Dù bận rộn, nhiều gia đình vẫn cùng con ngồi tự gói món bánh này: Tốn thời gian nhưng đổi lại học được bao điều

Ứng Hà Chi, Theo Phụ nữ Việt Nam 14:00 19/01/2023
Chia sẻ

Biết bao câu chuyện, giá trị truyền thống cùng những kỷ niệm đẹp sẽ được tái hiện trong quá trình cha mẹ hướng dẫn trẻ gói bánh chưng mỗi dịp Tết đến xuân về.

Gói bánh chưng là hoạt động quen thuộc trong các gia đình Việt mỗi khi Tết cận kề. Chiếc bánh được tạo nên bởi bao công sức, tình cảm và niềm hy vọng. Trước tiên, bánh chưng dùng để dâng cúng tổ tiên, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, mọi việc suôn sẻ; sau là cả nhà sẽ cùng nhau sum vầy thưởng thức. Bánh chưng nhà làm còn để biếu tặng người thân, bạn bè - những người mà mình yêu thương, trân quý.

Vì bánh chưng chứa đựng giá trị truyền thống của dân tộc nên hoạt động gói bánh được nhiều gia đình coi trọng, gìn giữ. Nhiều nhà nhất quyết không mua bánh sẵn để tiết kiệm thời gian mà tự làm, nhân cơ hội đó dạy con những bài học trân quý, những giá trị sống sâu sắc.

Bài học "uống nước nhớ nguồn" cho trẻ

Những ngày gần Tết, dù công việc bận rộn vì phải gặp gỡ khách hàng, đối tác nhưng anh Trần Long, 45 tuổi (huyện Đông Anh, Hà Nội) không quên dành thời gian cho con. Những ngày này, anh thường chở các con đi mua quần áo mới, đồ trang trí nhà cửa cùng cây cảnh trưng bày ngày Tết. Đặc biệt, anh sẽ hướng dẫn các con gói bánh chưng. Anh cho biết đây là cơ hội "vàng" để gắn kết tình cảm và dạy con về giá trị "uống nước nhớ nguồn" từ ngàn đời.

Anh Long hào hứng chia sẻ: "Rất thiệt thòi cho trẻ em thành phố bởi không gian chật hẹp nên không có chỗ để bày biện nguyên liệu gói bánh. Hơn nữa, nhiều gia đình về quê ăn Tết, không có nhu cầu biếu bánh cho ai nên trẻ không có trải nghiệm gói bánh.

Còn nhà tôi ở ngoại thành Hà Nội, có sân vườn rộng rãi. Gia đình 3 thế hệ ở cùng nhau nên đông con đông cháu. Những ngày Tết, mọi người xong việc cơ quan, về tụ họp quây quần cùng nhau vui lắm. Những đứa trẻ năm nào cũng được gói bánh nhưng vẫn rất háo hức, hứng thú!"

Dù bận rộn, nhiều gia đình vẫn cùng con ngồi tự gói món bánh này: Tốn thời gian nhưng đổi lại học được bao điều - Ảnh 1.

Anh Trần Long dù bận công việc cuối năm nhưng vẫn dành thời gian dạy con gói bánh chưng trong ngày giáp Tết.

Anh Long cho biết thêm, anh thường dạy các con bánh chưng là thức ăn cao quý, trang trọng để cúng tổ tiên. Qua đó thể hiện tinh thần "uống nước nhớ nguồn", nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục to lớn của ông bà, cha mẹ. Bánh chưng là tinh hoa ẩm thực, là trí tuệ của người Việt và cũng là nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh cần được gìn giữ.

Cũng như anh Long, chị Huyền, 50 tuổi (tỉnh Phú Thọ) tâm sự, năm nào cũng hướng dẫn con gói bánh chưng. Chị nhận thấy đây là việc rất cần thiết, quan trọng nhằm giúp con hiểu được cội nguồn dân tộc và biết cách sẻ chia công việc với mọi người.

"Vừa gói bánh, tôi sẽ vừa kể lại ‘Sự tích bánh chưng, bánh dày’ cho con nghe, khắc sâu về đạo lý tốt đẹp ngàn đời của người Việt. Ngoài ra, tôi sẽ dạy con để tạo nên chiếc bánh chưng cần chuẩn bị những nguyên liệu gì, gồm những công đoạn nào và những điều cần lưu ý. Cháu nhà tôi rất vui và háo hức, thích ngồi bên cạnh phụ giúp mẹ", chị Huyền cho biết.

Dù bận rộn, nhiều gia đình vẫn cùng con ngồi tự gói món bánh này: Tốn thời gian nhưng đổi lại học được bao điều - Ảnh 2.

Chị Huyền vừa gói bánh vừa kể cho con nghe "Sự tích bánh chưng, bánh dày".

Dạy trẻ biết yêu thương, đùm bọc mọi người

Không chỉ dạy con về tinh thần hướng về cội nguồn, chị Diệu Thúy, 43 tuổi (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng hoạt động gói bánh chưng còn là cơ hội để chị giúp con khắc sâu về giá trị của tình yêu thương, lòng trắc ẩn.

Với chị Thúy, bánh chưng là món ăn vô cùng đặc biệt trong dịp Tết. Chỉ cần nhìn hình dáng bên ngoài là có thể thấy rõ được sự công phu, tỉ mỉ, cẩn trọng của người làm bánh. Họ gói trọn cả tình yêu thương, sự quan tâm, niềm mong ước hạnh phúc và bình an sẽ đến với người thân trong gia đình cùng bạn bè. Vì thế, chị Thúy cho rằng thông qua hoạt động gói bánh chưng, con chị sẽ thêm yêu quý, trân trọng và biết ơn mọi người xung quanh.

Chị Thúy trải lòng: "Chiếc bánh chưng được gói vuông vức, cẩn thận, những hạt gạo nếp được lựa chọn tỉ mỉ đều nhau tăm tắp, chẳng hề sứt mẻ. Đậu xanh vàng óng đã tách vỏ, thịt lợn pha nạc và mỡ. Lá dong được chọn những lá xanh mướt, bản to và đều nhau.

Sau đó, bánh sẽ được gói trong nhiều lớp lá, nhẹ nhàng bao bọc lấy nhân bên trong như lòng mẹ luôn chở che các con khỏi giông bão cuộc đời. Chính vì vậy, bánh chưng còn mang giá trị tinh thần lớn lao, thể hiện sự yêu thương, đùm bọc, bao dung.

Dù bánh chưng ngày nay khác ngày xưa ở khâu chuẩn bị vì toàn mua sẵn nguyên liệu tại siêu thị, gói bằng khuôn thép và đôi khi nấu bằng bếp gas nhưng các con tôi vẫn háo hức. Các con cảm nhận được không khí tươi vui, ấm áp và hiểu rõ hơn về phong tục ngàn đời của dân tộc".

Gia đình chị Thúy cùng nhau gói bánh.

Dạy trẻ bài học về sự sung túc, ấm no

Chiếc bánh chưng gói ghém trong đó là cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước và là sản phẩm của trồng trọt, chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong - món quà từ thiên nhiên. Bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu thân thuộc bao đời nay: Gạo nếp, đỗ xanh, hành, thịt heo...

Bàn về giá trị truyền thống thông qua hoạt động gói bánh, chị Diệu Thúy cho biết thêm: "Một chiếc bánh chưng gồm đủ các nguyên liệu từ động vật đến thực vật thể hiện sự sung túc, ấm no. Đây cũng là mong ước ngàn đời của ông cha ta về một cuộc sống đủ đầy, yên vui; con cháu hạnh phúc, gặp nhiều điều may mắn. Vì vậy, tôi luôn chú trọng hướng con đến giá trị cổ truyền tốt đẹp".

Trong ngày Tết cổ truyền, hình ảnh gia đình quây quần cùng nhau gói bánh thật đẹp và ý nghĩa. Một cái tết sẽ không là trọn vẹn nếu thiếu màu xanh của bánh chưng.

Nguồn gốc của chiếc bánh chưng:

Bánh chưng có từ đời Hùng Vương thứ 6. Nhân dịp giỗ tổ, vua Hùng triệu tập các quan Lang (các con của Nhà vua) đến và truyền rằng: Vị quan Lang nào tìm được món lễ vật dâng lên tổ tiên hợp với ý Nhà vua sẽ được nhường ngôi.

Các vị quan Lang lên rừng, xuống biển tìm châu báu ngọc ngà và các sản vật quý để làm vật dâng lên Nhà vua. Chỉ có Lang Liêu - con trai thứ 18 của nhà vua do hoàn cảnh khó khăn nên vẫn loay hoay không biết làm cách nào. Không thể tìm được sản vật quý hiếm, chàng đã dùng những nông sản thường ngày gồm gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để làm nên bánh chưng dâng lên nhà vua.

Lễ vật của Lang Liêu rất hợp ý và được vua Hùng truyền ngôi. Từ đó, bánh chưng trở thành một món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng tổ tiên, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" đối với ông cha.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày