảo cho sự phát triển du lịch bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày