Nhân vật trải nghiệm: Nhung Hoàng
Tuổi: 43
Đến từ: Hà Nội
Nghề nghiệp: Nhân viên văn phòng
"Ta sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy giá trị của những chuyến đi nếu cứ mãi cằn nhằn về mấy cái ổ gà bên đường. Thay vào đó hướng đôi mắt ra để nhìn thấy trời đất rộng lớn, thứ nhận được sẽ khiến ta bất ngờ...", đây là một đoạn trích tôi rất thích trong cuốn Phía Sau Cỗ Torii. Và câu nói này thật sự đúng khi áp dụng với chuyến đi tới Ladakh, Ấn Độ vừa rồi của tôi - một chuyến đi mà những người bạn tôi sau khi nghe kể gọi là "1 tuần tai biến"!
Gọi là chuyến đi "tai biến" bởi trong suốt hành trình kéo dài 9 ngày, tôi đã phải trải qua nhiều lần xanh mắt mèo bởi thời tiết khắc nghiệt ở nơi được mệnh danh là Tiểu Tây Tạng này. Trước khi đi, tôi đã nghe nhiều, đọc nhiều về Ladakh - nơi vốn không dành cho những ai thích nghỉ dưỡng, là nơi được bao bọc bởi nguồn năng lượng vĩ đại của các dãy núi lớn, trong đó có dãy Himalaya.
Cũng chính bởi máu "đu trend" nên tôi và nhóm bạn thân quyết định xách ba lô lên và tới Ladakh vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Khi máy bay bay qua dãy Himalaya trùng trùng điệp điệp để đưa chúng tôi tới Leh - thủ phủ của Ladakh, tuyết phủ gần như trắng xóa, tôi mỉm cười và thầm nghĩ rốt cuộc mình cũng có cơ hội chạm vào tuyết rồi. Nhưng lúc đó tôi không thể lường được rằng, sau này cũng chính bởi tuyết mà tôi đã gặp nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Khung cảnh những ngọn núi phủ trắng bởi tuyết khi tôi nhìn qua cửa kính máy bay
Ở Leh, thời tiết trong ngày thay đổi đến chóng mặt. Buổi trưa bầu trời trong xanh, ánh nắng trải dài khắp các dãy núi và những con đường, nhưng khi chiều xuống, nhiệt độ nhanh chóng tụt xuống, có khi chỉ còn -1 độ C. Ngay buổi tối đầu tiên, đoàn tôi đã có 3-4 người phải vào viện thở oxy. Còn tôi, do vẫn còn tác dụng của thuốc chống độ cao uống từ ở Việt Nam nên vẫn ổn. Tôi vẫn cùng người bạn thân đi lang thang chợ Leh, thăm thú, mua sắm đủ thứ rồi trở về khách sạn ngủ ngon lành.
Suốt 2 ngày đầu tiên, đoàn chúng tôi vừa tập làm quen với độ cao ở Leh - lên tới 3500m so với mực nước biển, vừa khám phá các tu viện, cung điện nổi tiếng ở Leh. Nhưng chỉ ngay buổi tối ngày thứ 2, "cơn tai biến" đầu tiên bắt đầu ập tới với tôi. Tim tôi bắt đầu đập nhanh, đầu thì đau như muốn vỡ tung, mũi bắt đầu có triệu chứng khô rát. Tôi không thở được. Lúc ấy trong đầu tôi chỉ nghĩ rằng, bản thân mình có thể chết bất kỳ lúc nào…
Những khung cảnh đẹp chúng tôi nhìn thấy và được trải nghiệm trong chuyến đi
Cuối cùng tôi được bạn thân "bê" ngay đến bệnh viện trong tình trạng spo2 (chỉ số oxy trong máu) chỉ còn 61. Tôi phải thở oxy ngay lập tức. Sau khi có sự giúp đỡ của máy thở và các bài học tôi có khi học yoga, spo2 của tôi đã tăng lên 92. Dù bác sĩ vẫn muốn tôi ở lại qua đêm, song bạn tôi nhất quyết "chạy" khắp nơi để xin cho tôi được ra viện. Và thế là vào lúc 23h55 phút, tôi ký vào giấy xác nhận tự chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của bản thân và trở về khách sạn để hôm sau còn có chuyến đi khác.
Ngày thứ 3, cả đoàn di chuyển tới đèo Khardung La - con đèo dành cho xe cơ giới cao nhất thế giới (5.602m) . Dù cả quãng đường tôi đã rất mệt bởi những con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu và xóc nảy nhưng khi đến nơi, được sự động viên của cô bạn thân cùng khung cảnh quá đỗi vô thực, tôi đã xuống xe và tận tay chạm vào những bông tuyết mà tôi hằng ao ước. Tuy nhiên, những cơn gió mạnh kèm theo tuyết ập thẳng vào mặt khiến tôi rùng mình và ớn lạnh. Khi nhìn vào tuyết quá lâu, tôi đã gặp phải chứng "mù tuyết". Đầu đau như búa bổ, mắt dường như không nhìn rõ bất kỳ thứ gì xung quanh.
Đồ ăn ở đây phải nói là khá mặn, mùi cari khiến tôi lúc nào cũng trong trạng thái như người bị nghén. Vì vậy thứ gần như duy nhất giúp tôi nạp năng lượng để duy trì sức lực cho chuyến hành trình dài hơi này chính là những gói mì tôm hay đồ ăn khác mang từ Việt Nam. Trong suốt những ngày sau, tôi liên tục phải uống thuốc chống sốc và những gói nhân sâm để có thêm sức khỏe.
Chúng tôi vui vẻ chụp ảnh cùng những ngọn núi tuyết
Tai biến thứ 3 có lẽ là bất ngờ và khiến tôi cũng như cả đoàn phải bối rối nhất trong suốt gần 1 tuần của chuyến đi. Vào ngày thứ 5 của hành trình, cả đoàn nghe tin "sét đánh ngang tai" - hãng hàng không Go First, hãng hàng không mà cả đoàn đặt vé để bay từ Leh - New Delhi, sau đó bay thẳng về Việt Nam... đã nộp đơn xin phá sản và các chuyến bay của hãng bắt buộc phải hủy bỏ.
Lúc này chúng tôi chuẩn bị lên đường tới Pangong, một trong những hồ nước lợ lớn nhất khu vực dãy Himalaya cũng như châu Á và là nơi từng xuất hiện trong các cảnh quay của bộ phim Ba Chàng Ngốc. Chúng tôi thực sự hoảng loạn! Lúc này tôi đã nghĩ, người ta chỉ bị hủy chuyến hay lùi chuyến bay thôi, nhưng trường hợp của tôi là cả hãng bay phải hủy chuyến thì thật sự hi hữu.
Bạn của tôi bắt đầu tìm phương án giải quyết. Cho dù đoàn vẫn lên đường để đến Pangong, nơi sẽ không mạng, không sóng điện thoại, không điện, không nước nóng, nhưng trong suốt 6 tiếng di chuyển trên xe, những cuộc điện thoại liên tục diễn ra để hỏi mua vé bay về Việt Nam từ Leh. Song tất cả đều không có kết quả, giá vé thì rất cao, lên đến gần 20 triệu nhưng cũng không có vé.
Chúng tôi di chuyển trên xe
Tới Pangong, nước hồ màu xanh như ngọc bích, thay đổi theo ánh nắng trong ngày. Bao quanh hồ còn là những dãy núi trùng điệp, phủ đầy tuyết trắng, tạo nên một khung cảnh rất đẹp. Nhưng thời tiết hôm đó lại hơi âm u, tôi thầm nghĩ: "Dường như thời tiết cũng đồng cảm với nỗi buồn của chúng tôi khi hi vọng mua được vé máy bay của mình tại Leh cũng đã hết". Nhiệt độ lúc này là 2 độ C, thậm chí khi về đêm, con số xuống tới -20 độ C.
Cuối cùng chúng tôi đành chọn phương án nhóm 15 người (bao gồm cả chúng tôi) sẽ trở về Leh rồi đi đường bộ sang một bang khác, cách Leh khoảng 400km. Qua đến bang đó, chúng tôi sẽ có vé của hãng bay khác để bay về New Delhi và về Việt Nam.
Trên đường trở về đó, chúng tôi tiếp tục gặp những cơn bão tuyết dày đặc trên đèo Chang La, ở độ cao 5360m. Tuyết dày đặc phủ kín những ngọn núi màu trắng xóa. Con đường cũng phủ kín tuyết nên các phương tiện phải chật vật di chuyển qua. Xe cào tuyết thì hoạt động hết công suất. Cứ chốc chốc, các bác tài lại ới nhau thông báo tắc đường phía trước. Cứ ngỡ chỉ tắc 15 - 20 phút, nào ngờ chôn chân 3 giờ trên đỉnh đèo. Sau gần 9 tiếng, đến 16h30, chúng tôi cũng về được Leh và chuẩn bị cho hành trình 400km tiếp theo.
Chúng tôi thường xuyên phải đi qua con đường đầy tuyết hay những khúc cua ngoằn ngoèo
18h00 xuất phát, và phải đến 4h00 sáng hôm sau, chúng tôi mới tới được đích. Chúng tôi chạy xuyên đêm, cứ lên đèo rồi lại xuống. Điều này lặp đi lặp lại nhiều đến nỗi tôi không thể nhớ được mình đã đi qua bao nhiêu ngọn núi, bao nhiêu con đèo. Tất cả ngồi trên xe đều không ăn, không tắm rửa, không đi vệ sinh và không ngủ, dù cho lưng hay mắt đã mệt mỏi rã rời. Một phần vì điều kiện bắt buộc phải như vậy, một phần vì chúng tôi quá lo lắng và sợ hãi. Chúng tôi sợ rằng, chuyến đi này không thành công và có khi sẽ phải ở lại nơi đất khách này thêm một thời gian.
0h30, về cơ bản chúng tôi đã tới được điểm đến. Tuy nhiên, một vài trục trặc đã xảy ra, khiến chúng tôi phải rời đi và 4h00 sáng mới được quay lại. Và cuối cùng, khoảng 5h sáng chúng tôi đã lại được tiếp tục hành trình đi về sân bay Sheikh Ul Alam. Lúc đó cảm xúc như vỡ òa. Thật sự, chưa bao giờ tôi thấy nhớ nhà đến như vậy. Bởi nỗi sợ hãi khi phải chờ quá lâu, sợ lại tiếp tục trễ chuyến bay hay sợ có khi phải quay lại Leh và chờ chuyến bay khác, cứ xâm chiếm suy nghĩ của tôi. Cuối cùng, tôi cũng được về nhà.
Chuyến đi kết thúc, và nó chính xác là những chuyến đi mà tôi đạt tới mọi cảnh giới của bản thân và là chuyến đi "nhớ đời" nhất cho đến thời điểm hiện tại.
Tôi và nhóm bạn thân từng cùng nhau đi nhiều nơi, tới nhiều quốc gia. Chúng tôi từng du lịch tự túc tới Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc hay cả Trung Quốc. Nhưng thật sự mà nói, chuyến đi tới Ladakh dù chỉ kéo dài vỏn vẹn 1 tuần, cho tới thời điểm hiện tại vẫn là chuyến đi đáng nhớ nhất và nhiều cung bậc cảm xúc nhất.
Ladakh có đẹp, rất đẹp, nhưng đúng là với bản thân tôi, nó có đôi chút khắc nghiệt. Vì vậy, khi ai đó hỏi tôi rằng có nên đi Ladakh không, tôi thật sự không biết nên trả lời thế nào. Ladakh không phải nơi chỉ để du lịch sống ảo, mà là nơi để trải nghiệm và thử thách giới hạn của bản thân.
Chuyến đi nào với tôi cũng thật đáng nhớ, và tôi không bao giờ hối hận về quyết định của mình
Tuy nhiên, chính những trải nghiệm khó khăn trong chuyến đi đã vô tình giúp tôi "lãi" được nhiều thứ. Tôi khám phá được thêm nhiều khả năng của bản thân, có thêm kinh nghiệm, kỹ năng sinh tồn khi đi du lịch (ví dụ như luôn phòng thân thuốc chống sốc khi tới những nơi ở cao, không khí loãng, làm mọi thứ thật chậm, tập thở khi cảm thấy khó thở, hay dúi đầu vào thành xe khi thấy đau đầu để có cảm giác như đang được "mát xa"), làm quen được những người bạn mới tuyệt vời; hay đơn giản là những kỉ niệm, những câu chuyện để đời.
Đối với tôi, chuyến đi vừa rồi hay mọi chuyến đi khác, không bao giờ tôi phải hối hận về quyết định của mình.