Nhiều người sẽ tiếc nuối cú đá phạt phút 90+10 của Văn Thanh, tình huống bỏ lỡ đáng tiếc phút 54 của Tuấn Anh, hoặc 2 tình huống dứt điểm chéo góc đầu hiệp hai của Khuất Văn Khang. Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận, Indonesia đã chơi tốt hơn, và chắc chắn xứng đáng với chiến thắng.
Sau thất bại, HLV Philippe Troussier nói rằng “kết quả được định đoạt bởi một tình huống penalty, một sai số nhỏ trong vòng cấm, và chi tiết nhỏ này ảnh hưởng đến đội”. Thật ra không phải. Xét tổng thể, từ việc xây dựng kế hoạch đến thế trận hay cơ hội, ĐT Việt Nam lép vế toàn diện trước Indonesia.
Những cơ hội Văn Thanh cùng đồng đội tạo ra quá ít ỏi. Thành thực mà nói, thầy trò HLV Troussier không có câu trả lời xác đáng cho cách tiếp cận mạnh mẽ, nền tảng thể lực sung mãn và chuyển đổi trạng thái cực nhanh của Indonesia. Dù cầm bóng nhỉnh hơn nhưng chất lượng đường chuyền của ĐT Việt Nam rất thấp (chính xác chỉ 75%), cung cấp cơ hội cho đối phương tiến hành các pha phản công hơn là mang đến cơ hội cho đội nhà.
ĐT Việt Nam gục ngã ở sân chơi châu lục trước đối thủ quen thuộc trong khu vực.
Ngay từ đầu nhiều người đã đặt câu hỏi về cách thiết lập đội hình của HLV 62 tuổi. Thật khó giải thích tại sao Hùng Dũng bị bỏ qua, cặp tiền vệ trung tâm lại là Tuấn Anh - Thái Sơn, để rồi họ bị hàng tiền vệ giàu thể chất của Indonesia áp đảo toàn diện.
Chiến lược gia người Pháp cũng đánh giá thấp sức chiến đấu của đội bóng xứ nghìn đảo, chuyển sang sơ đồ 3-4-3, rút bớt một tiền vệ để lấy chỗ cho Quang Hải , người đã thất bại trong việc gây ảnh hưởng cả trong xây dựng lối chơi lẫn tạo ra mối đe dọa cho đối thủ. Việc giữ Tuấn Anh đến hết trận, chậm chạp rút Xuân Mạnh để nhường chỗ cho Văn Thanh là những quyết định khó hiểu khác.
Cũng thật khó để chia sẻ với HLV Troussier, rằng “không có gì để hối tiếc khi đã nỗ lực hết sức”, và “các cầu thủ đã thể hiện tinh thần chiến đấu mạnh mẽ, giữ vững niềm tin và cố gắng 100% cho tới giây cuối cùng”. Đúng là các tuyển thủ rất cố gắng để đảo ngược tình thế, song sự cố gắng ấy mang đến cảm giác bất lực nhiều hơn.
Sau 10 phút đầu bùng nổ ở đầu hiệp hai, với 5 cú sút liên tiếp tung ra, ĐT Việt Nam trở lại với sự bế tắc, những đường chuyền dài không có điểm đến và trông chờ vào sự may rủi. Điều này hoàn toàn trái ngược với mong muốn của HLV Troussier về những bàn thắng chủ động từ tình huống mở. Cộng thêm thể lực sa sút, chơi thiếu người khiến sự cố gắng diễn ra trong vô vọng.
Pha đá phạt phút 90+10 của Văn Thanh...
... và tình huống phạm lỗi dẫn đến bàn thua trên chấm phạt đền của Thanh Bình.
Ngay từ đầu các cầu thủ đã không chơi với tinh thần “như một trận chung kết SEA Games hay AFF Cup” giống như ông thầy người Pháp mong đợi. Thế nhưng các cầu thủ Indonesia thì có. Và chúng ta sớm lạc lối trong sự dồn ép, không ngại va chạm, gây áp lực không ngừng nghỉ của Indonesia. Họ có sự chuẩn bị tốt hơn cả về tâm lý cũng như chiến thuật, bao gồm cả việc làm rối loạn nhịp độ lên bóng của Việt Nam thông qua các pha phạm lỗi.
Dù sao thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. ĐT Việt Nam còn một trận đấu nữa gặp Iraq trước khi về nước, sau đó hướng đến Vòng loại World Cup 2026 tiếp tục khởi tranh vào tháng 3. Chỉ có điều niềm tin vào những lời hứa hẹn về một tương lai vươn tầm, vượt ngưỡng đã xuống thấp.
Như đã nói từ trước, gặp Indonesia không chỉ là cuộc chiến giành giật 3 điểm. Đó còn là cuộc chiến giữa HLV Troussier với những người hoài nghi. Thật không may, ông đã thất bại. Và sóng gió vừa tạm lắng sau màn trình diễn đáng khen ngợi trước Nhật Bản lại nổi lên, dữ tợn hơn bao giờ hết.