Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”

H. Trang - Thiết kế: Hồng Trường, Theo Thanhnienviet.vn 15:13 31/07/2024
Chia sẻ

Trước diện mạo mới của Chùa Cầu nhiều người khen đẹp, công phu, nhưng cũng có không ít ý kiến nhận xét công trình cổ này lạ lẫm quá.

Có thể nói Chùa Cầu Hội An đã là một biểu tượng quá quen thuộc với người dân Việt Nam. Ngôi chùa cổ kính in trên tờ tiền 20.000 đồng với kiến trúc độc đáo không chỉ là di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng, mà còn là niềm tự hào của người dân phố Hội. Hơn 4 thế kỷ tồn tại, dấu tích của thời gian đã in hằn lên từng góc cạnh của ngôi chùa vậy nên Chùa Cầu đã trải qua không ít lần tu bổ. Lần trùng tu quan trọng nhất cũng vừa hoàn thành cách đây không lâu và khi lớp áo cũ được lột bỏ đã lập tức tạo nên những cuộc tranh luận của cộng đồng mạng. Vậy Chùa Cầu sau trùng tu có gì đặc biệt mà dân tình phải xôn xao đến vậy?

Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 1.

Hình ảnh Chùa Cầu trước khi trùng tu. (Ảnh: @_anb301)

Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 2.

Cận cảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu. (Ảnh: Quốc Tuấn)

Du khách người hụt hẫng, người bất ngờ vì di tích hàng trăm năm tuổi "lạ quá”

Xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, Chùa Cầu (Lai Viễn Kiều) là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo không chỉ ở Việt Nam mà còn hiếm thấy trên thế giới. Vừa qua, sau gần 2 năm trùng tu, đơn vị thi công tu bổ Chùa Cầu đã tháo dỡ nhà bao che bảo vệ công trình và bất cứ ai đi ngang qua đây đều có thể ngắm di tích trong một diện mạo mới. Dễ dàng nhận thấy Chùa Cầu sau cuộc đại trùng tu đã trở nên mới mẻ, sáng sủa hơn nhờ mái ngói và họa tiết trên mái ngói rất nổi bật. Nhưng, cũng vì điều này mà nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì độ độc lạ của di tích, thậm chí còn nhận xét diện mạo mới kém phần "cổ kính" so với trước đây.

Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 3.
Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 4.

Khách du lịch ghi nhận hình ảnh Chùa Cầu sau khi được "thay da đổi thịt". Ảnh: Chí Hùng, Ảnh: @tayastudio.hoian

Là một du khách mới đến thăm Hội An vào ngày 28/7, chị P.T.Trang (Quảng Ninh) cho biết, chị hoàn toàn đồng tình với việc tu sửa Chùa Cầu để lưu giữ, bảo tồn được giá trị về nhiều mặt. Tuy nhiên, chị vẫn tiếc nuối khi nơi đây không còn hình ảnh cổ kính quen thuộc như xưa. "Khi công trình đã xuống cấp thì việc tu sửa là cần thiết. Tuy nhiên mình vẫn khá bất ngờ vì Chùa Cầu sau tu sửa có một diện mạo hơi xa lạ một chút, mình mong nơi đây sẽ lưu giữ được nét đẹp vốn có hơn thay vì những lớp sơn mới cứng như vậy", chị Trang chia sẻ.

Anh H.T cũng là một du khách đang có chuyến vi vu Hội An cùng gia đình, anh cho biết bản thân cảm thấy hụt hẫng khi chứng kiến diện mạo của Chùa Cầu sau trùng tu. "Mình thấy di tích có phần lạc lõng giữa lòng phố cổ. Các chi tiết được thay thế mới tạo cảm giác không ăn khớp cho lắm từ màu vôi, ngói, tường được làm mới quá dày khiến di tích mất ít nhiều sự hoài cổ. Mình sợ nếu như công trình nào ở Hội An trùng tu cũng mới như vậy thì phố hết cổ luôn".

Vốn là một người vô cùng yêu thích Hội An, ghé Chùa Cầu không biết bao nhiêu lần thì Ruby.Đ (26 tuổi, TP.HCM) lại có cảm nhận rằng: "Khi nhìn hình ảnh Chùa Cầu trong diện mạo mới thì với một người rất mê Hội An mình hơi ngỡ ngàng, ngơ ngác cảm thấy nó bị mất đi vẻ hoài cổ, nhìn cứ “cấn cấn”. Đặc biệt là phần mái nhà, nếu được thay đổi lại thì mình nghĩ phần cần được thay nhất chính là màu sắc của mái chùa, có thể thay bằng ngói đỏ và phần họa tiết trên đỉnh nên đổi thành màu xanh cẩm thạch thay thì vì ngọc bích như hiện tại".

Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 5.
Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 6.

Phần mái ngói cực mới lạ là chi tiết được nhiều người chú ý. Ảnh: @tayastudio.hoian

Bên cạnh những ý kiến khá bất bình về diện mạo mới của Chùa Cầu thì vẫn có những vị khách cảm thấy cuộc đại trùng tu này mang lại kết quả thiết thực. Điển hình như cậu bạn H.T.P (22 tuổi, TP.HCM) chia sẻ: "Mình thấy Chùa Cầu bên ngoài đẹp hơn trên ảnh, nơi đây vẫn giữ những kiến trúc như xưa, không khác bản cũ lắm đâu, chắc chắn qua một thời gian Chùa Cầu sẽ lại có nét rêu phong cổ kính của nó. Mình thấy để bảo tồn những điểm di tích trại một thành phố cổ như Hội An không hề dễ và mình chưa bao giờ hết yêu Hội An".

Cũng giống như H.T.P, cô bạn N.H.T (29 tuổi, Hà Nội) bày tỏ: "Mọi người thấy có vô lý không khi một công trình lịch sử được đại trùng tu xong lại phải “sơn màu thời gian” để giống y hệt như lúc chưa trùng tu? Chùa Cầu đã trải qua 400 năm với nhiều lần sửa chữa trước đó và theo mình thời điểm hiện tại, cuộc cuộc đại trùng tu này tuy chưa đạt đến độ xuất sắc nhưng có lẽ đã là tốt nhất rồi. Trùng tu chứ không phải làm giả cổ vì cái phần quan trọng nhất của trùng tu là kết cấu bên trong chứ không đơn thuần là phần mới mẻ bên ngoài như mọi người thấy trên ảnh".

Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 7.

Du khách vui chơi ở Hội An. (Ảnh: @Chím)

Người dân mừng rỡ vì linh hồn của phố Hội đã quay trở lại, hy vọng thời gian sẽ "pha thêm màu" cho di tích

Như đã đề cập từ đầu, Chùa Cầu không chỉ là một di tích lịch sử văn hóa thu hút đông đảo du khách ghé thăm mà nơi đây đã trở thành linh hồn, biểu tượng của người dân phố Hội. Chùa Cầu đã trải qua 400 năm tồn tại, dù được các thế hệ cư dân Hội An trân trọng, gìn giữ nhưng do sử dụng trong thời gian quá dài, gánh chịu lượng khách lớn cộng với tình hình lũ lụt ở Hội An nên việc di tích bị hư hại và buộc phải trùng thu, thay thế là điều không tránh khỏi.

Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 8.

Những vết tích hư hại của Chùa Cầu sau hàng trăm năm tồn tại. (Ảnh: @Aavhoc)

Anh P.A.N, một người sống lâu năm ở Hội An cho biết, anh và nhiều người dân tại đây rất mừng khi Chùa Cầu được trùng tu, sửa chữa. Anh bày tỏ rằng: "Theo thời gian, Chùa Cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, chúng tôi qua lại Chùa Cầu hằng ngày nên biết rất rõ mức độ hư hại của di tích. Mỗi lần đi là mỗi lần run, có cảm giác như di tích sắp sập tới nơi. Rất may trùng tu kịp thời và người dân ở đây chỉ hy vọng sắp tới di tích này sẽ khang trang, đặc biệt là an toàn hơn. Vẻ cổ kính đúng là đặc trưng lâu nay của Chùa Cầu nhưng không thể để công trình trở nên thiếu an toàn được".

Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 9.
Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 10.

Người dân Hội An phấn khởi vì "linh hồn" phố Hội trở lại kiên cố và vững chãi hơn. Ảnh: @hoian_recorder

Cũng là một người dân đang sinh sống ở Hội An, anh G.H chia sẻ: “Những người sống ở Hội An như chúng tôi thừa hiểu Chùa Cầu đã xuống cấp nặng thế nào, các bậc gỗ đã mất khả năng chống chịu. Và không phải gần 2 năm mà mất tận 7 năm dự án trùng tu này mới hoàn thành, bởi trước đó các chuyên gia phải nghiên cứu kĩ đúng nguyên bản. Người Hội An rất vui mừng khi Chùa Cầu trở lại vì nó là biểu tượng và linh hồn phố cổ, còn lớp áo bên ngoài tôi thấy tự động sau mùa mưa mọi thứ sẽ rêu phong trở lại."

Cũng là một người dân địa phương chị N.T.P không bất ngờ khi diện mạo mới của Chùa Cầu lại trở thành chủ đề khiến cộng đồng mạng xôn xao, chị cho biết: "Việc trùng tu là cần thiết, nhưng tôi vẫn chưa quen với diện mạo mới của Chùa Cầu và những nét kiến trúc cũ đan xen với sắc màu hiện đại tạo cho tôi một cảm giác kỳ lạ. Tuy nhiên, Chùa Cầu tại Hội An trước đó đã trải qua 6 lần tu sửa nên rất khó giữ được nguyên bản hệt như ban đầu và tôi tin rằng, dưới tác động của thời gian, những lớp sơn mới sẽ dần phai màu, để lộ ra vẻ đẹp cổ kính vốn có của di tích."

Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 11.

Một số hình ảnh Hội An sau những cuộc đại trùng tu. (Ảnh: @threads)

Di tích Chùa Cầu sẽ được sơn lại để tiệm cận với cái cũ nhất có thể

Sau nhiều lần nâng lên đặt xuống thì cuối cùng dự án tu bổ Chùa Cầu sau 2 năm đã hoàn thành toàn bộ hạng mục trùng tu và đang tích cực hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để chuẩn bị khánh thành. Công trình được xem là "biểu tượng linh hồn" của phố cổ Hội An dự kiến khánh thành vào ngày 2.8 tới, nhân sự kiện "Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản" lần thứ 20.

Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 12.

Những mái ngói âm dương cũ đã được thay thế bằng những viên ngói mới. Nhiều thanh gỗ hư hỏng, xuống cấp đã được thay mới sau khi trùng tu. (Ảnh: @tayastudio.hoian)

Dễ nhận thấy hình ảnh Chùa Cầu hiện nay khá "lạc" so với phiên bản cũ, tuy nhiên các phần cấu kiện gỗ bên trong được xử lý khá tốt, vậy mà cái du khách quan tâm lại là mặt ngoài của Chùa Cầu. Việc lựa chọn màu sơn tươi sáng cho Chùa Cầu có thể là một nỗ lực để tạo ra một điểm nhấn mới, thu hút du khách. Có chăng điều khiến nhiều du khách chưa hài lòng bởi màu sắc rực rỡ này chưa thực sự phù hợp với bối cảnh văn hóa truyền thống của phố cổ Hội An, nơi mà sự cổ kính rêu phong mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

Rất nhiều luồng ý kiến được đưa ra, trong đó không ít người cho rằng nếu phải chờ 3-4 năm để công trình xuống màu thì không ổn, bởi trùng tu cần tiệm cận cái cũ. Vậy nên sau khi nhìn nhận những ý kiến góp ý của người dân và du khách, lãnh đạo TP Hội An cho biết, đang giao Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An sơn lại công trình cho sát với màu cũ của Chùa Cầu hơn.

Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 13.

Chùa Cầu Hội An sẽ được sơn lại màu mới để mang dáng vẻ "trầm mặc" hơn. Ảnh: @hoian_recorder

Đứng trước quyết định này của lãnh đạo TP Hội An không ít bạn trẻ bày tỏ sự ngạc nhiên về tinh thần cầu thị của các cấp quản lý. Bạn N.H.T chia sẻ: "Quyết định này làm mình ấn tượng với tinh thần cầu thị và sửa đổi từ Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An và mình tin rằng với tinh thần này thì ban quản lý xử lý lại Chùa Cầu tốt hơn".

Còn anh N.P.N cũng vui mừng khi lãnh đạo TP lắng nghe ý kiến của mọi người và có những điều chỉnh hợp lý, "Chẳng cần nhìn đâu xa thực tế trong quá khứ kể từ khi xây dựng đến nay Chùa Cầu đã được tu bổ ít nhất 7 lần, vậy nên việc làm Chùa Cầu trông cổ kính hơn là điều có thể nếu xử lý kỹ thuật pha trộn vật liệu. Nhưng việc phục hồi màu sắc dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần mới ra, và điều quan trọng nhất là di tích phần lớn đã giữ gìn được tính nguyên gốc, các nguyên tắc trong tu bổ cũng phù hợp với bản chất vốn có của di tích".

Du khách tại Hội An ngay lúc này: Chùa Cầu ở ngoài đẹp hơn trên ảnh, thành phố còn cho chỉnh sửa thêm thì “đáng để chờ đợi”- Ảnh 14.

Dù là màu sơn mới hay nhạt nhòa thì những giá trị văn hóa lịch sử của Chùa Cầu vẫn luôn in đậm trong lòng mỗi người dân Việt.

Qua hình ảnh Chùa Cầu, có thể nói thời gian dường như chỉ là điểm nhấn của một tác phẩm, những mảng rong rêu hay cái màu cũ nhạt không thể lột tả hết về cái hồn của một công trình kiến trúc. Dù thế nào đi nữa chúng ta không thể phủ nhận việc trùng tu Chùa Cầu là điều cần thiết, bởi cuộc đại trùng tu này đã trả lại cho Hội An một Chùa Cầu vững chãi, kiên cố hơn. Rồi mảng màu sắc có vẻ tươi mới của Chùa Cầu sau khi trùng tu sẽ “trầm lại” chỉ sau vài mùa mưa nắng. Điều quan trọng là những giá trị cốt lõi của Chùa Cầu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật vẫn tồn tại ở đó với người dân phố Hội, với cộng đồng, với quốc gia mà không mất đi đâu cả.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày